Kiên Giang đặt hàng nhà khoa học nghiên cứu diệt trừ "con trời ơi"
Tiến sĩ Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang vừa có công văn gửi Sở KH-CN tỉnh về rà soát, lựa chọn nhiệm vụ khoa học công nghệ ưu tiên thực hiện từ năm 2021, đối với 8 đề tài, dự án.
Trong đó, có đề tài nghiên cứu định danh, khảo sát chu kỳ xuất hiện và đề xuất giải pháp hạn chế tác hại của sinh vật lạ - “con trời ơi” ảnh hưởng đến nghề nuôi cá lồng bè quanh các đảo trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Mục tiêu là thu thập mẫu vật (mỗi đợt xuất hiện sẽ thu thập từ 10 - 15 mẫu), gửi đến các Viện, Trường để nghiên cứu, định danh được sinh vật lạ. Xác định được thời gian và địa điểm sinh vật lạ thường xuất hiện trong ba năm liên tục, nghiên cứu đặc điểm sinh học để có giải pháp phòng trừ hiệu quả.
Mở các lớp tập huấn cho ngư dân tại các xã đảo có nuôi cá lồng bè nắm được thời gian xuất hiện, địa điểm hay xuất hiện và các giải pháp phòng trừ hiệu quả đối với sinh vật lạ.
Thời gian thực hiện đề tài nghiên cứu là trong 3 năm, từ 2021 - 2023, với tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ.
Theo ghi nhận của Chi cục Chăn nuôi – Thú y Kiên Giang, từ năm 2016 cho đến nay, sinh vật lạ (do chưa được định danh nên ngư dân gọi là “con trời ơi”) đã xuất hiện nhiều lần, tại một số khu vực nuôi cá lồng bè tập trung thuộc huyện Kiên Hải, Kiên Lương… vào thời gian có gió Nam thổi, khoảng từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm. Sinh vật này xuất hiện vào thời điểm không có dòng chảy, khoảng nửa đêm đến gần sáng, lặn mất khi trời sáng.
Sinh vật lạ - “con trời ơi” nổi lên từ đáy biển, xuất hiện với số lượng rất lớn, dày đặc gần mặt nước, tiết nhiều chất nhầy nhớt nổi lên mặt nước, chất nhầy nhớt bám vào lưới lồng làm giảm lượng nước lưu thông, bám vào mang cá làm cản trở hô hấp. Vì vậy, cá có nhu cầu oxy cao, sống gần tầng nước mặt sẽ bị ảnh hưởng nặng, làm cá chết hàng loạt chỉ trong thời gian ngắn, gây thiệt hại lớn cho ngư dân.
Hiện vẫn chưa có giải pháp phòng trừ sinh vật lạ này một cách hiệu quả. Ngư dân khi thấy “con trời ơi” xuất hiện thường dùng các biện pháp thủ công như sục khí để cung cấp thêm oxy cho cá, quạt nước hoặc dùng máy bơm nước áp lực lớn để xịt rửa lưới lồng và xua đuổi chúng.