Quảng Ngãi: Trồng ngô sinh khối mang lợi nhuận khá, tốn ít công đang “hút” nông dân
Theo nhiều nông dân Quảng Ngãi, trồng ngô sinh khối để bán, làm thức ăn cho người chăn nuôi (chủ yếu là bò) không phải là chuyện mới nhưng khác với ngày trước, do một số nguyên nhân nên số lượng người và diện tích trồng ngô sinh khối ở Quảng Ngãi, không nhiều.
Tuy nhiên thời gian gần đây đặc biệt là khi dự án đầu tư Trang trại bò sữa Vinamilk Quảng Ngãi (xã Đức Phú, huyện Mộ Đức), có số lượng nuôi dự tính 4000 con (hiện được đưa vào hoạt động 1 phần), với nhu cầu thu mua ngô sinh khối làm thức ăn năm 2021 ước 15.000 tấn/năm. Vì vậy nhiều nông dân ở các huyện Mộ Đức, Nghĩa Hành, Ba Tơ…đã tham gia trồng ngô sinh khối.
Ông Nguyễn Văn Hải, ở xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành cho biết so với để già lấy hạt như lâu nay (từ khi trồng đến thu hoạch 100-120 ngày/vụ), thì trồng ngô sinh khối thời gian ngắn hơn, khoảng 80 ngày/vụ là đã thu hoạch.
Theo đó công chăm sóc của trồng ngô sinh khối cũng ít hơn (so với lấy hạt), với lợi nhuận mang lại ước tính khoảng 29 triệu đồng/ha là khá cao. Đặc biệt là đầu ra (ngô sinh khối) đã được doanh nghiệp ký kết tiêu thụ, nên người trồng yên tâm hơn.
Không riêng gì đồng bằng, tại huyện miền núi Ba Tơ nhiều gia đình cũng đã chuyển đổi diện tích cây trồng khác, sang trồng ngô sinh khối.
Ông Phạm Văn Ngung, ở xã Ba Vì cho biết, qua tìm hiểu và được hướng dẫn của HTX NN ở địa phương nên đã chuyển 4 sào (500m2/sào) đất trồng mía, sang trồng bắp sinh khối. Qua đợt thu hoạch vừa rồi hiệu quả mang lại của trồng ngô sinh khối cao hơn gấp đôi so với trồng cây mía.
Theo thống kê sơ bộ hiện diện tích trồng ngô sinh khối trong toàn tỉnh Quảng Ngãi khoảng 350 ha, tập trung ở các huyện Mộ Đức, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Ba Tơ, Sơn Hà và thị xã Đức Phổ.
Dự kiến trong năm 2022, diện tích trồng ngô sinh khối ở Quảng Ngãi sẽ tăng lên 500ha và năm 2023 sẽ là 600ha.