Lạm phát kỷ lục khiến doanh thu thủy sản tươi sống của Mỹ giảm đáng kể
Số liệu được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 12/4 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng Mỹ (CPI) đã tăng 8,5% trong vòng một năm, tính tới cuối tháng 3. Đây là mức lạm phát cao nhất của Mỹ kể từ tháng 12/1981.
Tình trạng các mặt hàng tăng giá xảy ra phổ biến trên khắp nước Mỹ. Giá xăng tăng 48% trong 12 tháng qua. Giá hàng tạp hóa tăng 10%, trong đó giá cam và thịt xông khói tăng 18%. Giá các mặt hàng lương thực tăng 8,8%, mức cao nhất kể từ tháng 5/1981.
Giá cả tăng vọt được xác định do chuỗi cung ứng tắc nghẽn, nhu cầu tiêu dùng bùng nổ và thị trường lương thực, năng lượng toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc xung đột Nga - Ukraine. Từ tháng 2 tới tháng 3, lạm phát ở Mỹ tăng 1,2%, mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ năm 2005 tới nay, trong đó giá xăng tăng là nguyên nhân chủ yếu.
Lạm phát ảnh hưởng không nhỏ tới doanh thu thủy sản tươi sống tại Mỹ. Thông tin từ Hiệp Hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), giá thủy sản tươi trong tháng 3/2022 tăng 12,1% lên mức 8,51 USD (7,83 EUR)/đơn vị, so với mức tăng 10,9% của tháng 2/2022.
Giá tăng làm doanh thu thủy sản tươi sống giảm 10,4% còn 505 triệu USD (464 triệu EUR) trong tháng 3, doanh thu sản phẩm có vỏ giảm mạnh 27,8%. Cua, tôm hùm, cá rô phi và cá da trơn có mức giảm lần lượt 34%, 27%, 21,6% và 16,4%, đây cũng là những sản phẩm giảm doanh thu mạnh nhất trong tháng 3.
Giá thủy sản có thể tiếp tục tăng cao do các lệnh trừng phạt đối với Nga. Lệnh trừng phạt được dự báo sẽ tác động tức thì tới giá cua, cá tuyết cod và cá minh thái Alaska.
Doanh thu thủy sản đông lạnh cao hơn doanh thu thủy sản tươi trong tháng 3, tăng 1,1% lên mức 605 triệu USD (556 triệu EUR). Doanh thu thủy sản bảo quản tăng 9,2% lên mức 222 triệu USD (204 triệu EUR).
Sản phẩm đông lạnh và đóng hộp có lợi thế so với sản phẩm tươi sống trong giai đoạn lạm phát như hiện nay, lợi thế thứ nhất là hạn sử dụng - trong khi thủy sản tươi sống cần được sử dụng hoặc cấp đông trong vòng vài ngày, thủy sản đông lạnh hoặc đóng hộp không cần làm như vậy. Lợi thế thứ hai là giá cả và nhận thức của người tiêu dùng về giá.
Nhiều người cho rằng thủy sản đông lạnh rẻ hơn thủy sản tươi sống. Trong một số trường hợp điều này có thể đúng nhưng trong nhiều trường hợp không có sự khác biệt giữa mức giá của hai sản phẩm, tuy nhiên cách người tiêu dùng nhận thức mới là yếu tố quyết định. Sản phẩm đông lạnh và đóng hộp có mức giá đơn vị rẻ hơn, tạo ấn tượng rằng nó có mức giá tốt hơn. Ví dụ, mọi người có thể quyết định dùng bánh sandwich salad cá ngừ thay vì phi lê cá tuyết tươi hoặc đông lạnh.
Lạm phát không chỉ ảnh hưởng đến thủy sản, giá của tất cả mặt hàng F&B tại siêu thị, quán bar, chợ, trung tâm thương mại, hiệu thuốc và cửa hàng bách hóa tăng trung bình 10,3% trong tháng 3.
Lạm phát đã đạt mức kỉ lục trong 40 năm qua và người tiêu dùng đang nhận thức rất rõ về điều này.
Khảo sát đối với người mua hàng vào tháng 3 cho thấy 92% người tiêu dùng tin rằng giá thực phẩm cao hơn đáng kể so với năm ngoái, và 95% lo lắng về điều này.
49% người tiêu dùng được khảo sát nói rằng họ rất quan ngại về giá thực phẩm, so với 27% số người được khảo sát nói rằng họ quan ngại về COVID-19. Có thể thấy lạm phát đang ảnh hưởng tới tiêu dùng thực phẩm của người dân nhiều hơn COVID-19.
Thời gian giữa thàng 2, người tiêu dùng được khảo sát nói rằng đó là thời điểm họ ít lo lắng nhất về COVID-19 kể từ khi đại dịch bắt đầu. Tuy vậy, mặc dù lo lắng của người tiêu dùng về việc bị nhiễm bệnh đã giảm đi so với năm trước, mối lo lắng của họ về giá thực phẩm đã tăng cao như mùa hè 2020. Mối bận tâm về việc hết hàng cũng làm nỗi lo này trầm trọng hơn.
Theo khảo sát từ người tiêu dùng, chi tiêu đối với hàng tạp hóa đã tăng 4% so với đầu năm ngoái, và 72% những người tăng mức chi tiêu cho rằng đó là do giá cả tăng cao đối với một số mặt hàng hoặc thương hiệu.
Hầu hết những người mua hàng lo lắng về giá thực phẩm tăng cao đang thay đổi hành vi mua sắm của họ, bao gồm tìm kiếm khuyến mãi, thay đổi sản phẩm muốn mua, thay đổi địa điểm mua hoặc mua từ nhiều thương hiệu khác nhau.