"Hụt hẫng" lợi nhuận ngành thủy sản, dự báo tăng trưởng 20-30% năm 2024
Lợi nhuận loạt ông lớn thủy sản sụt giảm mạnh
"Vua tôm" Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) gây bất ngờ với kết quả kinh doanh giảm sâu. Doanh thu thuần trong quý cuối năm 2023 đạt 3.223 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2022. Nhưng giá vốn hàng bán tăng mạnh hơn với 51% lên 2.933 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp chỉ đạt 290 tỷ đồng, giảm 48,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Doanh thu hoạt động tài chính giảm tới 82% xuống 27 tỷ đồng. Chi phí bán hàng ở mức 218,6 tỷ đồng, chi phí quản lý 80 tỷ đồng lần lượt giảm 13,5% và tăng 90%. Kết quả lãi sau thuế hợp nhất của Thủy sản Minh phủ đạt 9,1 tỷ đồng, giảm 97% so với cùng kỳ năm 2022.
Giải trình về kết quả này, MPC cho biết do kết quả sản xuất kinh doanh của các Công ty nuôi thương phẩm của Tập đoàn trong kỳ hoạt động sản xuất kinh doanh chưa có hiệu quả.
Tính chung cả năm 2023, "vua tôm" ghi nhận doanh thu thuần đạt 10.689 tỷ đồng, giảm 35%; lỗ sau thuế 105 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 839 tỷ đồng.
Với Công ty cổ phần Nam Việt (ANV) ghi nhận doanh thu đạt 1.110,8 tỷ đồng, giảm 2,9% so với cùng kỳ; lỗ 0,52 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2023 lãi 106,53 tỷ đồng. Lý giải về nguyên nhân thua lỗ trong quý cuối năm 2023, Nam Việt cho biết, do ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới, sản lượng tiêu thụ của Công ty tăng nhưng giá bán chưa hồi phục so với cùng kỳ.
Luỹ kế cả năm 2023, Nam Việt ghi nhận doanh thu 4.439,12 tỷ đồng, giảm 9,3% so với năm 2022; lợi nhuận trước thuế đạt 67,62 tỷ đồng, giảm hơn 90% so với năm trước đó. Với kết quả này, Công ty chỉ thực hiện được 22,5% kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2023 (ở mức 300 tỷ đồng).
Công ty cổ phần Thủy sản Mê Kông (mã AAM) cũng trải qua một năm kinh doanh ảm đạm. Quý IV/2023, Công ty ghi nhận doanh thu thuần gần 38 tỷ đồng, giảm 9,5% so cùng kỳ 2022; lợi nhuận sau thuế âm 380 triệu đồng. Lũy kế cả năm, Công ty đạt doanh thu thuần 136,7 tỷ đồng, giảm 35% so với mức thực hiện năm 2022; lãi sau thuế vẻn vẹn 703 triệu đồng, giảm 96% so với năm 2022.
Năm 2023, Thủy sản Mekong đặt mục tiêu doanh thu đạt 180 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 10 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả đạt được, Công ty đã hoàn thành 75% kế hoạch doanh thu và 8% chỉ tiêu lợi nhuận đã đề ra.
CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã FMC) là một trong những doanh nghiệp hiếm hoi ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực. Trong quý IV/2023, FMC ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.253 tỷ đồng, tăng 3,5% so với quý IV/2022. Giá vốn tăng hơn 5% lên 1.113 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp còn 140 tỷ đồng, giảm nhẹ 8%. Biên lợi nhuận gộp đạt 11%, trong khi cùng kỳ năm trước đạt 12,5%.
Doanh thu hoạt động tài chính tăng tới gần 27% lên 19 tỷ đồng, chủ yếu từ lãi tiền gửi ngân hàng và lãi chênh lệch tỷ giá. Cùng đó, chi phí tài chính giảm sâu 59% xuống còn hơn 7 tỷ đồng. Kết quả, Sao Ta báo lãi sau thuế quý IV/2023 đạt 88,8 tỷ đồng, tăng trên 10% so với kết quả đạt được trong quý IV/2022.
Lũy kế cả năm 2023, Sao Ta ghi nhận 5.087 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 11% so với năm 2022. Doanh thu bán thủy sản chiếm 87%, còn lại là doanh thu từ bán hàng nông sản. Lợi nhuận sau thuế cả năm ghi nhận 302 tỷ đồng, giảm 7% so với năm 2022.
Hồi cuối tháng 10/2023, Thực phẩm Sao Ta đã điều chỉnh giảm 25% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2023 về 4.870 tỷ đồng và 300 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả đạt được, công ty đã hoàn thành vượt 4,5% chỉ tiêu doanh thu và vượt nhẹ chỉ tiêu lợi nhuận.
Lợi nhuận của ngành thủy sản có thể tăng khoảng 20-30% trong năm 2024
Trong báo cáo ngành thủy sản gần đây, SSI Research của Công ty Chứng khoán SSI cho biết xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm 2024 dự kiến sẽ phục hồi chậm do xu hướng giảm tiếp tục từ năm 2023. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã giảm 17,5% so với năm 2022, đạt 9 tỷ USD. Dự kiến sự phục hồi sẽ rõ nét hơn vào nửa cuối năm 2024.
SSI Research nhận định giá đầu vào trong ngành thủy sản giảm, hỗ trợ biên lợi nhuận gộp của các công ty chế biến. Đặc biệt, giá cá nguyên liệu và cá giống giảm 9% và 22% trong tháng 12/2023 so với cùng kỳ năm 2022. Tương tự, giá tôm nguyên liệu cũng giảm 19%.
Tuy sản lượng đơn đặt hàng phục hồi yếu, dự báo năm 2024 không sẽ thiếu nguồn cung tôm hoặc cá nguyên liệu, tuy nhiên giá có thể giảm nhẹ do nhu cầu yếu.
Mặc dù giá đầu vào giảm, nhưng biên lợi nhuận gộp của các công ty chế biến vẫn dự kiến sẽ giảm trong nửa đầu năm 2024 do giá bán trung bình giảm và giảm nhanh hơn so với nguyên liệu đầu vào.
Nhóm phân tích của SSI cũng cảnh báo rằng chi phí vận chuyển có thể tăng trong quý I/2024, do căng thẳng ở Biển Đỏ leo thang. Dự kiến chi phí vận chuyển/doanh thu của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sẽ tăng khoảng 3-5% trong tháng 12/2023 và lên 7-10% trong tháng 1/2024.
Mặc dù hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng hợp đồng FOB, nhóm phân tích cho rằng, vì nhu cầu vẫn yếu, người mua có thể đàm phán để chia sẻ chi phí vận chuyển. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu trong quý I/2024 có thể phải đối mặt với chi phí bán hàng cao hơn hoặc giá bán thấp hơn cho đến khi tình hình ở Biển Đỏ ổn định.
Dự báo của SSI Research cho thấy lợi nhuận của ngành thủy sản có thể tăng khoảng 20-30% trong năm 2024, chủ yếu là từ nửa cuối năm, nhưng vẫn dự kiến thấp hơn so với giai đoạn 2021-2022, giả sử giá cá tra phục hồi trong nửa cuối năm 2024.