Kỳ vọng gì từ thay đổi tích cực các luật đầu tư kinh doanh có hiệu lực năm 2021

14/02/2021 06:39 GMT+7
Lần đầu tiên Quốc hội đồng thời sửa đổi 3 luật quan trọng về đầu tư kinh doanh bao gồm luật doanh nghiệp, luật chứng khoán và luật đầu tư. Những thay đổi quan trọng của 3 luật này là gì và sẽ tác động như thế nào đến tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất k

Lần đầu tiên Quốc hội đồng thời sửa đổi 3 luật quan trọng về đầu tư kinh doanh bao gồm luật doanh nghiệp, luật chứng khoán và luật đầu tư. Những thay đổi quan trọng của 3 luật này là gì và sẽ tác động như thế nào đến tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh?

Lần đầu tiên Quốc hội đồng thời sửa đổi 3 luật quan trọng về đầu tư kinh doanh bao gồm luật doanh nghiệp, luật chứng khoán và luật đầu tư. Những thay đổi quan trọng của 3 luật này là gì và sẽ tác động như thế nào đến tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh?

Kỳ vọng gì từ thay đổi tích cực các luật đầu tư kinh doanh có hiệu lực năm 2021 - Ảnh 1.

Thuận lợi hơn cho gia nhập thị trường

Nội dung cải cách nền tảng và tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế tư nhân của Luật Doanh nghiệp nói chung là thay đổi tư duy quản lý và cải cách gia nhập thị trường. Đổi mới tư duy về quyền kinh doanh là người dân được quyền tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm; trái ngược với nguyên tắc trước đó là người dân chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Gia nhập thị trường đã được giải phóng theo nguyên tắc tự do thành lập doanh nghiệp với thủ tục đơn giản, ít tốn kém; bãi bỏ yêu cầu vốn tối thiểu, tự do lựa chọn, thay đổi và bổ sung ngành nghề kinh doanh; tự do lựa chọn, mở rộng địa bàn kinh doanh và rút ngắn thời gian thành lập doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp 2020 tiếp tục tinh thần này của Luật Doanh nghiệp với những thay đổi sau đây:

- Bổ sung quy định về đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử, theo đó người thành lập doanh nghiệp có thể thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng với bộ hồ sơ điện tử (không phải nộp thêm bộ hồ sơ giấy như hiện nay).

- Bãi bỏ các thủ tục hành chính không còn cần thiết, như: bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu; bãi bỏ thủ tục doanh nghiệp phải báo cáo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp được trao quyền trong việc tự quyết định làm dấu, sử dụng dấu. Doanh nghiệp có thể làm dấu theo cách thông thường hoặc dấu số tùy theo tính chất, nhu cầu kinh doanh của mình.

Luật Đầu tư đồng thời đã bãi bỏ 23 ngành, nghề và bổ sung 10 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Theo đó, khoảng 400 điều kiện kinh doanh tương ứng với 23 ngành, nghề này sẽ hết hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021. Cắt giảm ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện góp phần mở rộng quyền tự do kinh doanh và tạo thuận lợi gia nhập thị trường và kinh doanh của doanh nghiệp.

Nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư

Bảo vệ cổ đông là một nội dung quan trọng nhất của khung pháp luật về quản trị công ty. Quy định về bảo vệ cổ đông tốt sẽ đóng góp quan trọng làm cho doanh nghiệp trở thành một công cụ kinh doanh an toàn và thông qua đó sẽ thúc đẩy và huy vốn động đầu tư. Nguyên tắc quan trọng của cơ chế bảo vệ cổ đông là đảm bảo đối xử công bằng giữa các cổ đông; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp không bị chiếm đoạt bởi cổ đông lớn hoặc người quản lý công ty; xung đột lợi ích trong công ty phải được kiểm soát; tạo điều kiện dễ dàng cho cổ đông kiện người quản lý công ty khi vi phạm trách nhiệm trong điều hành công ty. Luật Doanh nghiệp năm 2014 và quy định hướng dẫn Luật Chứng khoán về quản trị công ty cổ phần đã nâng cấp mạnh mẽ khung khổ pháp lý về bảo vệ cổ đông, nhà đầu tư, thúc đẩy quản trị công ty tốt. Theo đó, Ngân hàng thế giới đã có đánh giá tích cực về bảo vệ cổ đông, nhà đầu tư nước ta, ghi nhận sự cải thiện mạnh mẽ trên bảng xếp hạng 89/190 quốc gia năm 2015 so với thứ hạng 169/170 năm 2013.

Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán có hiệu lực từ ngày 1-1-2021 đều tiếp tục có thay đổi quan trọng, thể chế hóa các nguyên tắc và thông lệ quốc tế về quản trị tốt nhằm nâng cao hơn khung khổ pháp lý về quản trị công ty.

Thay đổi quan trọng của Luật Doanh nghiệp 2020 so với Luật Doanh nghiệp 2014 là: mở rộng mức độ và phạm vi quyền của cổ đông nhằm tạo điều kiện thuận lợi để cổ đông bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình (bãi bỏ yêu cầu ”phải sở hữu cổ phần liên tục tục trong 06 tháng”; giảm yêu cầu điều kiện về tỷ lệ sở hữu cổ phần từ 10% xuống 5% để cổ đông thực hiện quyền quan trọng về tiếp cận thông tin về hoạt động công ty, triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông, …); tạo thuận lợi hơn cho cổ đông thực hiện quyền khởi kiện người quản lý (bổ sung quyền yêu cầu Tòa án buộc công ty cung cấp thông tin cần thiết để thực hiện quyền khởi kiện người quản lý); bổ sung quyền cho Đại hội đồng cổ đông quyết định thù lao HĐQT, quyết định lựa chọn kiểm toán độc lập,...; bổ sung quy định chi tiết về Ủy ban kiểm toán, thư ký công ty để thúc đẩy quản trị phổ biến.

Luật Chứng khoán đã bổ sung thêm Mục về quản trị công ty đại chúng tiệm cận với các nguyên tắc về quản trị công ty của OECD với 6 nguyên tắc cơ bản: (i) cơ cấu quản trị hợp lý, hiệu quả; (ii) Bảo đảm hiệu quả hoạt động của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát; nâng cao trách nhiệm của Hội đồng quản trị đối với công ty và cổ đông; (iii) bảo đảm quyền của cổ đông, đối xử bình đẳng giữa các cổ đông; (iv) bảo đảm vai trò của nhà đầu tư, thị trường chứng khoán và các tổ chức trung gian trong việc hỗ trợ hoạt động quản trị công ty; (v) tôn trọng và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên có quyền lợi liên quan trong quản trị công ty; và (vi) công bố thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác và minh bạch hoạt động của công ty; bảo đảm cổ đông được tiếp cận thông tin công bằng.

Các nội dung mới của Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán dự kiến sẽ giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị công ty, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động kinh doanh và qua đó tăng độ an toàn và niềm tin cho các nhà đầu tư.

Áp dụng nguyên tắc quản trị cao đối với doanh nghiệp có sở hữu nhà nước Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN là một chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ ở nước ta.

Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 12-NQ/TW) đã chỉ rõ các quan điểm chỉ đạo: doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác theo quy định của pháp luật. Bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp nhà nước.

Thể chế hóa quan điểm nêu trên, Luật Doanh nghiệp đã sửa đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước theo nguyên tắc phân chia các loại doanh nghiệp có sở hữu nhà nước theo mức độ sở hữu khác nhau, mỗi loại hình doanh nghiệp có quy định về tổ chức quản trị phù hợp để nâng cao hiệu lực quản trị, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, bảo đảm bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Nội dung sửa đổi tập chung vào tăng mức độ kiểm soát tập quyền, chống xung đột lợi ích và bảo đảm tính minh bạch hóa trong hoạt động của DNNN, bổ sung quy định để mở rộng phạm vi đối tượng không người có liên quan (bao gồm thêm đối tượng: con rể, con dâu, anh em bên chồng); kiểm soát giao dịch có nguy cơ phát sinh tư lợi; bổ sung quy định công khai hóa thông tin của doanh nghiệp có sở hữu nhà nước …

Gói thu hút đầu tư ‘đặc biệt’

Một trong những mục tiêu sửa đổi Luật đầu tư là nhằm thu hút đầu tư có chọn lọc, chất lượng, bảo đảm an ninh, quốc phòng, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Luật đầu tư đã bổ sung quy định xác định rõ ràng, minh bạch về nguyên tắc tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, cụ thể là: (i) nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước trừ trường hợp ngành nghề bị hạn chế tiếp cận thị trường; (ii) Chính phủ sẽ công bố công khai danh mục Chính phủ công bố Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm: ngành nghề chưa được tiếp cận thị trường và ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện và điều kiện tương ứng; (iii) Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài được xây dựng theo nguyên tắc loại trừ (negativelist). Tương tự như Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán thì quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài áp dụng nguyên tắc không hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại công ty đại chúng trừ trường hợp công ty đó hoạt động trong lĩnh vực ngành nghề áp dụng điều kiện là hạn chế sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Một thay đổi quan trọng của Luật Đầu tư là bổ sung cơ chế cho phép Chính phủ quyết định ưu đãi đầu tư cao hơn so với thông thường để khuyến khích phát triển một ngành, địa bàn đặc biệt hoặc dự án đặc biệt quan trọng có tác động lớn đến kinh tế - xã hội, bao gồm các loại dự án sau đây: (1) Dự án đầu tư thành lập mới (bao gồm cả việc mở rộng dự án thành lập mới đó) các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển có tổng vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư; trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; (ii) Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 10.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư.

Đối với các loại dự án nêu trên, Thủ tướng Chính phủ có thể quyết định bổ sung thêm mức ưu đãi và thời hạn ưu đãi đầu tư so với mức ‘thông thường’, nhưng: mức thuế suất ưu đãi giảm không quá 50%; thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi không quá 1,5 lần và được kéo dài thêm không quá 15 năm và không vượt quá thời hạn của dự án đầu tư; quyết định áp dụng miễn thuế tối đa không quá 06 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 13 năm tiếp theo.

Như phân tích nêu trên, lần đầu tiên có cùng một lúc 3 đạo luật có tác động mạnh mẽ đến hoạt động đầu tư kinh doanh ngay từ đầu năm 2021. Có thể nói, đây là những tác động cộng hưởng và tạo ra một cơ hội lớn cho cả doanh nghiệp và nhà đầu tư trong đầu tư kinh doanh và huy động vốn. Cơ hội là có nhưng cần phải lưu ý là luật pháp là tạo lập môi trường, tạo lập cơ hội cho doanh nghiệp; còn việc tận dụng thành công cơ hội còn phụ thuộc cả vào việc thực thi chính sách trên thực tế và một phần là nỗ lực của doanh nghiệp. Tổ chức triển khai thực thi các luật một cách quyết liệt nhất quán và đầy đủ ngay từ khi Luật có hiệu lực của các cơ quan thực thi chính sách là yếu tố quyết định sự thành công.

Phó Viện trưởng Phan Đức Hiếu
Cùng chuyên mục