Không lo ngại vượt trần tín dụng dù xuất hiện ngân hàng dư nợ cho vay tăng gần 30%
Hiện đã có 6 ngân hàng có tăng trưởng dư nợ cho vay vượt qua mức tăng trưởng mục tiêu chung toàn ngành là 14%. Trong đó có tới 4 nhà băng có dư nợ cho vay trong 9 tháng đã tăng trên 20%.
Mức tăng trưởng cao nhất lên tới trên 28% diễn ra ở 2 nhà băng là Techcombank và VIB, lần lượt là 28,4% và 28,2%.
Đơn cử, Techcombank công bố dư nợ cho vay tăng 28,5% đạt 205.317 tỷ đồng đến cuối tháng 9, cao nhất trong số ngân hàng. Cho vay khách hàng, theo báo cáo tài chính của VIB, tăng 28% lên 123.223 tỷ đồng, tương đương 90% kế hoạch đề ra đầu năm.
Cùng với đó, tăng trưởng dư nợ cho vay ở OCB và TPBank cũng lần lượt nằm ở mức 20,7% và 20,4%.
Các ngân hàng còn lại vẫn duy trì dưới ngưỡng 14%, bao gồm cả hai ông lớn Vietcombank (12,1%) và BIDV (8,6%).
Cụ thể, tín dụng của VPBank tăng 14%, lên 249.770 tỷ đồng trong 9 tháng. Sacombank ghi nhận cho vay khách hàng tăng 13% lên hơn 290.476 tỷ đồng. LienVietPostBank báo dư nợ cho vay tăng 12% ở mức 134.742 tỷ đồng. Nhiều ngân hàng ghi nhận tăng trưởng quanh 11-12% có thể điểm tới như SeaBank, VietBank, SeaBank, ACB.
Nhóm ngân hàng ghi nhận tín dụng tăng trưởng dưới 10% gồm BacABank, BIDV, Kienlongbank, Saigonbank và NCB. BacABank báo tăng trưởng tín dụng hơn 9%, lên 69.830 tỷ đồng. BIDV ghi nhận tăng trưởng cho vay 9% lên 1,07 triệu tỷ đồng, tương đương 75% kế hoạch năm.
Duy chỉ có một trường hợp hiếm hoi tăng trưởng dư nợ cho vay âm 0,1% trong 9 tháng qua là ngân hàng An Bình (ABBank). Do đó, tính trung bình trên 20 ngân hàng này, mức tăng trưởng cho vay vẫn nằm ở ngưỡng 12% trong 9 tháng đầu năm – thấp hơn mức mục tiêu 14% toàn ngành.
Theo giới phân tích, tăng trưởng dư nợ cho vay của toàn hệ thống đến nay vẫn chưa vượt 14% và cũng chưa có ngân hàng nào vượt chỉ tiêu mà NHNN đã phê duyệt dù tăng trưởng dư nợ cho vay gần chạm ngưỡng 30%.
Chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực nói, điều hành chính sách sẽ dựa trên chỉ tiêu tổng thể, chỉ tiêu chung của toàn ngành. Hiện tại các ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng cao lên tới 20% hay 30% đều không phải là những ngân hàng có quy mô tài sản lớn. Chính vì vậy, tác động của tăng trưởng cho vay của mỗi ngân hàng này đối với hệ thống không lớn bởi để tính toán con số chung cần dựa trên tăng trưởng tuyệt đối của dư nợ.
Cũng phải nói thêm rằng, dù định hướng chung cho toàn ngành là tín dụng tăng khoảng 14% trong năm 2019. Tuy nhiên nhà điều hành cũng cho biết sẽ có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Sau nửa năm, trước tình trạng một số ngân hàng chạm trần chỉ tiêu tín dụng được giao, trong khi số khác lại ghi nhận mức tăng trưởng thấp, NHNN đã "bật đèn xanh" khi nới thêm chỉ tiêu cho một số ngân hàng, đặc biệt là các nhà băng đã đạt chuẩn Basel II. Như ACB, MB, Techcombank hay VPBank được tăng trưởng tín dụng lên tới 16,17% thay vì mức 12% và 13% trước đó.
Đến nay, các ngân hàng này đều ghi nhận dư nợ tăng nhanh trong quý III. "Như vậy, từ nay tới cuối năm họ phải cơ cấu lại danh mục để phù hợp và đảm bảo chỉ tiêu được giao", ông Lực khẳng định.
Đứng trên góc độ nhà điều hành, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phân tích thêm, hiện tại những ngân hàng nhỏ tăng dư nợ đến 30-40% cũng chỉ thêm 1.000-2.000 tỷ đồng, tỷ trọng ảnh hưởng vào hệ thống chung quy không lớn.
Ngược lại với các ngân hàng lớn như Agribank chỉ cần tăng 10% là dư nợ toàn hệ thống đã tăng 100.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện các ngân hàng quốc doanh lớn như Agribank chỉ tăng trưởng cho vay ở mức thấp hay như Vietinbank cho vay khách hàng chỉ đạt 899.056 tỷ đồng, tăng trưởng có 3,9%.
"Về tăng room tín dụng, NHNN vẫn xét duyệt theo đợt. Các ngân hàng thương mại vẫn đề xuất được nới thêm tín dụng nhưng NHNN phải đặt trong bối cảnh chung, căn cứ theo thực tế nền kinh tế, an toàn hệ thống và dựa trên nguồn vốn, thanh khoản và hệ số CAR các đơn vị.", ông Hùng thông tin thêm.