Một nhà khoa học Trung Quốc nhận tội đánh cắp bí mật thương mại từ công ty Mỹ
Bộ Tư pháp Mỹ mới đây tuyên bố nhà khoa học Trung Quốc Hongjin Tan (35 tuổi) đã thừa nhận hành vi đánh cắp bí mật công nghệ sản xuất một sản phẩm pin năng lượng hạ nguồn có giá trị hơn 1 tỷ USD trong thời gian còn làm việc tại bộ phận nghiên cứu và phát triển của Phillips 66, trụ sở tại thành phố Bartlesville, bang Oklahoma.
Theo lời khai của ông Hongjin Tan, ông này từng làm việc tại Phillips 66 trong thời gian từ tháng 5/2017 đến tháng 12/2018. Hồi cuối năm ngoái, phát hiện ra các hành vi đánh cắp bí mật thương mại từ ông Tan, Phillips 66 cho hay họ đang phối hợp với Cục điều tra liên bang để làm rõ hành vi này. Cho đến giờ, phía Phillips 66 vẫn chưa đưa ra bình luận chính thức nào về vụ việc. Một tờ khai của đại diện Phillips 66 hồi năm 2018 cho hay họ đã kiếm được khoảng 1,4 - 1,8 tỷ USD từ công nghệ pin mà ông Hongjin Tan dự định đánh cắp.
Còn theo một biên bản lời khai mà FBI công bố, thời gian Phillips 66 liên hệ với cơ quan này để tiến hành điều tra trùng khớp với thời gian Hongjin Tan chia sẻ với một đồng nghiệp rằng anh ta sắp trở về Trung Quốc. Tuy nhiên sau đó, Tan đã bị bắt trước khi kịp đáp chuyến bay trở về. Cơ quan điều tra FBI tìm thấy bằng chứng cụ thể là một hợp đồng tuyển dụng từ một công ty phát triển dây chuyền sản xuất pin lithium ion trong laptop cá nhân của ông Tan.
Thông báo đăng tải chính thức trên Twitter của Bộ Tư pháp Mỹ cho hay: “Trung Quốc có tội phạm trộm cắp bí mật thương mại. Hongjin Tan, 35 tuổi, thường trú hợp pháp tại Mỹ mới đây nhận tội trước tòa án Liên bang về hành vi đánh cắp bí mật thương mại từ một công ty dầu khí của Mỹ”.
Trong biên bản bào chữa, ông Tan thừa nhận đã cố tình sao chép và download các dữ liệu, tài liệu liên quan đến hạng mục nghiên cứu phát triển pin năng lượng mà không được sự cho phép từ Phillips 66. Phán quyết của tòa án Oklahoma chỉ định nhà khoa học Trung Quốc sẽ bị kết án chính thức vào ngày 12/2/2020 tới đây, tức tròn 3 tháng sau khi diễn ra phiên tòa mới nhất. Mức án 2 năm tù sẽ được xem xét, ngoài ra Hongjin Tan có khả năng phải chịu khoản bồi thường lên tới 150.000 USD cho Phillips 66.
Thời điểm ông Tan thừa nhận tội đến đúng lúc những tranh chấp về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của Mỹ với Trung Quốc đang đến hồi căng thẳng. Trung Quốc mới đây đã nhất trí thông qua thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Mỹ, trong đó đề cập đến các vấn đề mở cửa thị trường dịch vụ tài chính và bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ, tuy nhiên thỏa thuận cho đến nay vẫn chưa có ngày ký kết do phía Bắc Kinh muốn Mỹ dỡ bỏ thêm một số mức thuế quan trừng phạt với hàng hóa nước này.
Vấn nạn trộm cắp tài sản sở hữu trí tuệ từ lâu đã là một trong những mâu thuẫn thương mại cốt lõi giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Tổng thống Donald Trump nhiều lần chỉ trích Chính phủ Trung Quốc về các dự luật, thể chế tạo điều kiện cho những hành vi như vậy, điều gây thiệt hại nặng nề cho các doanh nghiệp Mỹ. Tuy nhiên cho đến nay, khi mà nội dung thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vẫn chưa văn bản hóa xong xuôi và căng thẳng thương mại có nguy cơ kéo dài, không rõ Bắc Kinh sẽ hành động ra sao trước hàng loạt áp lực từ Mỹ.