Hơn 40 nghìn tỷ đồng vừa chảy về Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá USD đảo chiều

14/03/2023 08:09 GMT+7
Sau khi rút ròng nhẹ 1,4 nghìn tỷ đồng trong tuần trước đó, tuần qua Ngân hàng Nhà nước tiếp tục rút ròng với khối lượng lớn lớn hơn nhiều lần, với tổng cộng 40,3 nghìn tỷ đồng.

Hơn 40 nghìn tỷ đồng vừa chảy về Ngân hàng Nhà nước

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục sử dụng nghiệp vụ thị trường mở với xu hướng hút ròng là chủ yếu nhằm điều tiết thanh khoản trên hệ thống ngân hàng cho giai đoạn tuần 6/3 – 10/3/2023.

Trong đó, nghiệp vụ bán tín phiếu được đẩy mạnh, với việc phát hành 108,8 nghìn tỷ đồng ở 2 kỳ hạn 7 và 91 ngày và lãi suất 6%.

Bên cạnh đó, kênh cầm cố vẫn được duy trì xuyên suốt tuần, nhằm tài trợ cho khối lượng đáo hạn tương đối lớn (gần 25 nghìn tỷ đồng, bao gồm việc đáo hạn từ các hợp đồng 91 ngày được phát hành vào tháng 12/2022).

Kết tuần, thông qua kênh thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước đã rút ròng tổng cộng 40,3 nghìn tỷ đồng. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giảm nhẹ xuống còn 31,9 nghìn tỷ đồng, trong khi đó khối lượng lưu hành trên kênh tín phiếu là 202,6 nghìn tỷ đồng. Trong tuần liền trước, Ngân hàng Nhà nước rút ròng nhẹ 1,4 nghìn tỷ đồng.

Hơn 40 nghìn tỷ đồng vừa chảy về Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá USD đảo chiều - Ảnh 1.

Nguồn: SSI

Trong tuần, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn dược duy trì trên 6% và kết tuần ghi nhận tại 6,2% (không thay đổi so với tuần liền trước) ở kỳ hạn qua đêm. Chênh lệch giữa lãi suất VND và USD ở trạng thái dương.

Trong tuần trước, Chính phủ đã ban hành một số văn bản pháp luật quan trọng, bao gồm Nghị định 08 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và Nghị Quyết 33 về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành bất động sản.

Các chuyên gia tại Bộ phận nghiên cứu của Công ty Chứng khoán SSI đánh giá, động thái của Chính phủ mang nhiều ý nghĩa về việc tạo ra hành lang pháp lý cho những giải pháp sắp tới nhằm giải quyết các vấn đề về thanh khoản trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp hay các cơ sở cho việc giãn/hoãn nợ của các doanh nghiệp bất động sản.

Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng Chính phủ xuyên suốt 2 văn bản pháp luật trên đều nhấn mạnh tính ổn định và an toàn của hệ thống. Do vậy, các chính sách cho vay/giải quyết đối với dự án rủi ro vẫn được duy trì ở mức thận trọng.

Tỷ giá USD/VND hạ nhiệt

Trên thị trường ngoại hối, theo thông kê của SSI khép lại tuần giao dịch trước, chỉ số DXY (đo lường sức khỏe đồng USD) đi ngang trong khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm tới 25 điểm cơ bản so với tuần trước đó.

Các đồng tiền chủ chốt khác đều tăng giá nhẹ so với USD như JPY (tăng 0,62%) hay EUR (tăng 0,08%).

Tuần qua, ghi nhận nhiều biến động trên thị trường tài chính toàn cầu. Trong nửa đầu tuần, Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong các phiên điều trần trước Thượng Viện và Hạ Viện Mỹ đã cho thấy quan điểm thận trọng của mình trong việc đối phó với lạm phát, và nhấn mạnh chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục phụ thuộc vào các dữ liệu kinh tế, trong đó dữ liệu mới nhất chỉ ra rằng kinh tế Mỹ mạnh hơn dự kiến, khiến cho đỉnh lãi suất có thể phải cao hơn kỳ vọng trước đây.

Điều này đã khiến cho thị trường đặt nhiều kỳ vọng hơn về việc xác suất Fed sẽ tăng 50 điểm cơ bản trong kỳ họp tháng 3 tới đây.

Tuy nhiên, sự kiện liên quan đến Ngân hàng SVB đã tiếp tục khiến thị trường định giá lại xác suất Fed tăng lãi suất trong kỳ hợp tới đây.

Tính đến 5h ngày 13/3 (giờ Hà Nội), xác suất Fed giữ nguyên lãi suất đã được đẩy lên 34%. Do đó, đà tăng của đồng USD và lợi suất Trái phiếu Chính phủ Mỹ đã bị đảo ngược.

Hơn 40 nghìn tỷ đồng vừa chảy về Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá USD đảo chiều - Ảnh 3.

Diễn biến tỷ giá trong nước tiếp tục hạ nhiệt trong phiên hôm qua (ngày 13/3)

Trên thị trường trong nước, tương đồng với diễn biến quốc tế, tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại và tỷ giá liên ngân hàng đã hạ nhiệt trong tuần trước.

Kết tuần, tỷ giá niêm yết từ Vietcombank giảm 50 đồng/USD, trong khi tỷ giá chợ đen đi ngang.

Cùng với đó, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng giảm 0,15%, xuống 23.700 VND/USD.

Đáng chú ý, diễn biến tỷ giá trong nước tiếp tục hạ nhiệt trong phiên hôm qua (ngày 13/3) sau những thông tin về SVB được công bố. Điểm tích cực hỗ trợ tỷ giá đến từ nguồn cung ngoại tệ, với việc cán cân thương mại ước tính thặng dư tới 3,4 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm hay việc Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia được cấp phép du lịch theo đoàn từ Trung Quốc.

H.Anh
Cùng chuyên mục