Làm không đủ ăn, nông dân Trung Quốc kẻ rời làng, người đi...bán bảo hiểm

24/09/2020 16:19 GMT+7
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa nhanh chóng đáng kinh ngạc trong suốt 4 thập kỷ qua, hàng triệu người nông dân Trung Quốc đã rời bỏ nông thôn, di cư đến các đô thị để kiếm việc làm với mức lương cao hơn.
Làm không đủ ăn, nông dân Trung Quốc kẻ rời làng, người đi...bán bảo hiểm - Ảnh 1.

Ngày càng nhiều nông dân Trung Quốc rời nông thôn lên thành phố kiếm sống do chênh lệch thu nhập quá lớn

Tại tỉnh Hắc Long Giang (đông bắc Trung Quốc), vụ thu hoạch hoa màu mùa thu đã đến nhưng nông dân phải đối mặt với một thực trạng thiếu nhân công trầm trọng.

Trả lời phỏng vấn tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), một nông dân họ Xu ở Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ Hắc Long Giang cho hay: “Rất khó tìm được nhân công có kinh nghiệm làm nông. Trong làng rất ít người trẻ tuổi. Họ đổ đến các thành phố lớn tìm việc làm chứ không theo nghề trồng trọt”.

Chính phủ Bắc Kinh từ lâu đã nhấn mạnh sự bức thiết của việc tăng cường canh tác tự động trong nông nghiệp, qua đó sản xuất nông nghiệp quy mô lớn với năng suất, chất lượng cao hơn và cần ít nhân lực hơn. Nhưng với trình độ nông nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc hiện nay, không phải lúc nào máy móc cũng bù đắp được toàn bộ số nhân công thiếu hụt. Theo ông Xu, máy nông nghiệp tại Trung Quốc hiện chưa thể thay thế con người làm toàn bộ các công đoạn. Vẫn có những việc đòi hỏi nhân công lớn làm bằng tay, trong khi đó lượng nhân công đang thiếu hụt trầm trọng.

Ảnh hưởng của ba trận bão gần đây và lũ lụt kỷ lục ở Hắc Long Giang, tỉnh trồng ngô lớn nhất Trung Quốc đã làm nổi bật tình trạng thiếu hụt lao động nông thôn và những quan ngại về nguồn cung ngũ cốc. Bão lũ đã san phẳng gần như phần lớn diện tích trồng ngô ở Hắc Long Giang. Cây trồng đổ gục khiến việc thu hoạch không thể thực hiện được bằng máy móc trên nhiều khu vực. Muốn thu hoạch được hết số ngô còn lại, người nông dân phải sử dụng phương pháp thủ công với nhiều nhân công. Nhưng ông Xu cũng như rất nhiều người khác hiện không thể thuê được nhân công để thực hiện lượng công việc này.

Cách Cáp Nhĩ Tân khoảng 350km về phía Tây Bắc, một nông dân Trung Quốc khác là ông Zhao cũng đang quan ngại về vấn đề tiền lương nông nghiệp tăng do nhân công ngày càng hiếm. Nếu chỉ dựa vào lao động tay chân để thu hoạch sản lượng hoa màu vụ này, ông Zhao sẽ cần ít nhất 10 nhân công với mức lương khoảng 170-180 NDT (25 USD) mỗi ngày, chưa tính tiền ăn trưa.

Dù giá ngô tăng cao do dịch Covid-19 nhưng ông Zhao gần như không kiếm được gì sau một vụ mùa vì thiệt hại quá lớn do bão lũ gây ra. Hiện ông phải nhận thêm công việc thứ hai là bán bảo hiểm, bởi lợi nhuận từ nghề nông không đủ để nuôi sống gia đình.

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa nhanh chóng đáng kinh ngạc trong suốt 4 thập kỷ qua, hàng triệu người nông dân Trung Quốc đã rời bỏ nông thôn, di cư đến các đô thị để kiếm việc làm với mức lương cao hơn. Do đó, ở khu vực nông thôn, số lượng người dân trong độ tuổi lao động ngày càng giảm.

Theo thống kê của cục Thống kê quốc gia, dân số nông thôn Trung Quốc trong năm 2019 giảm mạnh 12,39 triệu người xuống còn 551,62 triệu người so với năm 2018. Tức là đến năm 2019, dân số nông thôn Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 39,4% tổng dân số cả nước, giảm mạnh so với mức 89,36% hồi thập niên 70. Riêng ba tỉnh đông bắc của Trung Quốc là Hắc Long Giang, Cát Lâm và Liêu Ninh chứng kiến dân số giảm tới 331.3000 người do ngày càng nhiều người dân di chuyển đến các thành thị lớn của Trung Quốc để kiếm sống.

Nguyên nhân chính khiến nông dân Trung Quốc rời làng là do sự chênh lệch giàu nghèo giữa vùng nông thôn và thành thị ngày càng lớn. Cũng theo Cục Thống kê Quốc gia, thu nhập khả dụng bình quân đầu người của cư dân nông thôn Trung Quốc là 6.682 NDT trong nửa đầu năm 2020, chỉ bằng 34% so với thu nhập khả dụng ở khu vực thành thị.

Yang Baolong, chủ tịch Hiệp hội đậu nành Trung Quốc đồng thời là Tổng giám đốc Beidahuang Group, tập đoàn kinh doanh nông nghiệp lớn nhất Trung Quốc cho hay đại dịch Covid-19 và bão lũ đã phơi bày những mặt yếu kém của ngành nông nghiệp Trung Quốc một cách rõ rệt. “Các ngân hàng nông nghiệp không còn tập trung vào ưu đãi tín dụng cho nông dân, trợ cấp nông nghiệp không đến được tay người dân, các trường đại học nông nghiệp thì tập trung vào chuyên ngành tài chính kế toán thay vì dạy sinh viên trồng trọt, canh tác. Ngay cả kênh truyền hình nông nghiệp cũng luôn phát quảng cáo bất động sản”.


Thùy Dung
Cùng chuyên mục