Kéo dài căng thẳng thương mại, kinh tế Trung Quốc nối đà giảm tốc
Sản xuất công nghiệp của Trung Quốc chỉ tăng 4,7% trong tháng 10, giảm mạnh từ mức 5,8% hồi tháng 9/2019, theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc. Đây được xem là một trong những thước đo tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất và khai thác. Tuy nhiên, con số này vẫn được đánh giá là lạc quan hơn mức 4,4% hồi tháng 8 - tức mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 17 năm.
Một dữ liệu khác được NBS công bố hôm 14/11 là tỷ lệ đầu tư tài sản cố định tăng 5,2% trong 10 tháng đầu năm, mức tăng thấp hơn kỳ vọng 5,4% của các nhà phân tích, đồng thời là mức tăng thấp nhất kể từ khi bắt đầu thống kê vào tháng 11/1999.
Doanh số bán lẻ, một trong những chỉ số chính phản ánh chi tiêu tiêu dùng của người dân Trung Quốc đã tăng 7,2% trong tháng 10, mức thấp hơn dự báo của các nhà phân tích tờ Bloomberg, cũng là mức tăng trưởng tháng thấp nhất kể từ hồi tháng 4/2019 đến nay.
Trong hơn một năm qua, nền kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu đà giảm tốc do tác động của cuộc chiến tranh thương mại đầy cay đắng với Mỹ. Kim ngạch thương mại giảm mạnh, tăng trưởng GDP cũng tụt dốc xuống mức thấp nhất trong hơn 27 năm qua. Chỉ tính trong tháng 10/2019, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm 0,9% còn kim ngạch nhập khẩu giảm 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức sụt giảm tháng thứ 9 liên tiếp.
Các chuyên gia thậm chí cảnh báo tác động giảm tốc lớn nhất sẽ rơi vào lĩnh vực đầu tư dưới áp lực của Nhà Trắng và thuế quan mà Tổng thống Donald Trump áp đặt lên nền kinh tế Trung Quốc. Đầu tư cơ sở hạ tầng trong tháng 10 tăng 4,2%, giảm 0,3% so với hồi tháng 9. Sự suy giảm trong đầu tư kinh doanh là một trong những nguyên nhân quan trọng thúc đẩy xu hướng giảm tốc của GDP.
Trong một tuyên bố hôm 14/11, phát ngôn viên của NBS khẳng định kinh tế Trung Quốc chững lại đã đưa kinh tế toàn cầu đến gần hơn với bờ vực suy thoái, trong bối cảnh những mối bất ổn địa chính trị ngày càng phóng đại. Rõ ràng, các biện pháp mạnh tay của Chính quyền Donald Trump đã đẩy các doanh nghiệp ồ ạt ra khỏi thị trường Trung Quốc để tránh mức thuế quan lên tới 30%. Bối cảnh căng thẳng địa chính trị cũng làm suy giảm niềm tin đầu tư của doanh nghiệp. So sánh với nền kinh tế Mỹ vẫn đang tăng trưởng ổn định dưới bàn tay Donald Trump, có vẻ như Bắc Kinh đang ở thế yếu trong cuộc chiến tranh thương mại.
Áp lực hiện tại chính quyền Tập Cận Bình là duy trì tăng trưởng GDP nằm trong mức mục tiêu 6-6,5% trong năm 2019. Các nhà phân tích thậm chí cảnh báo GDP của Trung Quốc sẽ còn tồi tệ hơn trong năm 2020, khi nền kinh tế đã ngấm đòn và rệu rã vì chiến tranh thương mại kéo dài. Chính Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong một cuộc họp với các nhà hoạch định chính sách hôm 12/11 cũng thừa nhận nền kinh tế đang đối diện với những thử thách to lớn. “Môi trường quốc tế hiện tại trở nên ngày càng phức tạp và khắc nghiệt, cộng với áp lực từ lạm phát giá tiêu dùng trong nước do cơn sốt dịch tả lợn Châu Phi đã làm gia tăng thách thức với doanh nghiệp”.
Hồi tháng 10, phái đoàn đàm phán hai nước từng tuyên bố thông qua thỏa thuận thương mại Mỹ Trung giai đoạn 1 trong nỗ lực chấm dứt xung đột thương mại kéo dài hơn 1 năm nay. Nhưng vài ngày qua, nhiều nguồn tin cho hay các cuộc thảo luận đang rơi vào thế bế tắc khi Trung Quốc muốn lật lại cam kết mua nông sản và thúc đẩy Mỹ dỡ bỏ thêm thuế quan nếu muốn đạt đến thỏa thuận thương mại cuối cùng nhưng vấp phải sự phản đối quyết liệt của Tổng thống Donald Trump.