Làng hoa Thụy Khuê kinh doanh thế nào sau 3 năm chuyển từ phía Nhật Bản sang đối tác nội?

17/12/2020 07:01 GMT+7
Trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, công tác liên doanh với đối tác tại Làng hoa Thụy Khuê gặp nhiều ảnh hưởng.

Theo tìm hiểu của Dân Việt, Công ty TNHH Làng hoa Thụy Khuê (tên giao dịch là CoCo International, địa chỉ 14 Thụy Khuê, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ) được thành lập vào ngày 16/6/1992, có thời gian hoạt động hơn 43 năm kể từ ngày được cấp giấy phép đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 21.000.000 USD, vốn pháp định là 14.425.715 USD, chức năng kinh doanh nhà ở và văn phòng cho thuê. Tháng 10/1996 Bộ KHĐT cho phép tăng vốn đầu tư lên 18 triệu USD.

Trong đó, công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh Hà Nội (Công viên Cây xanh Hà Nội) góp 4.327.715 USD bằng quyền sử dụng 33.500m2 đất và các giá trị thiệt hại về sản xuất kinh doanh vườn hoa, cây cảnh trong thời gian xây dựng (tương ứng 30% vốn pháp định). Bên Nhật Bản bao gồm công ty Heisei Construction Co.,Ltd và Hasebe Construction Co.,Ltd góp bằng tiền 10.098.000 USD (tương ứng 70% vốn pháp định). 

Đến 6/2016, bên phía Nhật Bản đã ký kết hợp đồng Chuyển nhượng phần vốn góp của mình tại Công ty TNHH Làng hoa Thụy Khuê (Làng hoa Thụy Khuê) với Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Đại An với tổng giá trị hơn 110 tỷ đồng, chiếm 70% vốn điều lệ của Làng hoa Thụy Khuê.

Làng hoa Thụy Khê kinh doanh thế nào sau 3 năm chuyển từ Nhật Bản sang đối tác nội? - Ảnh 1.

Công ty TNHH Làng hoa Thụy Khuê sở hữu và kinh doanh khách sạn trên đất vàng Hồ Tây, Hà Nội

Tuy nhiên, chỉ một năm sau khi nắm quyền chi phối Làng hoa Thụy Khuê, tháng 10/2017, Đầu tư Xây dựng Đại An bất ngờ chuyển toàn bộ phần góp vốn tại doanh nghiệp này cho bên đối tác khác, thu về hơn 400 tỷ đồng.

Đáng chú ý, theo hợp đồng liên doanh đã ký kết ban đầu giữa Công viên Cây xanh Hà Nội với bên Nhật Bản thì lợi nhuận công ty liên doanh sau khi thực hiện các nghĩa vụ tài chính với nhà nước Việt Nam và trích lập các khoản quỹ theo quy định, lợi nhuận còn lại sẽ chia cho các bên theo tỷ lệ thỏa thuận.

Cụ thể, 23 năm đầu (1992-2015) Nhật Bản sẽ được hưởng 70% và Việt Nam 30%; 10 năm tiếp theo (2015-2025) sẽ là Nhật Bản 50%, Việt Nam 50%; và 10 năm cuối (2025-2035) cùng tỷ lệ Nhật Bản 30%, Việt Nam 70%.

Kể từ thời điểm Nhật Bản ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của minh ở Làng hoa Thụy Khuê cho Đầu tư Xây dựng Đại An, một thỏa thuận mới đã được lập ra giữa doanh nghiệp xây dựng này với Công viên Cây xanh Hà Nội, trong đó nêu rõ " Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Đại An được hưởng mọi quyền và thừa kế mọi nghĩa vụ của bên Nhật Bản, tương ứng với phần góp vốn sở hữu tại Làng hoa Thụy Khuê, theo quy định tại hợp đồng liên doanh và điều lệ của công ty".

Điều này đồng nghĩa với việc, sau khi Đầu tư Xây dựng Đại An chuyển nhượng phần góp vốn cho đối tác khác, thì đối tác này cũng được hưởng mọi quyền và thừa kế mọi nghĩa vụ liên quan đến Làng hoa Thụy Khuê.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình hình kinh doanh của công ty có phần kém khả quan. Theo đó, tại Báo cáo công bố thông tin của Công viên Cây xanh Hà Nội gần đây cho biết, trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, công tác liên doanh với đối tác tại Làng hoa Thụy Khuê gặp nhiều ảnh hưởng. Từ năm 2017-2019, lợi nhuận liên doanh chuyển về giảm so với những năm trước.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính của Công viên Cây xanh Hà Nội, năm 2017 số tiền công ty này thu được từ Làng hoa Thụy Khuê là 7,8 tỷ đồng, đến năm 2018 giảm xuống còn 962 triệu đồng, và năm 2019 chỉ thu về được gần 79 triệu đồng.

Lưu ý rằng, năm 2017 cũng là thời điểm 70% vốn ở Làng Hoa Thuỵ Khuê được chuyển từ đối tác ngoại lần lượt sang đối tác nội. 

Trong bối cảnh Chính phủ đang tích cực đẩy nhanh quá trình Cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, việc Công viên Cây xanh Hà Nội Cổ thoái vốn khỏi Làng hoa Thụy Khuê sẽ được đề cập trong thời gian tới. Với 33.500m2 "đất vàng" đang sở hữu, Làng hoa Thụy Khuê rõ ràng nhận được rất nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư.



Quang Dân
Cùng chuyên mục