Một thước đo lạm phát tại Trung Quốc tăng cao nhất trong 13 năm
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm 9/9, chỉ số giá sản xuất (PPI) của nước này trong tháng 8 tăng vọt 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhanh hơn mức tăng 9% hồi tháng 7. Đây cũng là mức tăng PPI kỷ lục trong vòng 13 năm qua, kể từ thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng 1% hồi tháng 7.
Sự phục hồi giá hàng hóa là động lực chính thúc đẩy PPI tại Trung Quốc tăng vọt trong năm nay bất chấp những nỗ lực kiềm chế lạm phát chẳng hạn tăng cường nguồn cung hay cắt giảm tích trữ hàng tồn kho của Bắc Kinh.
Sở dĩ đà tăng của PPI không chuyển sang lĩnh vực tiêu dùng, khiến CPI tăng ít hơn là do giá thực phẩm tiếp tục giảm và chi tiêu cho các dịch vụ du lịch như vé máy bay, khách sạn giảm mạnh sau các đợt bùng phát dịch Covid-19 gần đây tại Trung Quốc. Chẳng hạn, giá thịt lợn - một yếu tố quan trọng trong rổ hàng hóa để tính CPI tại Trung Quốc - đã giảm mạnh trong tháng. Chỉ số CPI lõi, bao gồm các mặt hàng dễ biến động như thực phẩm và năng lượng, tăng 1,2%. CPI phi thực phẩm (không tính các mặt hàng thực phẩm) tăng 1,9% so với một năm trước.
Ôn Bruce Pang, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chiến lược và vĩ mô tại China Renaissance Securities Hong Kong, cho biết: “Khoảng cách giữa CPI và PPI (của Trung Quốc) phản ánh độ trễ trong việc lan tỏa hiệu ứng tăng giá từ lĩnh vực sản xuất sang tiêu dùng… Tốc độ lan tỏa mức tăng từ PPI sang CPI phi thực phẩm sẽ là một yếu tố quan trọng để các nhà hoạch định chính sách cũng như Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cân nhắc (những động thái tiếp theo)”.
Trong khi đó, ông Dong Lijuan, một quan chức cấp cao Cục thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết sự gia tăng PPI phần lớn là do giá các sản phẩm như than đá, hóa chất và thép tăng lên. Trong đó, giá than thành phẩm tăng nhanh nhất, tăng 57,1% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái. “Nếu giá thịt lợn bắt đầu phục hồi từ mức đáy thì chỉ số CPI cũng có thể phục hồi, và các biện pháp chính sách như mở kho dự trữ, điều chỉnh hỗ trợ thuế, tăng công suất than và thép… có thể được giữ nguyên hoặc thậm chí tăng thêm”.
Các nhà kinh tế Bloomberg Economics nhận định ngay cả khi PPI Trung Quốc tăng vọt trong tháng 8, bức tranh cơ bản của nền kinh tế lớn thứ hai hành tinh không đổi: Ngân hàng Trung ương tiếp tục quan tâm đến ổn định tăng trưởng GDP hơn là ổn định giá, đặc biệt khi lạm phát giá tiêu dùng chậm lại. Nhìn chung, theo các quan chức tài chính Trung Quốc, lạm phát tại quốc gia này vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Hồi tháng trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã nhấn mạnh quan điểm lạm phát trong nền kinh tế có thể kiểm soát được và tình trạng giá sản xuất tăng chỉ là vấn đề tạm thời của nền kinh tế. Tỷ lệ lạm phát hiện tại dường như không phải một hạn chế ngăn Ngân hàng Trung ương hạ lãi suất, bởi tốc độ tăng giá tiêu dùng hiện vẫn thấp hơn nhiều so với mức mục tiêu 3% của chính phủ.
Cơ quan này vào đầu tháng 8 đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại, động thái được dự báo sẽ giải phóng khoảng 1.000 tỷ nhân dân tệ thanh khoản (154 tỷ USD) vào nền kinh tế trong dài hạn sau khi đợt bùng phát dịch Covid-19 mới nhất đe dọa đà tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Hành động này được thực hiện vào thời điểm hàng loạt tổ chức kinh tế bao gồm ngân hàng đầu tư Goldman Sachs hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong quý III cũng như cả năm 2021 do nguy cơ từ làn sóng dịch mới nhất cũng như sự gián đoạn cung ứng gây ra bởi trận lũ lụt kinh hoàng hồi tháng 7 qua.