PBoC đứng trước áp lực hạ lãi suất khi kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu giảm tốc

12/08/2021 11:31 GMT+7
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đứng trước áp lực cắt giảm lãi suất khi đợt bùng phát dịch Covid-19 mới nhất có nguy cơ làm chậm đà phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai hành tinh.

Là Ngân hàng Trung ương của Trung Quốc, mỗi quyết định chính sách tiền tệ của PBoC dựa trên 3 nhiệm vụ chính: ổn định giá cả và thị trường tiền tệ, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, bình ổn hệ thống tài chính. Kể từ năm 2017 cho đến trước thời điểm đại dịch bùng phát, PBoC đã tập trung chú trọng mục tiêu ổn định hệ thống tài chính bằng các nỗ lực giảm nợ trong nền kinh tế. Sự bùng phát của đại dịch đã buộc PBoC tạm dừng chiến dịch giảm nợ để tung ra các kích thích tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế thực, mặc dù vẫn với góc độ thận trọng. Kể từ cuối năm ngoái, khi nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu phục hồi mạnh mẽ, PBoC đã bắt đầu giảm bớt kích thích và kiềm chế tăng trưởng tín dụng.

Giờ đây, ngân hàng Trung ương Trung Quốc một lần nữa đối mặt với áp lực thay đổi lập trường chính sách tiền tệ khi đợt bùng phát dịch Covid-19 mới nhất đe dọa đà tăng trưởng của quốc gia này. Trong những tuần qua, một số ngân hàng đầu tư bao gồm Goldman Sachs đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong quý III cũng như cả năm 2021 do nguy cơ từ làn sóng dịch mới nhất cũng như sự gián đoạn cung ứng gây ra bởi trận lũ lụt kinh hoàng hồi tháng 7 qua.

PBoC đứng trước áp lực hạ lãi suất khi kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu giảm tốc - Ảnh 1.

Kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu giảm tốc, PBoC đứng trước áp lực hạ lãi suất (Ảnh: Bloomberg)

Các nhà kinh tế cố vấn cho chính phủ Trung Quốc đang bắt đầu nói về một mức lãi suất thấp hơn hiện tại. Họ cho rằng việc Bắc Kinh thành công kiềm chế gia tăng nợ trong thời gian qua sẽ tạo dư địa cho phép PBoC nới lỏng chính sách tiền tệ mà không gây rủi ro tài chính. Dù vậy, quan điểm này trái ngược với phân tích của các ngân hàng đầu tư toàn cầu, rằng PBoC nên duy trì chính sách lãi suất ổn định như hiện tại cho đến ít nhất là cuối năm nay.

Xu Hongcai, Phó giám đốc ủy ban chính sách kinh tế tại Hiệp hội Khoa học Chính sách Trung Quốc lập luận rằng các quy định thắt chặt nợ trong thời gian qua đồng nghĩa việc nới lỏng chính sách tiền tệ ở thời điểm hiện tại “sẽ không tạo ra rủi ro lớn hay dẫn đến sự gia tăng đáng kể của giá bất động sản”.

Còn ông Zhang Bin từ Viện Nghiên cứu Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) trực thuộc chính phủ cho biết chính sách giảm nợ chính quyền địa phương có vẻ đã làm giảm sức mạnh tài khóa của Bắc Kinh, nghĩa là chính sách tiền tệ lúc này cần đóng vai trò lớn hơn để hỗ trợ tăng trưởng. ““Chúng ta nên hạ lãi suất càng sớm càng tốt, với mức độ cắt giảm tương đối lớn” - ông Zhang nhấn mạnh trong một bài phát biểu hồi cuối tháng 7. Theo ông này, việc PBoC hạ lãi suất sẽ  khuyến khích các công ty và chính quyền địa phương vay và đầu tư mà vẫn ngăn chặn dòng tín dụng chảy vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản.

Tỷ lệ lạm phát hiện tại dường như không phải một hạn chế ngăn PBoC hạ lãi suất, bởi tốc độ tăng giá tiêu dùng hiện vẫn thấp hơn nhiều so với mức mục tiêu 3% của chính phủ. Chi phí sản xuất tăng cũng được các chuyên gia PBoC đánh giá là hiện tượng tạm thời, theo báo cáo chính sách tiền tệ mới nhất.

Một lập luận khác ủng hộ lãi suất thấp hơn là nhằm thúc đẩy mức tăng đầu tư của doanh nghiệp, vốn đã trì trệ ngay cả trước cuộc khủng hoảng đại dịch. Trong bối cảnh giá nguyên vật liệu thô tăng vọt bóp nghẹt lợi nhuận nhà sản xuất, ông Cao Heping - giáo sư kinh tế tại Đại học Bắc Kinh cho rằng: “Chúng ta cần cắt giảm lãi suất cơ bản và tỷ lệ dự trữ bắt buộc bởi chỉ khi đó mới có thể thúc đẩy đầu tư mới và tăng cường động lực tăng trưởng kinh tế trong tương lai”.

Bất kỳ quyết định cắt giảm lãi suất nào từ PBoC chắc chắn sẽ là động thái nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn lần cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) với các ngân hàng thương mại vào tháng trước. Động thái này được cho là sẽ đưa khoảng 1.000 tỷ nhân dân tệ thanh khoản (154 tỷ USD) vào nền kinh tế trong dài hạn. 

Trái ngược với các lập luận trên đây, ông Tommy Xie, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu Trung Quốc tại Oversea-Chinese Banking Corporation cho biết: “Tác động của việc cắt giảm RRR vẫn đang diễn ra, do đó chưa cần thiết phải nới lỏng thêm chính sách tiền tệ lúc này”. Theo ông Tommy, PBoC không có áp lực phải cắt giảm lãi suất khẩn cấp, mặc dù một đợt cắt giảm RRR khác có thể giúp hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nền kinh tế.


NTTD
Cùng chuyên mục