Lạm phát tăng vọt buộc Trung Quốc bán dầu từ kho dự trữ dầu chiến lược quốc gia

10/09/2021 16:04 GMT+7
Trung Quốc đang đưa dầu từ kho dự trữ chiến lược ra thị trường trong nỗ lực bình ổn giá dầu khi áp lực lạm phát đe dọa đà phục hồi kinh tế.

Cơ quan dự trữ chiến lược quốc gia Trung Quốc hôm 9/9 cho biết sẽ mở kho dự trữ dầu quốc gia theo từng đợt thông qua việc bán dầu cho các công ty lọc hóa dầu nhằm ổn định cung cầu thị trường trong nước và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Cục này cho hay việc giải phóng kho dự trữ dầu sẽ "giảm bớt áp lực tăng giá nguyên liệu thô cho các công ty sản xuất".

Động thái của Trung Quốc lập tức khiến giá dầu thế giới giảm xuống mức thấp nhất trong 2 tuần vào cuối phiên giao dịch 9/9. Giá dầu Brent giảm 1,6% trong khi giá dầu WTI giảm 1,7%. Cả hai sau đó phục hồi nhẹ lên mức 71,85 USD/ thùng dầu Brent chuẩn quốc tế và 68,45 USD/ thùng dầu WTI.

Lạm phát tăng vọt buộc Trung Quốc bán dầu từ kho dự trữ dầu chiến lược quốc gia - Ảnh 1.

Lạm phát và giá dầu tăng vọt buộc Trung Quốc mở kho dự trữ dầu chiến lược (Ảnh: Forbes)

Chính phủ Trung Quốc không công bố chính xác số lượng dầu bán ra thị trường, nhưng việc mở kho dự trữ dầu quốc gia là một động thái đáng chú ý. 

Trung Quốc là một trong những thị trường tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới. Nước này phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung dầu nhập khẩu cho các hoạt động kinh tế; do đó, chính phủ Trung Quốc đã dành nhiều năm để củng cố kho dự trữ dầu khẩn cấp quốc gia. Một số nguồn tin cho hay đến năm 2017, Trung Quốc có 9 cơ sở dự trữ dầu lớn trên cả nước với tổng công suất 37,7 triệu tuấn. Trung Quốc từng đặt mục tiêu nâng dự trữ dầu khẩn cấp lên 85 triệu tấn vào cuối năm 2020, gần bằng số lượng dầu mà Mỹ giữ trong Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược quốc gia.

Nhưng khi nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với những thách thức đáng kể, Bắc Kinh khó có lựa chọn nào khác ngoài việc mở kho dự trữ dầu để bình ổn thị trường dầu. Vào tháng 8, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất trong 13 năm do giá hàng hóa, nguyên liệu thô tăng vọt. Giá năng lượng cũng tăng đột biến trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ điện lên cao, khiến tình trạng thiếu điện kéo dài ở một số địa phương.

Bất chấp những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm kiềm chế đà tăng chi phí nguyên liệu thô, lạm phát tại cửa nhà mát vẫn tăng cao. Chính phủ đã cảnh báo việc chi phí nguyên liệu thô và năng lượng tăng cao sẽ đặt ra những thách thức lớn với đà tăng trưởng kinh tế cũng như đà phục hồi của thị trường lao động. Đặc biệt, với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thách thức để phục hồi là rất lớn.

Bên cạnh đó, việc lạm phát tăng cao cũng cản trở nỗ lực của chính phủ trong việc tung ra các gói kích thích tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế. Bất kỳ chính sách tài khóa, tiền tệ nới lỏng nào - chẳng hạn như tăng chi tiêu của chính phủ hoặc mở rộng cung tiền - sẽ chỉ làm tăng lạm phát hơn nữa.

Bên cạnh vấn đề lạm phát, đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc cũng đang đối diện với hàng loạt thách thức lớn, chẳng hạn đợt bùng phát trở lại dịch Covid-19 do biến thể Delta hay cuộc khủng hoảng vận tải đường biển làm gián đoạn chuỗi cung ứng.

Trung Quốc là nền kinh tế đầu tiên phục hồi sau đại dịch, nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy đà tăng trưởng cũng như nhu cầu của Trung Quốc đang chậm lại đáng kể. Chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất của Trung Quốc đã giảm xuống 50,4 trong tháng 7 qua, tháng giảm thứ 4 liên tiếp. Đây cũng là mức PMI thấp nhất kể từ tháng 2/2020 đến nay, thời điểm dịch Covid-19 tại Trung Quốc đạt đỉnh. Doanh số bán lẻ tại Trung Quốc trong tháng 7 cũng bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế kiểm dịch nghiêm ngặt sau khi 15 tỉnh thành tại quốc gia này ghi nhận các ca nhiễm mới Covid-19. Doanh số bán ô tô thấp hơn do cuộc khủng hoảng chip cũng góp phần làm giảm tốc độ tăng của lĩnh vực bán lẻ Trung Quốc, trong khi thị trường bất động sản có dấu hiệu chững lại và các chính sách sách môi trường của Bắc Kinh làm giảm đáng kể sản lượng thép và xi măng, qua đó ảnh hưởng đến nhu cầu.

Trong dài hạn, ông Hiroshi Ugai, nhà kinh tế cấp cao của JPMorgan Securities dự báo rằng tỷ lệ sinh giảm và dân số già hóa sẽ kéo lùi tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) ước tính tốc độ tăng trưởng tiềm năng sẽ giảm xuống khoảng 5,1% từ năm 2025 từ mức khoảng 6% trước khi đại dịch bùng phát.



NTTD
Cùng chuyên mục