Lạng Sơn: Kết nối tiêu thụ sản phẩm Na Chi Lăng và các sản phẩm OCOP

22/08/2020 11:06 GMT+7
Hoạt động này nhằm tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản và sản phẩm OCOP của tỉnh. Đặc biệt là sản phẩm Na Chi Lăng niên vụ 2020, đáp ứng thị hiếu tiêu dùng của người dân Thủ đô và các tỉnh, thành trong nước.

Ngày 21/8, Sở NN&PTNT Lạng Sơn phối hợp với Sở Công Thương tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm na Chi Lăng và sản phẩm OCOP tỉnh Lạng Sơn năm 2020. Dự hội nghị có đại diện Bộ NN&PTNT và một số doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã tiêu biểu trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, thành phố Hà Nội và một số tỉnh, thành trong nước. 

Lạng Sơn là địa phương có nhiều lợi thế về khí hậu, đất đai với sự đa dạng các sản phẩm đặc sản. Tỉnh đã xây dựng được một số vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa mang lại giá trị thu nhập cho người dân khoảng 1.000 tỷ đồng/năm như: sản phẩm hoa hồi Lạng Sơn diện tích trên 34.000 ha, sản lượng đạt trên 15.000 tấn/năm; sản phẩm Na Chi Lăng khoảng 3.200 ha tập trung ở các huyện Chi Lăng, Hữu Lũng với sản lượng hằng năm trên 35.000 tấn; vùng sản xuất rau đặc sản các loại. 

Lạng Sơn: Kết nối tiêu thụ sản phẩm Na Chi Lăng và các sản phẩm OCOP - Ảnh 1.

Người dân Chi Lăng đang tất bật với công việc thu hoạch na trên dãy núi Cai Kinh.

Cùng với đó, tỉnh đã triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trong năm 2019 đã có 13 sản phẩm được công nhận và dự kiến trong năm 2020 có thêm 25 sản phẩm được chuẩn hóa từ 3 sao đến 4 sao. Tại hội nghị, một số doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh bày tỏ mong muốn được giao lưu, kết nối tiêu thụ sản phẩm na Chi Lăng và các sản phẩm OCOP của tỉnh. Trong đó, 6 doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh đã ký kết hợp tác, xúc tiến quảng bá, tiêu thụ sản phẩm na và nông sản tỉnh Lạng Sơn. 

Theo lãnh đạo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ NN&PTNT, bên cạnh đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, trao đổi hàng hóa giữa các vùng, miền trong nước, bộ đã tích cực đàm phán, tháo gỡ rào cản kỹ thuật để mở cửa thị trường xuất khẩu trái cây ra thế giới. 

Đến nay, nhiều loại hoa quả của Việt Nam như: thanh long, dưa hấu, vải thiều, xoài, chuối, mít,… đã có mặt tại thị trường khó tính như: EU, Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản… Bộ NN&PTNT đang tiếp tục đàm phán để mở rộng thị trường cho nhiều loại trái cây. Trong đó, sản phẩm quả na đang trong quá trình đàm phán để xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.

PV
Cùng chuyên mục