Khách Việt có muốn đi du lịch nếu bị cách ly, trả thêm phí?
Thông tin này khiến nhiều du khách nghĩ về viễn cảnh đến Singapore du lịch sau thời gian dài chờ đợi. Dù vậy, giới chuyên môn đánh giá khách du lịch không phải đối tượng thích hợp với chính sách này của Singapore.
Điều kiện khắt khe, bất tiện
Chính sách mới từ Singapore cho phép công dân 10 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có Việt Nam) đến quốc gia này cách ly tại nhà (hoặc khách sạn) 14 ngày thay vì đến những cơ sở tập trung.
Du khách cần phải xuất trình giấy tờ chứng minh nơi mình sẽ cách ly trong 14 ngày kể từ lúc nhập cảnh. Được biết, những người tới từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ này sẽ phải chịu giám sát qua thiết bị điện tử và giám sát tại chỗ.
Các khách này đều phải phí xét nghiệm Covid-19 vào những ngày cuối của giai đoạn cách ly. Số tiền này vào khoảng 140 USD. Trong trường hợp không cách ly tại nhà do mình hoặc người thân sở hữu, du khách sẽ phải trả phí cách ly ở các khách sạn hoặc cơ sở tập trung. Thông thường, số tiền để cách ly tại những cơ sở này vào khoảng 1.400 USD.
Đại diện nhiều công ty lữ hành outbound (đưa khách Việt đi nước ngoài) cho biết lịch trình đi Singapore thường gói gọn trong 3 ngày. Một số tour kết hợp đi Singapore và Malaysia kéo dài khoảng 5 ngày. Do đó, việc bắt du khách cách ly 14 ngày là trở ngại quá lớn cho một chuyến đi chơi.
"Tôi tin không ai chịu đi du lịch nếu phải cách ly và đóng phí như thế. Chính sách này chỉ thực sự hợp với du học sinh, người lao động, làm ăn hay công dân Singapore kẹt tại Việt Nam về nước. Khách du lịch chẳng ai đi thế cả", ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc AZA Travel nói với Zing.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Flamingo Redtours, cho biết khách du lịch không phải đối tượng thích hợp đến Singapore thời điểm hiện tại. "Khách du lịch ưu tiên sự thoải mái, an toàn. Nếu đi du lịch mà gặp nhiều nguy cơ và vướng mắc thủ tục, họ sẽ nói không", ông Hoan chia sẻ.
Tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn phức tạp trên thế giới khiến nhiều quốc gia vẫn đóng cửa biên giới. Do đó, các công ty outbound đều không thể đưa khách Việt Nam ra nước ngoài du lịch. Ngoài ra, đại diện các hãng lữ hành này đều khẳng định khách Việt Nam đang sống trong môi trường an toàn và chưa sẵn sàng để đi du lịch nước ngoài.
Khi được hỏi về điều kiện chuẩn để mở lại các tour du lịch nước ngoài, bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Phó giám đốc ban Tiếp thị Vietravel, cho biết lý tưởng nhất là khi các nước khác công bố hết dịch, bỏ việc cách ly. "Nếu mở cửa với hình thức như Singapore, khách sẽ không muốn đi du lịch. Việc khai thác các tour cũng không hiệu quả", đại diện công ty này nói.
Phía Flamingo Redtours cho biết điều quan trọng là Việt Nam có mở đường bay đến nước khác không. Trong trường hợp có, du khách cần quan tâm về tần suất bay và khả năng đóng chuyến.
"Chúng ta từng gặp những trường hợp đóng cửa, cấm bay do bùng dịch. Đây là vấn đề nhiều người cần lưu ý", ông Hoan chia sẻ.
AZA Travel khẳng định để các tour outbound trở lại, mọi thứ phải bình thường như chưa có dịch. Nếu bị cách ly hay xin cấp giấy xét nghiệm để không bị cách ly, du khách cũng dễ nản lòng.
Du lịch nội địa vẫn là phao cứu sinh
Kể từ sau khi dịch Covid-19 ở Việt Nam được kiểm soát, ngành du lịch Việt Nam xác định khách nội địa là đối tượng chính. Tổng cục Du lịch cũng phát động phong trào "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" và nhận về tín hiệu tích cực. Doanh nghiệp và các địa phương lần lượt tung ra nhiều gói kích cầu hấp dẫn với chất lượng không thay đổi để kích thích người Việt Nam du lịch.
Chia sẻ với PV, đại diện các công ty tour xác nhận mức tăng trưởng của thị trường khách nội rất khả quan. Các đơn vị chỉ ra những vùng biển đẹp như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng hay Phú Yên là lựa chọn hàng đầu của khách hàng. Bên cạnh đó, các khu resort sang xịn ở ngoại thành cũng được nhiều người lựa chọn.
Điều này phù hợp với nghiên cứu về xu hướng du lịch sau dịch do Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) thực hiện. Theo đó, khách du lịch hiện tại thường thích những điểm du lịch có thể đi bằng xe riêng, ngắn ngày.
Trong bối cảnh du lịch nội địa lên ngôi, sự xuất hiện của các khách quốc tế là điều được nhiều người quan tâm. Một số ý kiến đề xuất mở cửa đón khách quốc tế đến Việt Nam (phải trải qua nhiều thủ tục, kiểm tra), mở đường bay thẳng và nghỉ dưỡng ở các điểm biệt lập như Phú Quốc.
Trước những đề xuất này, nhiều hãng lữ hành quan ngại lượng khách nội có thể sụt giảm nếu khách quốc tế vào Việt Nam. Phía AZA Travel cho biết nhiều khách hàng của họ khẳng định sẽ không dám du lịch nếu có sự xuất hiện của khách quốc tế.
"Nếu mở cửa ồ ạt, nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài sẽ rất cao. Tất cả ngành đều bị ảnh hưởng, không riêng du lịch. Trong trường hợp mở cửa để khách quốc tế đến Phú Quốc, vậy người Việt Nam còn dám tới đây không?
Theo tôi, Việt Nam nên mở cửa từng bước, để đến khi tất cả ổn định là rất chậm. Chúng ta cần xác định đối tượng cần thiết, ví dụ như khách chính trị, ngoại giao... rồi sau đó mới tới khách du lịch. Việc kết hợp cả 2 nhóm khách này là điều không thể", đại diện HanoiRedtours nói.
Trong khi đó, phía Vietravel đề xuất Việt Nam có thể chọn mở cửa với các quốc gia đã xác nhận an toàn. "Ví dụ tính tới tháng 7, Thái Lan, Nhật Bản xác nhận an toàn thì Việt Nam có thể mở cửa cho nhập cảnh qua lại với những quốc gia này. Theo cơ chế bắc cầu, Việt Nam, Thái Lan và Nhật Bản lại tiếp tục mở cửa với các quốc gia an toàn khác, từ đó tạo ra một vòng tròn giao thương với nhau. Việc này là tiền đề để phát triển lại mảng du lịch inbound của từng nước".