Kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2021 có thể tăng kỷ lục?

24/03/2021 06:22 GMT+7
Theo nhận định của giới chuyên môn, trước tín hiệu tích cực những tháng đầu năm 2021, xuất khẩu tôm trong năm nay có thể tăng trưởng rất mạnh.

Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trước ảnh hưởng của dịch Covid - 19, cơ cấu thị trường tôm xuất khẩu của Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể.

Ngay trong hai tháng đầu năm nay, có tới 67 thị trường đã nhập khẩu tôm của Việt Nam, so với cùng kỳ năm ngoái là 63 thị trường. Trong đó, có nhiều thị trường tăng nhập khẩu tôm Việt Nam với mức tăng đột phá như: Australia tăng 115%; Bỉ tăng 139%; Nga tăng 109%; Chile tăng 325%; Campuchia tăng gấp 30 lần…

Đáng chú ý, sự tăng tốc xuất khẩu tôm sang Australia đã đưa thị trường này từ vị trí thứ 10 vào Top 4 thị trường xuất khẩu tôm của Việt Nam chỉ sau Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2021 có thể tăng “kỷ lục” - Ảnh 1.

Kim ngạch xuất khẩu tôm liên tục tăng trong các tháng đầu năm 2021

Hai tháng đầu năm 2020, có 35 công ty tham gia xuất khẩu sang thị trường này, sau 1 năm đã có thêm 12 công ty nữa cùng xuất khẩu sang Australia. Trong đó, riêng Minh Phú đã chiếm 37% tổng xuất khẩu tôm Việt Nam sang Australia và có doanh số tăng vọt 159% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài Minh Phú còn có các doanh nghiệp như: Cases, Agrex Sài Gòn, SEAVINA, Thủy sản Quang Minh….

Về kim ngạch xuất khẩu, theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 1/2021 xuất khẩu tôm của cả nước đạt 25,3 nghìn tấn, trị giá 220,03 triệu USD, tăng 18% về lượng và tăng 17,5% về trị giá so với tháng 1/2020.

Một số sản phẩm có tăng trưởng vượt trội như tôm chân trắng chế biến (PTO, PDTO…) tăng 47% và chiếm 9% giá trị xuất khẩu; tôm chân trắng tươi/đông lạnh bỏ đầu, block, PTO, PDTO (mã HS 03061721) tăng 39% và chiếm 7,4%, chả cá, surimi (mã HS 0304990) tăng 58% và chiếm 6,8%; tôm chân trắng lột vỏ, bỏ đầu PD tươi/đông lạnh (mã HS 03061722) tăng 56% và chiếm 5,2%.

Đánh giá về triển vọng nhập khẩu tôm vào Mỹ, ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT) cho hay, năm 2021, ngành này sẽ tiếp tục tăng đạt mức vượt 800 nghìn tấn với trị giá ở mức 7,78 tỷ USD, tăng 1,2% về lượng và 1,2% về trị giá so với năm 2020.

Ngoài ra, đối với thị trường Nhật Bản, Việt Nam là nhà cung cấp tôm lớn nhất cho Nhật Bản năm 2020. Cụ thể, tôm Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này năm 2020 chiếm 25,13% về lượng và 26,54% về trị giá, đạt 55,05 nghìn tấn với trị giá 64,4 tỷ Yên, tương đương 608 triệu USD, giảm 5,3% về lượng và giảm 7,6% về trị giá so với năm 2019.

Theo dự báo của giới chuyên môn, năm 2021, dịch Covid – 19 sẽ không còn tác động mạnh tới nhập khẩu tôm của Nhật Bản. Do đó, trong năm 2021, ngành này sẽ tăng nhẹ đạt 225 nghìn tấn với trị giá 250 tỷ Yên, tăng 2,7% về lượng và tăng 3% về trị giá so với năm 2020.

Về thị trường Anh, theo cam kết trong Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu nhập khẩu vào thị trường Anh được giảm từ mức thuế cơ bản 10 - 20% xuống 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, qua đó, mở ra nhiều cơ hội cho ngành hàng tôm tại thị trường này.

Thanh Phong
Cùng chuyên mục