Khi PBOC nới lỏng chính sách tiền tệ, các ngân hàng nhỏ lại thắt chặt túi vì nợ xấu
Bob Cai hiện rất cần các khoản tín dụng cho vay để duy trì hoạt động của công ty, nhưng các ngân hàng yêu cầu anh phải hoàn trả số tiền 2 triệu CNY (283.000 USD) hiện tại trước tháng 7 trước khi họ xem xét yêu cầu cho vay lại. Bob hầu như đã thế chấp mọi tài sản của mình để vay tiền, và anh gần như thức trắng khi gánh nặng nợ ngày càng nặng nề hơn.
Không riêng Bob Cai, nhiều doanh nghiệp nhỏ Trung Quốc cũng đang trong tình cảnh tương tự. Đại dịch Covid-19 đã làm giảm mạnh nhu cầu với hàng hóa dịch vụ mà họ cung cấp. Họ buộc phải tìm đến các khoản vay mới từ ngân hàng để doanh nghiệp tồn tại qua đại dịch.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc PBOC mới đây đã phân bổ khoản tài trợ tín dụng khổng lồ cho các ngân hàng nhỏ để tăng cường cho vay hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn. Nhưng những nỗ lực của PBOC đang gặp nhiều trở ngại lớn từ chính hệ thống ngân hàng.
Một cuộc khảo sát tuần trước của Đại học Thanh Hoa cho thấy doanh thu các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) tại Trung Quốc đã giảm mạnh 59% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái. Ngay cả khi Trung Quốc đã dỡ bỏ phần lớn các lệnh phong tỏa, sự phục hồi của các SMEs - vốn sử dụng hơn 80% lao động và đóng góp hơn 60% trong GDP - vẫn chưa được như kỳ vọng, thua xa các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhà nước. Nguyên nhân là do sức ép từ cú sốc cầu trên thị trường cũng như nguồn nhân lực, nguồn lực tài chính thiếu hụt.
Để thúc đẩy cho vay tín dụng hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, PBOC đã giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng 3 lần trong năm, giảm lãi suất cơ bản LPR 2 lần trong năm, đưa lãi suất LPR kỳ hạn 1 năm xuống 2,95%, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2014 đến nay nhằm giảm chi phí vay cho người đi vay. Các nhà hoạch định chính sách kỳ vọng những động thái này sẽ khơi thông dòng tín dụng quan trọng cho khu vực doanh nghiệp tư nhân và nền kinh tế nông thôn trong giai đoạn dịch bệnh. Nhưng trên thực tế, các ngân hàng nhỏ của Trung Quốc không phải lúc nào cũng tuân theo kỳ vọng của chính quyền Trung Ương.
Một giám đốc chi nhánh ngân hàng thương mại tại Phật Sơn, Quảng Đông cho hay: “Các ngân hàng thông thường không thể phê duyệt đơn đăng ký vay tín dụng của các doanh nghiệp nhỏ. Do đó, các doanh nghiệp này chỉ có thể tìm đến những người cho vay tư nhân”. Mối quan tâm của ngân hàng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ không có nhiều tài sản thế chấp, làm gia tăng rủi ro nợ xấu. Các khoản vay vỡ nợ, quá hạn sẽ làm gia tăng nợ xấu ngân hàng, ảnh hưởng đến chất lượng tín nhiệm ngân hàng và xếp hạng của người quản lý. “Không ai muốn mạo hiểm như vậy. Chúng tôi chỉ có thể cho vay với các doanh nghiệp lớn tại địa phương có mối quan hệ tối với chính quyền, như các công ty sản xuất công nghệ cao, doanh nghiệp trong lĩnh vực vật tư y tế, chăm sóc sức khỏe… Những khoản vay như vậy không chỉ đảm bảo an ninh tiền tệ cho ngân hàng mà còn góp phần đáp ứng nhu cầu của địa phương”.
Lãi suất các khoản vay kỳ hạn 1 năm tại ngân hàng thường rơi vào khoảng 4,35%, trong khi lãi suất các khoản vay tư nhân (còn gọi là tín dụng đen, ngân hàng bóng tối) lên đến 24-36% mỗi năm. Mặc dù ít doanh nghiệp nhỏ nào chấp nhận vay tín dụng đen vì lãi suất cao như vậy, nhưng trong bối cảnh đại dịch, nhiều doanh nghiệp buộc phải chuyển sang vay các công ty tư nhân vì không được ngân hàng hỗ trợ.
Chủ một cơ sở tín dụng đen ở Quảng Châu cho biết: “Nếu một công ty nhỏ muốn vay 2 triệu CNY trong khoảng 2 ngày để đáo hạn các khoản vay ngân hàng, chúng tôi sẽ tính phí ít nhất 1% (khoảng 20.000 CNY, tương đương 2.800 USD) như một khoản tiền lãi. Đã có một số lượng lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm đến các công ty cho vay tư nhân của chúng tôi trong năm nay, nhưng chúng tôi vẫn giữ lãi suất khoảng 2%/ tháng như năm ngoái”.
Năm 2016, trong nỗ lực giảm thiểu rủi ro tài chính ngày càng tăng từ hoạt động cho vay không kiểm soát của các công ty phi tài chính, chính phủ Trung Quốc đã siết chặt hệ thống tín dụng đen (ngân hàng bóng tối), khiến các doanh nghiệp nhỏ khó tìm kiếm nguồn tín dụng hơn vì họ thường không được ngân hàng thương mại chấp nhận cho vay. Giờ đây, đại dịch Covid-19 và hệ lụy của nó đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng tiền mặt.
Thậm chí, ngay cả khi ngân hàng có tràn ngập tiền mặt, việc chuyển tín dụng đến tay các SMEs vẫn sẽ chậm đáng kể vì nhiều ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng lớn không sẵn sàng chủ động tìm kiếm người vay là SMEs và đánh giá rủi ro tín dụng của họ.
Cuộc khảo sát được thực hiện bởi Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Trung Quốc tháng 2 cho thấy nguồn tín dụng chặt chẽ, khó tiếp cận là một trong những vấn đề lớn nhất với các công ty. Gần 90% trong số 6.422 doanh nghiệp được khảo sát cho hay họ chỉ có đủ tiền mặt để duy trì hoạt động kinh doanh thêm 3 tháng, và chưa đến 10% cho biết họ đủ tiền mặt để tồn tại thêm 6 tháng trong bối cảnh khó khăn hiện tại.
Rory Green, chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại TS Lombard thậm chí cho rằng các nỗ lực hỗ trợ từ PBOC có thể không đủ cho 5-10% doanh nghiệp nhỏ Trung Quốc, bởi các SMEs đang trong tình cảnh quá khó khăn. Tết Nguyên đán thường là thời gian kiếm tiền quan trọng nhất trong năm, các công ty thường vay tiền để nhập hàng và trả tiền thưởng Tết. Nhưng năm nay, kỳ nghỉ Tết đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch, nhu cầu trong nước giảm mạnh. Nhiều công ty đang tồn tại lay lắt dưới gánh nặng nợ.
Các chuyên gia kinh tế từ Nomura nhận định các ngân hàng vừa và nhỏ của Trung Quốc có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 bởi hầu hết các khách hàng vay của họ đang gặp khó khăn do đại dịch. Khi nỗi lo nợ xấu tăng lên, việc ngân hàng siết chặt nguồn tín dụng là hoàn toàn có thể hiểu được.