Hoạt động M&A Việt Nam rực rỡ, năm 2021 dự kiến giá trị vượt 3,9 tỷ USD
Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) ở Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng rực rỡ, sau năm 2020 đầy thành công. Trên thực tế, trong 3 quý đầu năm 2021, tổng giá trị các thương vụ được công bố đạt 3 tỷ USD. Với ba tháng còn lại, dự báo giá trị giao dịch của năm 2021 sẽ vượt qua con số 3,9 tỷ USD của năm 2020.
Khối lượng giao dịch của năm 2020 đạt mức cao kỷ lục (kể từ năm 2006) và vẫn duy trì được đà này trong 3 quý đầu năm 2021 với tổng cộng 41 giao dịch được công bố, ngang bằng với con số Q1- Q3/2020.
Kết quả xuất sắc này phần lớn là nhờ những hoạt động tích cực trong Quý 2/201. Quý 2/2021 ghi nhận 19 thương vụ giao dịch thành công, là số lượng giao dịch hàng quý cao nhất trên Mergermarket. Trong khi đó, giá trị giao dịch Quý 2 là 2,5 tỷ USD, đánh dấu mốc cao thứ hai, chỉ dưới mức 5,2 tỷ USD đạt được vào Quý 4/2017.
Dù hoạt động giao dịch giảm dần trong Quý 3 do ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 biến thể Delta. Tuy nhiên kể từ tháng 10, khi các biện pháp hạn chế đã được nới lỏng, những giao dịch tồn đọng nhiều khả năng sẽ phục hồi nhanh chóng.
Tài chính tiêu dùng hút mạnh dòng tiền
Theo xu hướng của năm 2020, hoạt động M&A tiếp tục được trải đều trên nhiều lĩnh vực, thể hiện sự đa dạng của nền kinh tế Việt Nam. Thương vụ lớn nhất trong năm là SMBC Consumer Finance (SMBCCF), có trụ sở tại Nhật Bản, đã chi ra 1,4 tỷ USD mua lại khoảng 49% vốn của nhà cung cấp dịch vụ cho vay tiêu dùng VPBank Finance (FE Credit). Thương vụ này là một phần trong động thái của Tập đoàn SMBC nhằm tìm kiếm cơ hội phát triển hơn nữa ở châu Á khi FE Credit đang sở hữu khoảng 50% thị phần trên thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam.
Một thương vụ khác nhắm đến ngành tài chính tiêu dùng đang phát triển nhanh của Việt Nam là Ngân hàng Ayudhya của Thái Lan mua lại SHB Finance với giá 69 triệu USD từ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB). Thỏa thuận này sẽ cho phép ngân hàng Thái Lan tiếp cận với 200.000 khách hàng vay của SHB, đồng thời giúp mở rộng sự hiện diện của Ayudhya tại Đông Nam Á.
Sau những thương vụ này, lĩnh vực dịch vụ tài chính thu hút giá trị giao dịch cao nhất trong tất cả các lĩnh vực từ Q1-Q3/2021, với tổng cộng 1,5 tỷ USD được ghi nhận.
Lĩnh vực điện tử tăng trưởng cao thúc đẩy hoạt động giao dịch
Trong khi dịch vụ tài chính đứng đầu bảng giá trị, lĩnh vực công nghiệp & hóa chất ghi nhận nhiều giao dịch nhất. Tổng cộng 7 giao dịch đã được công bố trong 3 quý đầu năm 2021, vượt qua tổng số giao dịch của năm 2020.
Lĩnh vực điện tử ghi nhận một số giao dịch lớn, chẳng hạn như Sunji Electronic của Hàn Quốc mua lại Bangjoo Hi-Tech, một nhà sản xuất linh kiện điện tử và bảng mạch, trị giá 47,7 triệu USD.
Bất chấp sự gián đoạn do ảnh hưởng của Covid-19, Việt Nam tiếp tục khẳng định mình là một trung tâm sản xuất điện tử của khu vực. Xuất khẩu hàng điện tử của Việt Nam đã tăng từ 47,3 tỷ USD năm 2015 lên 96,9 tỷ USD năm 2019, xếp thứ 12 trên toàn thế giới.
Các giao dịch trong nước phản ánh niềm tin của thị trường
Hoạt động M&A trong nước vẫn chiếm ưu thế vào năm 2021, sau khi có một năm 2020 đầy sôi động. Tổng cộng 20 giao dịch đã được công bố trong Q1-Q3/2021, chỉ kém 3 giao dịch so với tổng số giao dịch kỷ lục của năm 2020. Điều này cho thấy niềm tin ngày càng tăng đối với các công ty trong nước khi họ tìm cách tăng cường năng lực và mở rộng quy mô hoạt động.
Thương vụ nội địa lớn nhất diễn ra cho đến nay vào năm 2021 là thương vụ trị giá 203,5 triệu USD của GTNFood với công ty chăn nuôi Vilico (Vietnam Livestock Corp.). Thương vụ này, nằm trong chương trình tái cơ cấu công ty mẹ Vinamilk, qua đó, GTN Foods sẽ hủy niêm yết và chuyển giao toàn bộ quyền và tài sản đã chuyển nhượng cho Vilico. Thông qua thương vụ, Vilico sẽ mở rộng sự hiện diện của mình trên thị trường chăn nuôi và chế biến thịt của Việt Nam.
Một thương vụ trong nước đáng chú ý khác là Nhựa Đồng Nai mua lại 51,78% cổ phần trị giá 45 triệu USD của CTCP sản xuất gạch ngói CMC. Thông qua việc mua lại, Nhựa Đồng Nai sẽ mở rộng vị thế thành nhà cung cấp vật liệu chính cho các công trình xây dựng dân dụng và cơ sở hạ tầng.
Các quỹ đầu tư tư nhân (PE) toàn cầu để mắt đến các công ty trong nước
Mối quan tâm trong nước đến các giao dịch nội địa quy mô lớn đang ngày càng tăng, 8/10 thương vụ hàng đầu trong năm 2021 được thực hiện bởi các nhà thầu nước ngoài. Bên cạnh các giao dịch doanh nghiệp được đề cập gần đây, các quỹ đầu tư tư nhân (PE) trên toàn cầu cũng đang trở nên sôi động hơn, trong đó các lĩnh vực tăng trưởng cao như bán lẻ và edtech (công nghệ giáo dục) đều thu hút sự quan tâm đặc biệt.
Thương vụ PE có giá trị cao nhất trong giai đoạn Q1–Q3/2021 là Tập đoàn Alibaba Group và Baring Private Equity Asia mua lại 5,5% cổ phần của The CrownX Corporation - chi nhánh bán lẻ của tập đoàn Masan Group ở Việt Nam. Thương vụ trị giá 400 triệu USD dự kiến tăng cường năng lực kỹ thuật số của Tập đoàn này với mục tiêu đẩy nhanh thị trường từ ngoại tuyến sang trực tuyến (O2O) tại Việt Nam.
Các quỹ PE của Mỹ cũng hoạt động tích cực, có thể kể đến khoản đầu tư 100 triệu USD của KKR vào nhà cung cấp dịch vụ giáo dục EQuest Education thông qua Quỹ Tác động Toàn cầu. EQuest hiện là nhà cung cấp dịch vụ giáo dục tư nhân lớn nhất tại Việt Nam và khoản đầu tư của KKR sẽ mở rộng hơn nữa năng lực edtech của công ty.
Triển vọng thị trường M&A Việt Nam sắp tới?
M&A Explorer cho rằng, trong thời gian qua, các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhằm khống chế, dập dịch trong làn sóng thứ 4 đã gây ảnh hưởng đến sản lượng và xuất khẩu của các nhà máy. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 6,7% xuống 3,8% trong tháng 9. Dù ADB điều chỉnh, nền kinh tế Việt Nam vẫn được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á là 3,1%.
Các động giao dịch tại Việt Nam trong bối cảnh đối mặt với sự gián đoạn do Covid-19 diễn ra cho thấy khả năng phục hồi của thị trường và nhu cầu lâu dài đối với nền kinh tế nội địa. Các yếu tố quan trọng như lực lượng lao động có trình độ học vấn tốt, chi phí thấp, tầng lớp trung lưu đang phát triển và môi trường chính trị ổn định sẽ tiếp tục khiến đất nước trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn.
Các ngành tăng trưởng cao như tài chính tiêu dùng, điện tử và bán lẻ sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm, mang lại nhiều cơ hội giao dịch trong quý cuối năm. Bên cạnh đó, việc nới lỏng các hạn chế vào tháng 10 và mở rộng chương trình tiêm chủng cũng sẽ thúc đẩy hơn nữa tốc độ phục hồi của đất nước.