Lạm phát ở khu vực đồng Euro chạm mức cao nhất trong 1 thập kỷ

01/09/2021 10:05 GMT+7
Ngay trước thềm cuộc họp chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB, các chỉ báo kinh tế cho thấy lạm phát trong khu vực đồng tiền chung châu Âu đã tăng trở lại trong tháng 8.

Một ước tính sơ bộ được công bố hôm 31/8 cho thấy giá tiêu dùng trong tháng 8 vừa qua tại khu vực đồng tiền chung châu Âu đã tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng đáng kể so với mức 2,2% được ghi nhận hồi tháng 7. Nếu con số ước tính sơ bộ này không được điều chỉnh sau vài tuần nữa, nó sẽ phản ánh mức lạm phát cao nhất mà khu vực này từng ghi nhận trong vòng một thập kỷ qua.

Giá tiêu dùng ước tính tăng vọt sau khi Đức báo cáo CPI tăng chưa từng có kể từ năm 2008, với mức lạm phát toàn nền kinh tế lên tới 3,4%. Pháp cũng báo cáo tỷ lệ lạm phát cao nhất trong gần 3 năm vào hôm 31/8.

Nhà kinh tế học Salomon Fiedler tại Berenberg cho biết: “Các hộ gia đình ở khu vực đồng Euro đã tích lũy được khoản tiết kiệm dư thừa đáng kể trong thời gian đóng cửa kinh tế”.

Lạm phát ở khu vực đồng Euro chạm mức cao nhất trong 1 thập kỷ - Ảnh 1.

Mùa du lịch hè ở Sicily, Ý có dấu hiệu phục hồi sau một năm gián đoạn vì đại dịch (Ảnh: Getty Images)

Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB dự kiến sẽ có cuộc họp chính sách tiền tệ vào ngày 9/9 tới để thảo luận về chương trình mua tài sản mà ngân hàng này đang thực hiện trong bối cảnh các thành viên ECB bắt đầu chia rẽ trong việc quyết định thời gian thu hẹp những gói kích thích kinh tế hiện tại.

Phát biểu hôm 30/8, Thống đốc ngân hàng trung ương Pháp Francois Villeroy de Galhau cho biết ECB nên xem xét đà phục hồi kinh tế mạnh mẽ gần đây trước khi đưa ra bất cứ quyết định nào về các gói kích thích hiện tại.

Trong khi đó, Thống đốc ngân hàng trung ương Phần Lan Olli Rehn thì nhận định trong một cuộc phỏng vấn với Politico vào tuần trước rằng ECB cần thận trọng về bất kỳ động thái đảo ngược chính sách tiền tệ nới lỏng nào.

Biên bản cuộc họp cuối cùng của ECB cho thấy một số thành viên tin rằng lập trường của ngân hàng chung châu Âu là đánh giá thấp nguy cơ lạm phát cao hơn. Các chỉ báo lạm phát cao đáng kể vừa được công bố có thể sẽ gây áp lực lên các ngân hàng Trung ương trong khu vực đồng Euro, đặc biệt khi Cục Dự trữ Liên bang Fed hồi tuần trước đã báo hiệu về việc thu hẹp quy mô gói kích thích trị giá 120 tỷ USD trước cuối năm nay.

Trong một tuyên bố trực tuyến sau cuộc họp chính sách tiền tệ hôm 27/8, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh Mỹ đã đạt được đà phục hồi kinh tế mạnh mẽ sau đợt bùng phát dịch Covid-19, đồng thời bày tỏ sự tin tưởng rằng ngân hàng Trung ương có thể sớm rút lại các gói kích thích kinh tế khi nền kinh tế lớn nhất thế giới đứng trước viễn cảnh tăng trưởng lạc quan hiện tại.

“Quan điểm của tôi là lạm phát đã đạt đến mức tăng đáng kể như tiêu chí mà ngân hàng Trung ương đưa ra (để bắt đầu đảo ngược chính sách tiền tệ nới lỏng). Thị trường việc làm cũng có những tăng trưởng rõ ràng” - ông Powell nhấn mạnh. Biên bản cuộc họp mới nhất của Ủy ban Thị trường mở (FOMC) thuộc Fed về chính sách tiền tệ cho thấy phần lớn các quan chức tin rằng việc bắt đầu "cắt giảm" chương trình mua trái phiếu trong năm nay là phù hợp. Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng tán thành điều này.

Mục tiêu mà ECB đặt ra là duy trì mức lạm phát khoảng 2% trong trung hạn. Một số dự báo của ECB đang cho thấy lạm phát có thể tăng lên 1,9% trong năm nay trước khi giảm xuống lần lượt 1,5% và 1,4% vào năm 2022 và 2023. Nhưng nhà kinh tế học Berenberg, ông Fiedler cho biết ECB sẽ phải điều chỉnh lại các ước tính của mình vào tuần tới. “Lạm phát hiện đã tăng cao hơn mức cao nhất 2,6% mà ECB dự đoán cho quý IV/2021. Với khả năng lạm phát tăng cao hơn nữa cho đến tháng 11, ECB gần như chắc chắn sẽ phải nâng dự báo lạm phát tại cuộc họp vào ngày 9/9”.

Tuy nhiên, trong trung hạn, hầu hết các nhà phân tích đồng ý với ECB rằng đà tăng hiện tại của lạm phát chỉ là vấn đề tạm thời trong nền kinh tế. Jack Allen-Reynolds, nhà kinh tế cao cấp về châu Âu tại Capital Economics, cho biết trong một ghi chú hôm 31/8 rằng ông kỳ vọng tỷ lệ lạm phát toàn phần sẽ giảm xuống khoảng 2% trong tháng 1/2022 trước khi kết thúc năm 2022 ở mức 1%. Dự báo được đưa ra trong kịch bản lạc quan rằng các vấn đề gián đoạn chuỗi cung ứng cũng như các biện pháp hạn chế kiểm dịch Covid-19 sẽ được dỡ bỏ dần từ năm sau, qua đó cho phép bình thường hóa hoạt động kinh tế như thời điểm trước đại dịch.


NTTD
Cùng chuyên mục