Xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tăng mạnh nhờ điều này

20/06/2022 18:20 GMT+7
Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nhận định: Việc Philippines hạ thuế nhập khẩu gạo trong thời điểm hiện nay sẽ tạo điều kiện cho thị trường gạo thế giới thêm sôi động. Dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những tháng cuối năm, đặc biệt là vào thị trường Philippines và Trung Quốc...

Giá gạo của Việt Nam khá lạc quan

Trong tháng 5, số liệu từ các tổ chức thế giới đều cho thấy sản lượng sản xuất gạo toàn cầu chỉ nhích nhẹ hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước.

Về diễn biến giá gạo, chỉ số giá gạo FAO trung bình đã tăng 15 tháng liên tiếp đạt 109,2 điểm trong tháng 5, cao nhất trong 12 tháng và tăng 3,5% so với tháng 4 nhưng vẫn thấp hơn 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại Việt Nam, sức nóng của “cơn sốt” giá lương thực, thực phẩm toàn cầu đang mở rộng đến khu vực Đông Nam Á và ngành lúa gạo. Tuy nhiên, giá gạo của Việt Nam ở thị trường xuất khẩu lại tăng khá chậm dù neo ở mức cao.

Cụ thể, xuất khẩu gạo tháng 5 của Việt Nam đạt mức cao nhất trong vòng một năm trở lại đây với 710.371 tấn, trị giá 347,1 triệu USD, tăng mạnh 27,8% về lượng và 25,8% về trị giá so với tháng trước, đồng thời so với cùng kỳ năm ngoái tăng 13,5% về lượng và tăng 2,5% về trị giá.

Tính chung 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt gần 2,8 triệu tấn, kim ngạch hơn 1,3 tỷ USD, tăng 6,9% về lượng nhưng giảm 3,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021.

Đối với thị trường trong nước, giá lúa tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) biến động nhẹ trong tháng 5, trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm do thu hoạch vụ Đông Xuân đã kết thúc trong khi vụ Hè Thu chưa thu hoạch được nhiều.

Với nhu cầu mua gạo của các thị trường đang tăng, dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những tháng cuối năm, đặc biệt là thị trường Philippines và Trung Quốc, bởi sản lượng gạo Trung Quốc bị giảm sút do ảnh hưởng của lũ lụt và nguồn gạo dự trữ của Philippines đang giảm mạnh, cần nhập vào.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tăng mạnh nhờ điều này - Ảnh 1.

Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn ổn định và ở mức khá lạc quan.

Trong thời gian qua, không chỉ nông dân mà doanh nghiệp cũng đang chịu nhiều áp lực khi chi phí đầu vào tăng cao, đáng quan tâm là cước vận chuyển quốc tế vẫn chưa hạ nhiệt. Chí phí đầu vào tăng, đầu ra khó tăng do bị cạnh tranh gay gắt với các quốc gia xuất khẩu khác.

Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn ổn định và ở mức khá lạc quan. Hiện, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam ổn định ở mức 423 USD/tấn, gạo 25% tấm giữ nguyên mức 403 USD/tấn và gạo 100% tấm ổn định ở mức 378 USD/tấn.

Các doanh nghiệp xuất khẩu đều kỳ vọng trước việc Philippines hạ thuế nhập khẩu gạo trong thời điểm hiện nay và cho rằng, hành động này sẽ tạo điều kiện cho thị trường gạo thế giới thêm sôi động. Thông báo của Bộ Tài Chính Philippines, quốc gia này đã nhập khẩu 1,26 triệu tấn gạo trong 5 tháng đầu năm 2022 (từ tháng 1 đến tháng 5), tăng khoảng 43,3% so với ước tính 883.068 tấn của năm 2021. Cục Hải quan đã thu được 7,35 tỷ Peso (khoảng 140 triệu USD) tiền thuế nhập khẩu trong 5 tháng, tăng khoảng 18,6% so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường xuất khẩu gạo sẽ rất sôi động

Nhìn lại diễn biến giá cả năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đánh giá, gạo là mặt hàng có giá trị tăng trưởng cao nhất trong các sản phẩm nông nghiệp, trong khi nhiều nông sản sụt giảm xuất khẩu trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Đặc biệt, nhu cầu gạo trên thị trường thế giới tăng cao khi nhiều quốc gia tăng dự trữ, tăng nhập khẩu. Nhờ những thuận lợi từ thị trường, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tăng sản lượng và giá xuất khẩu gạo.

Dù giá gạo 5 tháng qua sụt giảm gần 10% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng các doanh nghiệp trong ngành khẳng định không quá lo, bởi việc tăng giảm ở biên độ như vậy là diễn biến bình thường của thị trường. Vấn đề quan trọng là các doanh nghiệp phải đảm bảo được chất lượng ổn định của các lô hàng xuất khẩu để giữ uy tín với các đối tác nhập khẩu.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, Trung Quốc đang tăng cường nhập khẩu gạo tấm giá rẻ phục vụ cho nhu cầu trong ngành chế biến thức ăn chăn nuôi, thay thế cho các loại ngũ cốc khác như ngô, lúa mì có giá tăng cao và nguồn cung thắt chặt sau khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine phức tạp.

Việt Nam đang đứng ở vị trí đứng thứ 5 trong cuộc đua xuất khẩu gạo vào Trung Quốc. Trung Quốc đã tăng rất mạnh nhập khẩu gạo thơm ST21 và ST24 từ Việt Nam nhưng giảm đối với gạo nếp. Dịch Covid-19 tại Trung Quốc diễn biến phức tạp, cộng với chính sách “Zero Covid” của nước này đã khiến cho xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc có những hạn chế nhất định. Bên cạnh đó, Việt Nam xuất khẩu gạo sang Trung Quốc cũng đang vấp phải sự cạnh tranh từ Thái Lan. 

Xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tăng mạnh nhờ điều này - Ảnh 2.

Quý III/2022 là thời điểm thị trường gạo thế giới sẽ đẩy mạnh việc mua hàng và đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam. Ảnh: TN

Theo dự báo của Bộ Công Thương, ngoài Trung Quốc, xuất khẩu gạo của Việt Nam tới đây sẽ tăng mạnh ở cả Philipines, chủ yếu là do nhu cầu từ Philippines, thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của nước ta tăng mạnh. Sau 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo của ta sang Philippines đã lên đến 1,3 triệu tấn, trị giá gần 590 triệu USD, tăng 34,8% về lượng và 17,7% về trị giá so với cùng kỳ. Hiện Philippines đang chiếm 46% tổng khối lượng gạo xuất khẩu của nước ta. Lượng gạo xuất khẩu sang một số thị trường chính khác tới đây cũng sẽ tăng khá mạnh như Bờ Biển Ngà, Malaysia, Mozambique…

Bên cạnh việc duy trì đơn hàng sang các thị trường truyền thống thì các doanh nghiệp cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường “khó tính” như Mỹ hay các nước trong khối EU như Italia, Đức, Thụy Điển, Bỉ, Tây Ban Nha…

Nhận định về triển vọng xuất khẩu gạo thời gian tới, các cơ quan chức năng cho biết thị trường xuất khẩu gạo rất sôi động vào đầu quý III, với nhu cầu mạnh hơn từ các thị trường như Trung Quốc, Bangladesh, Iran và Sri Lanka. Xuất khẩu sang EU dự báo sẽ tăng mạnh trong năm 2022 nhờ ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam và giá lúa gạo sẽ tiếp tục có xu hướng tăng. Chính vì vậy, doanh nghiệp trong nước cần đảm đảm nguồn hàng, lưu ý các thông tin về container, cước vận tải biển để chủ động giao hàng và ký kết các hợp đồng mới. 

Theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, năm 2022, xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ đạt khoảng 6-6,2 triệu tấn. Quý III/2022 là thời điểm thị trường gạo thế giới sẽ đẩy mạnh việc mua hàng và đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bên cạnh những tín hiệu tích cực về giá bán và lượng đơn hàng, xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng đang đứng trước một số khó khăn do sự vươn lên của các đối thủ cạnh tranh. 

Với đà xuất khẩu gạo trong tháng 5/2022 tăng gần gấp đôi so với mức bình quân của 4 tháng đầu năm, dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những tháng cuối năm, đặc biệt là thị trường Philippines và Trung Quốc, bởi sản lượng gạo Trung Quốc bị giảm sút do ảnh hưởng của lũ lụt và nguồn gạo dự trữ của Philippines đang giảm mạnh, cần nhập vào. 

Từ biến động mạnh của nhu cầu gạo trên toàn cầu, Bộ Công Thương đưa ra nhận định: Dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ đạt trên 6,4 triệu tấn cao hơn 200.000-300.000 tấn so với năm 2021. Xuất khẩu gạo có thể lạc quan hơn trong thời gian tới, khi nhu cầu nhập khẩu gạo của Trung Quốc tăng lên. Bên cạnh đó, nguồn gạo dự trữ của Philippines cũng đang ở mức thấp, cần nhập thêm cũng là cơ hội tốt cho gạo Việt Nam, dù thị trường này đang chịu cạnh tranh gay gắt từ gạo giá rẻ Ấn Độ.

Giá lúa gạo hôm nay (20/6) tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long duy trì ổn định. Cụ thể, tại An Giang, lúa IR 504 đang được thương lái thu mua ở mức 5.500 – 5.700 đồng/kg; Đài thơm 8 5.600 – 6.000 đồng/kg; lúa OM 5451 5.650 – 5.700 đồng/kg; nếp Long An 7.700 đồng/kg; lúa tươi OM 18 5.800 – 5.900 đồng/kg; nàng hoa 5.900 đồng/kg; IR 504 (khô) 6.500 đồng/kg; nếp An Giang 7.700 – 7.800 đồng/kg.

Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm đi ngang. Hiện giá gạo NL IR 504 ở mức 8.400 - 8.450 đồng/kg; gạo thành phẩm 8.800 – 8.850 đồng/kg. Với mặt hàng phụ phẩm, giá không có biến động. Cụ thể, giá tấm IR 504 ở mức 8.600 đồng/kg, giá cám khô 8.900 – 9.100 đồng/kg.

Tại CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Mã: TAR): Trong tài liệu trình đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2022, TAR đặt mục tiêu doanh thu 3.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 110 tỷ đồng, tăng lần lượt 12% và 14% so với thực hiện năm 2021. TAR dự kiến phát triển thị trường nội địa và bán buôn, thâm nhập sâu vào chuỗi giá trị của các tập đoàn bún, phở…; định hướng mở rộng thị trường xuất khẩu tại các nước phát triển như khối EU, Hàn Quốc, các nước châu Mỹ…; mở rộng vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao tại Tứ Giác Long Xuyên với 2 đề án được Bộ NN & PTNT phê duyệt; đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ phun phân và thuốc, 20 lò sấy lúa với công suất 700 tấn/ngày giúp giảm chi phí và tổn thất sau khi thu hoạch.

Tại CTCP Lộc Trời (Mã: LTG): Mới đây, Công ty Dịch vụ Nông nghiệp Lộc Trời (Công ty con) đã tổ chức vận hành thử nghiệm máy gặt đập liên hợp cải tiến để thu hoạch khoảng ruộng lúa trên 2ha tại ấp Cà Na, xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Bộ máy gặt đập liên hợp này được xưởng cơ khí Châu Thành nghiên cứu và cải tiến, lần đầu tiên được đưa ra sử dụng thử nghiệm tại mô hình này. Máy gặt đập liên hợp cải tiến của Tập đoàn Lộc Trời được thiết kế thêm tháp chứa khoảng 1,5 tấn trên thân máy để trữ lúa vừa cắt, sau đó lúa được khoan bơm qua thùng chứa lớn 2,5 tấn trên xe trung chuyển (máy cộ) từ ruộng ra bờ kênh, rồi được khoan bơm vào thùng chứa có cân điện tử và chạy qua băng chuyển trực tiếp xuống ghe.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục