Không phải Việt Nam, Thái Lan mới là kẻ hưởng lợi lớn nhất từ thương chiến Mỹ Trung
Mỹ và Trung Quốc đã bị cuốn vào cuộc chiến tranh thương mại kéo dài hơn một năm qua, khi hai quốc gia liên tiếp áp đặt các biện pháp trừng phạt và trả đũa thuế quan lên số hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD. Trong nỗ lực tránh những tổn thương do chiến tranh thuế quan, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã di chuyển khỏi Trung Quốc, tìm đến các thị trường tiềm năng khác, đặc biệt là các quốc gia Đông Nam Á lân cận.
“Thái Lan chắc chắn không phải quốc gia duy nhất hưởng lợi từ chiến tranh thương mại, nhưng sự mạnh lên của đồng baht Thái hiện nay nói lên rằng Thái Lan chắc chắn là quốc gia hưởng lợi hàng đầu từ thương chiến” - theo ông Clive McDonnell.
Tính riêng từ đầu năm 2019 đến nay, tỷ giá đồng baht Thái đã tăng hơn 6% so với đồng USD.
Nguyên nhân biến Thái Lan thành quốc gia hưởng lợi thương chiến Mỹ Trung bắt nguồn từ việc nước này lâu nay giữ vai trò nhà xưởng sản xuất phụ tùng ô tô và thiết bị điện tử cho hàng loạt doanh nghiệp Nhật Bản trong chuỗi cung ứng xuất khẩu sang Mỹ. Thái Lan hiện là thị trường nhận vốn đầu tư FDI từ Nhật Bản lớn nhất thế giới. Trong bối cảnh thương chiến làm gián đoạn chuỗi cung ứng thương mại Mỹ Trung, thì kim ngạch xuất khẩu Thái Lan - Mỹ phục hồi và tăng vọt là điều dễ hiểu.
Nắm bắt thời cơ thương chiến Mỹ Trung, hồi tháng 9/2019, chính phủ Thái Lan đã công bố gói ưu đãi thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài trong bối cảnh các công ty đang tìm cách chuyển dịch hoạt động sản xuất kinh doanh khỏi thị trường Trung Quốc. Động thái này nhanh chóng giúp Thái Lan trở thành thị trường tiềm năng trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.
Trái ngược với sự suy yếu trong nửa cuối năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan trong 3 quý đầu năm 2019 đã tăng trưởng mạnh mẽ, đưa dữ trữ ngoại hối nước này tăng 20 tỷ USD lên 220 tỷ USD, theo ông Clive McDonnell. Nguồn dự trữ ngoại hối tăng vọt nhanh chóng gây áp lực lên đồng baht, khiến giá trị đồng baht mạnh lên rõ rệt so với nhiều loại tiền tệ khác.
Nhiều chuyên gia đặt ra quan ngại sức mạnh đồng baht có thể ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu của quốc gia này trong bối cảnh giá trị hàng loạt đồng tiền khác như NDT Trung Quốc suy yếu đáng kể. Tuy nhiên, theo ông Clive McDonnell, lịch sử tiền tệ chứng minh đồng baht Thái là loại tiền tệ dễ biến động. Do đó, trong dài hạn, sức mạnh đồng baht nhiều khả năng không ảnh hưởng nhiều đến kim ngạch xuất nhập khẩu của quốc gia này.
Ông Clive McDonnell nói thêm, lâu nay Việt Nam vốn được coi là quốc gia hưởng lợi lớn nhất từ thương chiến Mỹ Trung. Nhưng các dữ liệu kinh tế tính đến nay chỉ ra rằng Việt Nam vẫn còn một chặng đường dài để bắt kịp trình độ sản xuất của Trung Quốc, do đó nguồn vốn FDI đổ vào thị trường này hiện vẫn còn nhiều hạn chế.