Không bán được nhà vì không có sổ hồng
Mua đất liền kề, đóng tiền đầy đủ từ năm 2014, nhưng đến nay ông Trần Xuân Hữu vẫn chưa có nhà để ở tại khu đô thị Đại Thanh, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Không phải ông Hữu muốn tiếp tục sống trong căn nhà chật hẹp tại xã Thanh Liệt và chờ giá đất Đại Thanh tăng để bán, mà UBND TP Hà Nội đã tạm dừng các hoạt động tại dự án khu đô thị Đại Thanh do chủ đầu tư là Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên vi phạm thủ tục đầu tư và xây dựng.
Không xây được, ông Hữu muốn bán cũng không xong bởi đất không có sổ hồng. Có lần gặp được người hỏi mua, đến khi đi kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân từ việc chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà liền kề tại khu đô thị Đại Thanh thì bị cơ quan thuế từ chối.
Cụ thể, Chi cục Thuế huyện Thanh Trì trả lời về trường hợp của ông Hữu rằng dự án Đại Thanh chưa có giấy tờ về đất, chưa hoàn thành thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, chưa đáp ứng điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh nên sẽ không chuyển nhượng được.
Cơ quan này cho biết sau đó đã tổng hợp báo cáo Văn phòng đăng ký đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) và xin ý kiến chỉ đạo của Cục Thuế TP Hà Nội để có căn cứ xem xét giải quyết cho người nộp thuế.
Hiện tại, lô đất của ông Trần Xuân Hữu cùng toàn bộ khu liền kề và khoảng 2.000 căn hộ chung cư (trên tổng số 4.500 căn) tại dự án Đại Thanh chưa được cấp sổ hồng. Người dân phản ánh họ bỏ ra cả tỷ đồng để mua căn hộ chung cư, đất của chủ đầu tư nhưng không thể thế chấp ngân hàng để vay vốn kinh doanh, hay chuyển nhượng đều gặp khó khăn.
“Chúng tôi bỏ ra tiền thật nhưng đã mua phải hàng giả, hàng không có chứng chỉ, không có tem bảo đảm chất lượng”, ông Bùi Dũng Viễn (47 tuổi, cư dân tòa nhà tại khu đô thị Đại Thanh) bức xúc nói.
Trước vấn đề này, ngày 24/6, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng giao Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp các nội dung chỉ đạo về giải quyết vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cho người mua nhà tại các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị trên địa bàn thành phố nhưng có vi phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng, đề xuất giải quyết, trả lời công dân.
Đến ngày 14/7, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội có báo cáo gửi UBND TP Hà Nội cho rằng sau khi chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục về đất đai, nghĩa vụ tài chính, đầu tư xây dựng, sở này sẽ tiến hành cấp sổ hồng cho người mua nhà.
Cũng gặp khó vì chưa có sổ hồng, anh Dương rao bán căn hộ ở chung cư HH Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) giá 1,2 tỷ đồng từ vài tháng nay nhưng không có người mua. “Người ta thấy nhà không có sổ hồng nên e ngại về tính pháp lý, không dám mua”, anh Dương nói.
Tương tự, chị H. sống tại chung cư Bemes thuộc dự án Tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes (quận Hà Đông, Hà Nội) không thể thế chấp căn hộ mình đang ở để vay vốn ngân hàng. Vợ chồng chị đã buộc phải bán mảnh ruộng ở quê để lo cho việc gia đình.
Thực tế, nhà chị H. từng được cấp sổ hồng nhưng đến tháng 7/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội có công văn yêu cầu thu hồi của nhiều hộ dân sống tại chung cư do chủ đầu tư là Công ty cổ phần Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bemes sử dụng đất sai mục đích.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong tổng số 108 dự án có tranh chấp, có 11 dự án (chiếm khoảng 10%) liên quan tới việc chủ đầu tư chậm làm thủ tục cấp sổ hồng cho cư dân.
Dữ liệu báo cáo gần nhất của thành phố Hà Nội cho biết vẫn còn 29.071 căn hộ trên địa bàn Hà Nội đang tạm thời chưa được giải quyết việc cấp giấy chứng nhận.