Kinh tế Mỹ mạnh nhất trong 1 thập kỷ, Goldman Sachs vẫn cảnh báo nguy cơ suy thoái
Jan Hatzius và David Mericle, hai chuyên gia phân tích kinh tế từ Goldman Sachs mới đây nhận định: “Nhìn chung, các yếu tố trụ cột điều tiết nền kinh tế vẫn còn nguyên vẹn, khiến nguy cơ suy thoái kinh tế về mặt cấu trúc giảm đi. Tuy nhiên, những rủi ro mới đang tăng lên, từ cú sốc dầu mỏ cho đến mất cân đối tài chính…”
Trong suốt năm 2019, những quan ngại về chiến tranh thương mại Mỹ Trung leo thang, khủng hoảng Brexit và sự suy yếu kinh tế toàn cầu...đã trở thành lực cản nặng nề kiềm chế tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Nhất là giai đoạn quý III, sau khi đàm phán Mỹ Trung đổ bể, biểu tình ở Hồng Kông bùng nổ, Anh xin hoãn thời hạn Brexit còn căng thẳng Mỹ - Iran liên quan đến giá dầu cũng leo thang.
Đường cong lợi suất liên tục đảo ngược, một dấu hiệu cảnh báo suy thoái với tính chính xác cao trong lịch sử cũng làm giảm bớt tâm lý nhà đầu tư. Dự đoán nguy cơ suy thoái đã tăng tới 38%, mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế 2008 vào tháng 8/2019, sau khi đường cong lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ liên tục đảo ngược.
Hàng loạt thách thức không khiến kinh tế Mỹ giảm tốc. Nỗi sợ hãi đã giảm xuống sau khi chiến tranh thương mại Mỹ Trung giảm nhiệt, Trung Quốc đồng ý thông qua thỏa thuận thương mại với Mỹ. Hiện tại, chỉ số đo lường nguy cơ suy thoái kinh tế trong ngắn hạn do FED New York theo dõi đã giảm xuống 24,6%. Mỹ đã trở nên độc lập trong lĩnh vực năng lượng khi vươn lên trở thành quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới. Nước này không tham gia khối xuất khẩu dầu mỏ OPEC và các đồng minh (còn gọi là OPEC+), đồng thời không thực hiện cam kết giảm sản lượng sản xuất dầu mỏ để bình ổn giá dầu như Nga và OPEC+ theo đuổi.
Cục Dự trữ Liên bang FED đã 3 lần cắt giảm lãi suất trong năm, đưa lãi suất cơ bản về mức 1,5-1,75% và gợi ý không tăng lãi suất suốt năm 2020, điều đã củng cố thêm sự lạc quan trong tâm lý thị trường. Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng ổn định 2,1% trong quý III/2019, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,5%, mức thấp nhất trong 50 năm còn chứng khoán phố Wall thì liên tục phá đỉnh lịch sử. Người Mỹ đang gọi 2019 là năm tốt đẹp nhất của nền kinh tế kể từ sau Đại suy thoái 2008 đến nay.
Dù một số lực cản thương mại đã bị loại bỏ, các nhà kinh tế Goldman Sachs vẫn cảnh báo về nguy cơ suy thoái kinh tế trong ngắn hạn.
Nợ doanh nghiệp tăng mạnh vẫn là rủi ro lớn đe dọa nền kinh tế. Cùng với đó, chính sách tài khóa dường như không phát huy được hiệu quả như kỳ vọng trong bối cảnh lạm phát nằm dưới mức mục tiêu, chính sách tiền tệ nới lỏng và bất ổn thương mại toàn cầu. Cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 cùng với những rủi ro địa chính trị sẽ tiếp tục tác động đến nền kinh tế, đặc biệt là tâm lý kinh doanh và tiêu dùng.
“Chúng tôi nghĩ rằng nguy cơ kinh tế Mỹ chuyển từ tăng trưởng chậm sang tăng trưởng đi ngang trong vài năm tới lớn hơn so với những gì thị trường kỳ vọng” - hai nhà kinh tế Hatzius and Mericle nhận định.
Tuy nhiên, Goldman Sachs không phải lúc nào cũng dự đoán đúng. Năm 2007, các chuyên gia Goldman Sachs đã dự đoán mức tăng trưởng hai chữ số cho thị trường chứng khoán năm 2008. Nhưng S&P 500 sau đó đã giảm tới 37% khi nền kinh tế bước vào một cuộc Đại suy thoái, khủng hoảng toàn diện trên cả lĩnh vực tài chính và tiền tệ.