Ông Thơi đắp đê bao, đầu tư hồ trữ nước phục vụ tưới tiêu.
Không bó tay trước khó khăn, ông bắt tay cải tạo vùng đất phèn để trồng lúa, hoa màu và thử nghiệm các loại nông sản khác nhau. Những năm đầu, cuộc sống cả gia đình ông luôn bấp bênh vì luôn phải đối diện với nước lũ, chuột, châu chấu, cào cào phá hoại trên vùng Đồng Tháp Mười.
Khoảng 10 năm trở lại đây, khi đê bao chống lũ hoàn tất, bà con nông dân mới có điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất. Năm 2000, ông Thơi lặn lội xuống Tân An, rồi ra tận Hà Nội để học tập kiến thức về khuyến nông, áp dụng khoa học kỹ thuật để trồng lúa 2 vụ.
Mong muốn không chỉ sản xuất để tiêu thụ lúa gạo trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu, bán được giá cao, ông Thơi dùng giống lúa mới OM18, áp dụng mạch tuốt, kỹ thuật “3 giảm 3 tăng” và có theo dõi bằng tiêu đề, nhờ đó mỗi năm trung bình mang lại thu nhập từ 2 vụ lúa khoảng hơn 2 tỷ đồng.
“Mình với bà con cùng làm, sau bà con thấy mô hình của mình hiệu quả nên học hỏi. Mình cũng hướng dẫn cho bà con về giống và kĩ thuật, từ đó mang lại khác biệt hơn 50% - 70% so với trước. Ngày trước năng suất lúa chỉ đạt 5 tấn thì nay nâng lên 7 - 8 tấn/ha/vụ. Chi phí đầu tư ngày trước khoảng 10 triệu, nhưng nay chỉ còn 8 triệu/ha, giảm được rất nhiều chi phí đầu tư cho cây lúa”, ông Thơi phấn khởi nói.
Thành công nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, ông Nguyễn Văn Thơi đã đưa gia đình mình vươn lên thoát nghèo và đẩy mạnh phong trào đưa khoa học về đồng ruộng.
Ông Thơi mua sắm nhiều phương tiện đẩy mạnh sản xuất và giúp đỡ nhiều bà con nông dân.
Năm 2005, ông Thơi mạnh dạn vay vốn mua sà lan Cobe, máy xúc, máy ủi tiếp tục cải tạo đất, đôn nền đắp bờ bao. Ông còn đầu tư 1 hồ trữ nước ngọt với hệ thống ống dẫn máy bơm hiện đại để chủ động nước tưới vào mùa khô, phòng ngừa mùa hạn mặn xâm nhập, trồng thêm mít và xoài.
Điều đáng quý là ông rất nhiệt tình truyền đạt kinh nghiệm và chuyển giao khoa học công nghệ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn tham gia sản xuất để phát triển kinh tế.
“Thời gian qua nhiều bà con gặp khó khăn khi canh tác, nhưng chú Tám Thơi có phương tiện nên tới mùa thu hoạch đã giúp đỡ bà con rất nhiều. Những bà con được chú Thơi hỗ trợ từ chỗ nghèo đói đã có kinh tế, từng bước trở thành các hộ giàu”, ông Đào Hồng Ửng, nông dân Vĩnh Đại, Tân Hưng, Long An cho biết.
Tình nguyện hiến đất không nhận đền bù
Khi chính quyền huyện Tân Hưng, tỉnh Long An có chủ trương mở rộng con đường giao thông nông thôn Kênh Lộ Ngang kết nối liên vùng Long An - Đồng Tháp, ông Nguyễn Văn Thơi đã tiên phong tình nguyện hiến gần 1,1ha đất của gia đình. Số đất ông hiến cho địa phương có giá trị cao, đang dùng trồng lúa và cây ăn trái nhưng ông không yêu cầu được đền bù. Không những thế, ông Thơi còn đi đầu vận động bà con tham gia, chung sức cùng chính quyền địa phương.
Nhờ sự đóng góp của những nông dân tiêu biểu như ông Thơi mà vùng biên giới Vĩnh Đại, Vĩnh Bửu huyện Tân Hưng giờ đây đã khởi sắc với những con đường trải nhựa, bê tông thẳng tắp, những ngôi nhà khang trang và những cánh đồng lúa tươi tốt được ứng dụng cơ giới hóa ngày càng nhiều.
Ông Thơi phát động phong trào và hướng dẫn nông dân các kỹ thuật mới, từng bước chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Ông Trần Văn Chánh, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Vĩnh Bửu, xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An nhận xét, ông Thơi là nông dân tiêu biểu của địa phương trong làm kinh tế cũng như sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi vật nuôi cây trồng.
“Khi đi họp hội, hội thảo cấp tỉnh, Trung ương ông Thơi đều về phát động cho bà con. Những công trình mà nhà nước đưa ra, ông Thơi luôn cùng chính quyền vận động bà con thực hiện. Các mô hình như trạm bơm, đê bao lửng, đê bao khép kín khi có ông Thơi tham gia, hầu hết người dân đều đồng thuận chung tay làm”, ông Chánh cho hay.
Tấm lòng và sự cống hiến của ông Thơi đã được ghi nhận. Nhiều năm liền ông được vinh danh nông dân tiêu biểu của tỉnh Long An và Trung ương Hội Nông dân. Ông cũng vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì những đóng góp cho sự nghiệp khuyến nông của nước nhà.