Kết quả kinh doanh khởi sắc, cổ phiếu ngành phân bón bứt phá mạnh mẽ
6 mã cổ phiếu tăng kịch trần
Trong 10 cổ phiếu nhóm ngành phân bón, thị trường ghi nhận đến 6 mã tăng kịch trần, bao gồm DPM của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ), SFG của CTCP Phân bón Miền Nam, DCM của CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau), LAS của CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, PMB của Phân bón và Hóa chất Dầu khí Miền Bắc và PSW của Phân bón và Hóa chất Dầu khí Tây Nam Bộ.
Hàng loạt mã cổ phiếu phân bón tăng mạnh như DPM tăng 6,9% lên mức giá trần 31.000 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu này đến cuối phiên sáng còn dư mua giá trần tới gần 715.000 đơn vị, trong khi trắng bên bán. Các mã: PMP tăng 7,8%, DCM tăng 5%, BFC tăng 3,5%, PSE tăng 1%.
Từ đầu năm đến nay, các cổ phiếu nhóm phân bón trên đà tăng giá, và mạnh mẽ nhất sau khi có kết quả kinh doanh quý II cũng như 6 tháng đầu năm thăng hoa về cả doanh thu và lợi nhuận.
Các chuyên gia nhận định kết quả tích cực này đến từ giá phân bón tăng phi mã thời gian qua, chủ yếu do giá nguyên liệu sản xuất (lưu huỳnh, amoniac,...) và chi phí vận tải tăng cụ thể là chi phí container.
Kinh doanh ngành phân bón khởi sắc
Nắm tỷ lệ tăng trưởng tốt nhất quý vừa qua chính là ông lớn Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (HOSE: DPM). DPM đã đem về 2,931 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 34% so cùng kỳ. Do giá vốn tăng chậm hơn, lãi gộp tăng trưởng 65%, đạt 940 tỷ đồng. Biên lãi gộp cải thiện từ 26% (quý 2/2020) lên 32% trong quý 2 năm nay. Nhờ đó, lãi ròng quý II/2021 của DPM đạt 684 tỷ đồng, tăng 126% (gấp 2.3 lần) so cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, DPM đạt 4,877 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 26% so cùng kỳ. Lãi ròng đem về 855 tỷ đồng, tăng trưởng 110% (gấp 2.1 lần). So với kế hoạch đề ra cho cả năm, Công ty đã hoàn thành 59% về doanh thu và vượt 139% chỉ tiêu lợi nhuận chỉ sau 6 tháng.
Trong nửa đầu năm, DPM còn ghi nhận đà tăng trưởng đáng kể của mảng hóa chất, với doanh thu tăng khoảng 70% và lợi nhuận gần gấp 4 lần so cùng kỳ năm trước. Diễn biến tích cực của mảng hóa chất đến từ việc giá bán nhiều sản phẩm hóa chất cơ bản, trong đó chủ yếu là giá Ammonia (NH3) trên thế giới tăng mạnh trong thời gian gần đây.
2 doanh nghiệp tăng lãi bằng lần trong quý II/2021 còn có Phân bón và Hóa chất Dầu khí Miền Trung (HNX: PCE) và CTCP Phân lân Nung chảy Văn Điển (HOSE: VAF). Nhờ doanh thu tăng 29% và 39% so cùng kỳ, PCE và VAF báo lãi ròng quý 2 gấp đôi cùng kỳ năm trước, đạt lần lượt 10 tỷ đồng và 8 tỷ đồng.
Giá phân bón lên mức kỷ lục trong quý II/2021 rõ ràng là động lực của các doanh nghiệp chuyên sản xuất kinh doanh phân bón. Các đại diện khác như DCM, BFC hay LAS đều chứng kiến doanh thu tăng trưởng 2 chữ số. Với Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (HNX: LAS), Công ty còn tiết giảm chi phí bán hàng và chi phí tài chính, theo đó chuyển lỗ sang có lãi 28 tỷ đồng trong quý 2 năm nay.
Kinh doanh hóa chất tiếp đà tăng trưởng
Nhóm doanh nghiệp chuyên về hóa chất (sản phẩm chính) cũng kinh doanh tương đối thuận lợi trong quý 2 vừa qua.
Nhờ doanh thu tăng nhanh hơn giá vốn, Hóa chất Việt Trì (HNX: HVT) báo lãi ròng quý II/2021 tăng 81% so cùng kỳ, đạt trên 15 tỷ đồng. Tính chung cả nửa đầu năm 2021, lợi nhuận Công ty này tăng 85% so cùng kỳ.
Ông lớn Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HOSE: DGC) ghi nhận trong quý II/2021, sản lượng tiêu thụ các mặt hàng phốt pho vàng, axit phosphoric trích ly, phân bón… của Công ty tăng so cùng kỳ. Doanh thu thuần đem về 2,038 tỷ đồng, tăng 29%. Sau khi khấu trừ các khoản chi phí và thuế, DGC báo lãi ròng quý 2 ở mức 322 tỷ đồng, tăng 26%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của DGC ghi nhận tăng 29% so cùng kỳ, lên 3,989 tỷ đồng; lãi ròng đạt 606 tỷ đồng, tăng 36%. Công ty cho biết doanh thu các mặt hàng, giá bán đều tăng trong khi sản xuất và tiêu thụ không bị dừng do dịch Covid-19. Đồng thời, do có đổi mới công nghệ sản xuất, DGC đã tiết giảm được chi phí điện năng/nguyên liệu hơn so với trước đây; điều này giúp giảm giá thành sản phẩm, lãi gộp tăng 25%.
Mảng hóa chất của DPM ghi nhận khởi sắc trong nửa đầu năm nay, doanh thu tăng trưởng khoảng 70% và lợi nhuận tăng gần gấp 4 lần so cùng kỳ. Theo DPM, diễn biến tích cực của mảng hóa chất đến từ việc giá bán nhiều sản phẩm hóa chất cơ bản, trong đó chủ yếu là giá Ammonia (NH3) trên thế giới tăng mạnh.
Bên cạnh kết quả kinh doanh khởi sắc giúp các doanh nghiệp hầu hết cán đích lợi nhuận năm, thì động thái dừng xuất khẩu từ phía Trung Quốc - nguồn nhập khẩu phân bón chủ yếu của Việt Nam, để đảm bảo nguồn cung cho thị trường tỷ dân cũng phần nào giúp cổ phiếu nhóm ngành phân bón trong nước tăng giá.
Đồng thời, hành động của phía Trung Quốc trong khi nguồn cung thế giới bị giới hạn sẽ tạo cơ hội hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu phân bón chiếm lấy thị phần.
Mặt khác, các doanh nghiệp trong nước vẫn đang kỳ vọng Quốc hội thông qua việc điều chỉnh, sửa đổi bổ sung Luật thuế số 71 trong thời gian tới, theo đó sớm đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế VAT từ 0% - 5% như trước, giúp tăng sức cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.
Theo phân tích của AgroMonitor, nhu cầu tiêu thụ phân bón của cả nước trong năm 2021 ước đạt khoảng 11,1 triệu tấn, tăng 2,59% so với năm 2020. Trong đó, nhu cầu tiêu thụ đối với hầu hết các loại phân bón đều tăng, dự kiến DAP tăng 5,64%, phân lân tăng 4,17%, phân NPK tăng 2,26%.
Nhiều dự báo của các chuyên gia và các doanh nghiệp phân bón dự báo ngành sẽ có kết quả kinh doanh tăng trưởng cả về doanh thu lẫn lợi nhuận trong năm nay, nhờ vào mặt hàng phân bón tăng trưởng mạnh về giá bán trong khi sản lượng chưa có nhiều sự cải thiện.
Mặt khác, Chứng khoán Mirae Asset cho rằng giá bán và chi phí đầu vào đều đã tăng mạnh, khiến triển vọng ngắn hạn trở nên khó dự đoán. Tuy nhiên về trung và dài hạn, nếu giá nông sản giữ được mức cao hay tiếp tục tăng sẽ hỗ trợ cho ngành phân bón.