Lão nông vay 1 tỷ đồng khởi nghiệp, biến sỏi đá thành ..."trái ngọt"
Nghĩ về thời điểm cách đây 6 năm trước (2014), ông Đoàn Văn Hà (SN 1967, trú tại xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) vẫn không tin về sự liều của mình: Vay 1 tỷ đồng đổ vào vùng đất hoang hoá đầy sỏi đá.
“Thời điểm đó, cả khu vực này là cây cối um tùm, hoang vu lắm. Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu”, ông Hà nhớ lại.
Sau một thời gian lên kế hoạch cụ thể và đặc biệt được vợ “gật đầu”, ông Hà vay từ quỹ tín dụng và bạn bè vay 1 tỷ đồng để về đầu tư làm vườn trại.
“Lúc đó ai cũng bảo tôi khùng. Vay số tiền lớn như thế thì đến bao giờ mới trả được, đó là chưa kể những rủi ro. Dù họ nói nhưng vợ chồng quyết tâm nên cứ im lặng làm”, ông Hà chia sẻ.
Khi đã có số tiền trong tay, vợ chồng ông bắt đầu triển khai những công việc đầu tiên trong kế hoạch, đó là phát quang và cải tạo mặt bằng.
Vợ chồng ông lựa chọn đầu tư vào trang trại nuôi lợn. Đồng thời, vợ chồng ông cũng chọn phương thức liên kết với doanh nghiệp để hạn chế được rủi ro cũng như được hỗ trợ về mặt kỹ thuật.
Dù chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng ông cũng gặp không ít khó khăn: Có thời điểm, cả chục con lợn đột nhiên chết.
Thất bại, nhưng ông vẫn không nản và bỏ cuộc. Ông tiếp tục đi tham quan, học hỏi các mô hình để lấy kinh nghiệm cho bản thân. Và sự cần mẫn, chịu khó của 2 vợ chồng cuối cùng cũng có kết quả. Đàn lợn thịt với quy mô 400 con phát triển khỏe mạnh và lần lượt xuất chuồng.
Từ việc có đồng lãi đầu tiên ấy, ông Hà chia ra nhiều phần: Phần trả nợ, phần tiếp tục tái đàn, phần để góp mở rộng vườn trại.
Ông Hà cho rằng, người làm nông thì phải có các sản phẩm đa dạng và mùa nào cũng cho sản phẩm để thu hoạch.
Với suy nghĩ ấy, đến năm 2016, vợ chồng ông Hà quyết định mở rộng quy mô trang trại, trồng thêm 400 gốc cam, 100 gốc bưởi, 150 gốc chanh và 100 gốc chanh đào.
“Với lợi thế có nguồn nước tự nhiên chảy quanh năm, tôi đã đào thêm 2.500 m² ao hồ vừa nuôi cá vừa để tích nước tưới cây vào mùa khô. Vì thế những gốc cam, bưởi này luôn xanh tốt và cho quả chất lượng, thương lái thường đến tận vườn để mua”, ông Hà chia sẻ.
Hiện nay, mô hình chăn nuôi tổng hợp của vợ chồng ông Hà luôn duy trì đàn lợn thịt với quy mô trên 400 con, hơn 1 héc ta đất trồng cây ăn quả (chủ yếu là cam, bưởi, chanh) và nhiều vật nuôi có giá trị kinh tế cao như bò, lợn rừng, gà sao.
“Trừ hết các chi phí, mỗi năm mô hình vườn trại này đã mang về cho gia đình nguồn thu hơn 300 triệu đồng. Số tiền 1 tỷ đồng đã trả xong. Gia đình cũng tích góp được ít vốn”, ông Hà vui mừng chia sẻ.
Không chỉ mang lại nguồn thu cho gia đình mà mô hình vườn trại của gia đình ông Hà còn giải quyết công ăn việc làm theo thời vụ cho 6 - 7 lao động ở địa phương.
"Các lao động làm theo thời vụ. Vào mùa làm cỏ, tỉa cành hay bón phân thì tôi thuê họ làm khoảng 1 - 2 tuần là xong. Thu nhập cũng tầm 2 đến 3 triệu đồng/người cho mỗi lần thuê", ông Hà cho biết.
Bà Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lưu Vĩnh Sơn cho biết, đây là mô hình nổi bật của xã. Từ năm 2016 bắt đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
“Nhiều Hội Nông dân của các xã, thị trấn lân cận đã lên đây để học hỏi kinh nghiệm từ mô hình chăn nuôi tổng hợp của ông Hà”, bà Nguyễn Thị Hoa cho biết.