IMF hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu, Mỹ cũng "tụt hạng"
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới được công bố hôm thứ Ba, IMF cho biết họ dự kiến GDP toàn cầu sẽ tăng trưởng 5,9% trong năm nay - thấp hơn 0,1% so với ước tính hồi tháng 7. Trong năm 2022, IMF duy trì dự báo tăng trưởng toàn cầu ở mức 4,9%.
Dự báo trên được đưa ra trong bối cảnh các vấn đề chuỗi cung ứng ở các nền kinh tế tiên tiến và tình hình dịch bệnh ngày càng tồi tệ ở một số nước đang phát triển .
Gita Gopinath, nhà kinh tế trưởng tại IMF, nhận định rằng: “Việc sửa đổi hạ dự báo tăng trưởng một cách khiêm tốn này ẩn chứa sự tụt hạng lớn đối với một số quốc gia.Triển vọng đối với nhóm các nước đang phát triển có thu nhập thấp đã tối đi đáng kể do tác động của đại dịch ngày càng nặng nề. Việc hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu cũng phản ánh thách thức trong triển vọng tăng trưởng đối với nhóm nền kinh tế tiên tiến, một phần do nguồn cung bị gián đoạn ”.
Mỹ là một trong những quốc gia “tụt hạng”; IMF đã cắt giảm ước tính tăng trưởng của Mỹ trong năm nay 1%, từ 7% xuống còn 6%. Triển vọng tăng trưởng của Tây Ban Nha và Đức cũng bị cắt giảm 0,5%, và của Canada bị giảm 0,6%.
Tuy nhiên, trong năm 2022, IMF duy trì dự báo mức tăng trưởng trung bình toàn cầu là 3,3% trong trung hạn.
Khoảng cách phục hồi giữa nước giàu với nước nghèo
IMF bày tỏ lo ngại về tốc độ phục hồi chênh lệch ở các nền kinh tế tiên tiến và các nước đang phát triển.
Ước tính cho thấy trong khi các nền kinh tế tiên tiến có thể phục hồi vượt mức trước đại dịch vào năm 2024. Trong khi đó, tính đến cùng thời điểm, các nước đang phát triển, ngoại trừ Trung Quốc, có thể vẫn còn cách mức trước đại dịch khoảng 5,5%, theo dự báo của IMF.
Chuyên gia kinh tế Gopinath cho hay: “Những sự khác biệt này là hệ quả của phân phối vắc xin không đồng đều và sự chênh lệch lớn trong hỗ trợ chính sách tại các quốc gia. Trong khi hơn 60% dân số ở các nước tiên tiến được tiêm phòng đầy đủ và một số hiện đang được tiêm nhắc lại, trong khi khoảng 96% dân số ở các nước thu nhập thấp vẫn chưa được tiêm phòng”.
Vấn đề lạm phát là rủi ro
Giá tiêu dùng đã tăng đáng kể trong vài tháng qua trên toàn cầu do gián đoạn chuỗi cung ứng và giá hàng hóa cao hơn, đặc biệt là khí đốt.
Tại Mỹ, giá tiêu dùng đã tăng 5,4% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm trước - tương ứng với mức tăng lớn nhất kể từ tháng 8/2008 - trước khi giảm nhẹ vào tháng 8. Trong khi đó, tại khu vực đồng Euro, lạm phát đã đạt mức cao nhất trong 13 năm vào tháng 9.