Israel có thể phải vứt hàng triệu liều vắc xin Pfizer
Tờ Guardian đưa tin hơn 1 triệu liều vắc xin Pfizer/ BioNTech được lưu giữ tại Israel sắp hết hạn vào cuối tháng 7 có thể buộc phải bỏ đi sau khi nỗ lực thúc đẩy thỏa thuận hoán đổi vắc xin với Vương quốc Anh đi vào bế tắc.
Trước đó, Israel đã đề nghị đổi hơn 1 triệu liều vắc xin Pfizer/ BioNTech sắp hết hạn cho Anh để đổi lấy một lượng tương tự vắc xin mà Anh sẽ nhận được từ Pfizer vào tháng 9. Thỏa thuận này sẽ giúp Anh thúc đẩy tốc độ tiêm chủng trong nước trước khi các hạn chế kiểm dịch Covid-19 được dỡ bỏ vào cuối tháng 7.
Tuy nhiên, các nguồn tin từ giới truyền thông cho hay thỏa thuận đã thất bại do một số vấn đề kỹ thuật. “Cuộc thảo luận giữa hai phía Israel và vương quốc Anh về việc chuyển giao vắc xin đã diễn ra, tuy nhiên bất chấp thiện chí của hai bên, kết quả thảo luận không như mong đợi vì một số lý do kỹ thuật” - phát ngôn viên Bộ ngoại giao Israel cho hay.
Về phía Anh, phát ngôn viên của chính phủ cho hay: “Chúng tôi tự tin vào nguồn cung vắc xin của mình và đang đặt ra mục tiêu đáp ứng tiến độ tiêm chủng đã đề ra”.
Phía Pfizer được cho là đã từ chối yêu cầu của Israel về việc gia hạn thời gian sử dụng vắc xin. Công ty này cho biết họ không thể đảm bảo việc tiêm vắc xin là an toàn sau khi lô vắc xin này hết hạn vào ngày 30/7.
Kế hoạch chuyển khoảng 1 triệu liều Pfizer tới Bờ Tây của Israel vào tháng trước cũng thất bại khi các nhà lãnh đạo Palestine khẳng định họ không chấp nhận vắc xin đã gần hết hạn sử dụng.
Người phát ngôn của Chính quyền Palestine, Ibrahim Melhem cho biết: “Chính phủ từ chối nhận vắc xin sắp hết hạn sử dụng”. Phía Palestine tuyên bố sẽ đợi lô hàng vắc xin mà họ đã đặt trực tiếp từ Pfizer.
Cho đến nay, khoảng 30% người Palestine đủ điều kiện tiêm chủng ở Bờ Tây và dải Gaza đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin, theo các quan chức Palestine. Trong khi đó, tại Israel, tỷ lệ dân số trưởng thành đã được tiêm đủ hai liều vắc xin lên tới 65%. Khi biến thể virus Delta nguy hiểm đang lây lan tại nhiều quốc gia, gây ra làn sóng dịch bệnh tiếp theo, chính phủ Israel đang khuyến khích tiêm chủng với nhóm trẻ em trong độ tuổi 12-15.
Tuy vậy, việc vận động nhóm tuổi thanh thiếu niên tham gia tiêm chủng không thành công như với nhóm tuổi người trưởng thành. Một số chuyên gia bày tỏ quan ngại rằng cơ quan y tế Israel nhiều khả năng không thể tiêm mũi 1 vắc xin Pfizer sau ngày 9/7 do họ không đủ vắc xin mũi 2 chưa hết hạn để tiêm cho người dân 3 tuần sau đó.
Tổ chức Y tế Thế giới WHO hiện đang khuyến cáo các quốc gia không vứt bỏ bất kỳ liều vắc xin Covid-19 nào ngay cả khi đã hết hạn để chờ đợi nghiên cứu thêm xem liệu rằng thời hạn sử dụng các loại vắc xin này có thể kéo dài hay không.
Adam Finn, giáo sư y khoa tại Đại học Bristol đồng thời là thành viên của Ủy ban tiêm chủng và chủng ngừa (JCVI) cho biết ông hy vọng sẽ sớm tìm ra giải pháp trong bối cảnh thế giới khan hiếm vắc xin như hiện tại.