Khẩu trang: Quý hơn vàng trong dịch Corona nhưng thua… khăn vệ sinh

05/02/2020 06:41 GMT+7
Trong những ngày bùng phát dịch viêm phổi lạ do virus Corona, khẩu trang trở thành mặt hàng được săn đón nhất trên mọi thị trường. Lúc này, một sự thật mới được hé lộ. Đó là, bao lâu nay, khẩu trang không được đánh giá cao bằng khăn vệ sinh.

Khẩu trang "cháy hàng"

Kể từ trước và sau Tết Nguyên đán 2020, dịch viêm phổi lạ do Corona bùng phát với tốc độ lây lan chóng mặt mang lại nỗi khiếp sợ cho người dân toàn cầu. Vì thế, từ châu Á đến châu Mỹ, khẩu trang trở thành mặt hàng được săn đón nhiều nhất và luôn trong tình trạng cháy hàng.

Tại nhiều tỉnh thành lớn trong cả nước, giá khẩu trang được đẩy tăng gấp 10 lần, từ mức giá 50.000 đồng/hộp, có thời điểm người dân phải mua vào với giá 500.000 đồng/hộp. Sau đó, giá cả hạ nhiệt xuống 200.000 đồng tới 300.000 đồng/hộp. Với những người sẵn sàng trả giá cao, từ mùng 8 tháng Giêng, dù săn tìm nhiều nơi, họ cũng không mua nổi một hộp vì hàng đã bị "vét sạch".

Khẩu trang: Quý hơn vàng trong dịch Corona nhưng thua… khăn vệ sinh - Ảnh 1.

Khẩu trang "cháy hàng" trong những ngày dịch Corona bùng phát.

Trong suốt 4 ngày qua, người dân tất tả đến nhiều nơi để mua nhưng phải chịu cảnh thất vọng. Từ "chợ thuốc" Ngọc Khánh, Hapulico đến những cửa hàng thuốc nhỏ trong các ngõ phố, "hết hàng" là câu trả lời chung. Và do bị quá nhiều người hỏi, các cửa hàng thuốc từ nhỏ tới lớn đều treo biển "Hết khẩu trang, nước sát khuẩn, miễn hỏi".

Trao đổi với phóng viên, chị Tuyết, chủ một cửa hàng thuốc trên phố Minh Khai cho biết chị đã hết hàng từ mùng 7 tháng Giêng. Chị đã đặt hàng nhưng phải tới cuối tuần này mới được nhận được khẩu trang.

"Tôi đã đặt hàng ngay từ mùng 7 nhưng phải cuối tuần này hàng mới về cửa hàng. Công ty chưa bao giá chính xác giá nhưng chắc chắn giá sẽ tăng nhẹ vì nguyên liệu đầu vào đã tăng. Giá chỉ tăng nhẹ, chứ không tăng mạnh như người ta bán ra đâu", chị Tuyết khẳng định.

Khẩu trang khan hiếm một phần do người dân đua nhau "vét" hàng vì nỗi lo sợ dịch Corona. Bên cạnh đó, lý do không nhỏ nữa phải kể đến chính là việc các nhà thuốc "găm hàng" để tăng giá. Đã có hàng ngàn nhà thuốc bị xử lý vì lợi dụng dịch bệnh kiếm lời.

Ít như doanh nghiệp sản xuất khẩu trang

Khi khẩu trang lên "cơn sốt", dư luận mới nhớ đến các công ty sản xuất khẩu trang và chờ đợi những "cứu tinh" này tăng ca để sản xuất nhanh khẩu trang phục vụ nhu cầu tăng đột biến của người dân.

Khẩu trang: Quý hơn vàng trong dịch Corona nhưng thua… khăn vệ sinh - Ảnh 2.

Khẩu trang: Quý hơn vàng trong dịch Corona nhưng thua… khăn vệ sinh - Ảnh 3.

Khẩu trang: Quý hơn vàng trong dịch Corona nhưng thua… khăn vệ sinh - Ảnh 4.

Đi tới cửa hàng thuốc nào, người dân cũng nhận được thông báo "Không bán khẩu trang". (Ảnh: Ngọc Lâm)

Thế nhưng, đến lúc này, dư luận mới bất ngờ về số lượng quá khiêm tốn của các công ty trong lĩnh vực này. Theo Bộ Công thương, Việt Nam hiện có 38 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế, trong đó có khoảng 11 đơn vị sản xuất quy mô lớn với năng lực sản xuất 1.245.000 chiếc/ngày.

Trong những ngày này, Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex), công ty con Dệt may Đông Xuân và Công ty cổ phần Everpia được nhắc đến nhiều vì nhanh chóng tăng năng suất, đáp ứng kịp thời nhu cầu khẩu trang cho người dân.

Vinatex và Dệt kim Đông Xuân đã sản xuất ra loại khẩu trang có tính kháng khuẩn theo công nghệ tiêu chuẩn Nhật Bản. Sản phẩm khẩu trang của Công ty bằng vải dệt kim có 2 lớp, trong đó có một lớp kháng khuẩn, tái sử dụng khoản 30 lần giặt, có thể sử dụng trong phòng dịch.

Lãnh đạo Vinatex cho biết Tập đoàn được giao nhiệm vụ sản xuất một số mặt hàng khẩu trang kháng khuẩn để cung ứng cho thị trường với giá bình ổn, tránh tình trạng khan hiếm, đầu cơ nhằm trục lợi của một số Nhà thuốc, đơn vị cung ứng khẩu trang y tế như thời gian vừa qua. Vì vậy, Vinatex sẽ bán ra khẩu trang với giá đúng bằng chi phí sản xuất là 7.000 đồng/chiếc. Đồng thời Tập đoàn và các công ty con sẽ phát miễn phí khoảng nửa triệu chiếc khẩu trang.

Công ty Everpia đã tổ chức chương trình phát miễn phí 50.000 khẩu trang vải tại Miền Bắc. Everpia không chỉ phát cho khách hàng của mình mà còn phát cho bất cứ người dân nào có nhu cầu.

Khẩu trang thua… khăn vệ sinh

Có thể thấy, cho đến thời điểm hiện tại, Vinatex đang được xem là "đại gia" khẩu trang. Vinatex và các công ty đã và đang sẽ cung ứng một lượng khẩu trang khổng lồ giúp người dân phòng dịch Corona. Không tính các công ty chuyên về khẩu trang, vật tư y tế, từ trước tới nay, có lẽ khẩu trang chỉ là sản phẩm rất phụ, thậm chí nó còn không quan trọng bằng… khăn vệ sinh.

Everpia phát 50.000 chiếc khẩu trang cho khách hàng và người dân. Nhưng không rõ Everpia tự sản xuất hay đi mua để phát vì danh mục sản phẩm của Everpia hoàn toàn vắng bóng khẩu trang. Thậm chí một sản phẩm phụ như khăn vệ sinh cũng được Everpia giới thiệu, còn khẩu trang thì không.

Tương tự, nhiều công ty con của Vinatex, những đơn vị đang gồng sức tăng cao để sản xuất khẩu trang cũng không đưa mặt hàng này trong danh mục sản phẩm. Dệt kim Đông Xuân đang được kỳ vọng sẽ sớm cung ứng khẩu trang nhiều nhất nhưng trong danh mục sản phẩm, công ty chỉ giới thiệu các sản phẩm thời trang nam, nữ và trẻ em.

Công ty cổ phần dệt may Huế thì phân chia các sản phẩm thành: sản phẩm sợi, sản phẩm may và sản phẩm dệt nhuộm. Trong sản phẩm may cũng chỉ có thời trang nam, nữ, trẻ em và đồ tập.

Hanosimex có sản phẩm đa dạng hơn như Sợi, Vải dệt kim, Quần áo dệt kim xuất khẩu, Thời trang – Bộ sưu tập và Khăn. Khẩu trang không hề được đưa vào danh mục sản phẩm dù công ty sở hữu cả dây chuyền sản xuất.

Tổng công ty cổ phần y tế Danameco là một trong số ít các đơn vị liệt kê khẩu trang trong danh mục sản phẩm của mình. 

Điều đó cho thấy, bình thường, khẩu trang không phải sản phẩm được ưu tiên của nhiều công ty dệt may.

Ngọc Lâm
Cùng chuyên mục