Liên tục trúng các gói thầu lớn về xử lý chất thải, Biwase có gì?
Biwase trúng gói thầu xử lý chất thải 140,3 tỷ đồng
Công ty CP Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase, BWE) là nhà thầu duy nhất tham dự Gói thầu Thực hiện công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt TP. Thuận An (Bình Dương) năm 2023. Theo đó, Biwase sẽ thực hiện gói thầu này với giá gần 140,3 tỷ đồng.
Được biết, Biwase đưa ra giá thấp hơn 0,1% so với giá dự toán. Thời gian thực hiện hợp đồng 365 ngày, hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh.
Dữ liệu cho thấy, từ đầu năm 2023 đến nay, Biwase được công bố trúng 9 gói thầu trong lĩnh vực công ích với tổng giá trúng thầu 590,8 tỷ đồng.
Cuối tháng 1/2023, Biwase trúng Gói thầu Dịch vụ công ích (vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt) trên địa bàn thị xã Tân Uyên năm 2023 với giá 68,7 tỷ đồng (đạt tỷ lệ tiết kiệm 0,2%). Mới đây, không phải cạnh tranh về giá, Biwase trúng Gói thầu Dịch vụ xúc, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn TP. Dĩ An năm 2023 với giá 144,5 (tiết kiệm 0,13% sau đấu thầu) và Gói thầu Công tác vệ sinh đô thị, thuộc Dự án Công tác vệ sinh đô thị trên địa bàn TP. Thủ Dầu Một năm 2023 với giá 190,9 (tiết kiệm 1,7%).
Như vậy, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2023, giá trị trúng thầu trong lĩnh vực xử lý chất thải của Biwase đã vượt qua con số 436,4 tỷ đồng mà doanh nghiệp này đạt được trong cả năm 2022.
Trong năm 2021, Biwase được ghi nhận trúng 17 gói thầu với tổng giá trị khoảng 122,7 tỷ đồng.
Dữ liệu Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia cho thấy, Biwase tham gia 75 gói thầu, trong đó trúng 60 gói, trượt 5 gói, 6 chưa có kết quả, 4 gói đã bị huỷ. Tổng giá trị trúng thầu đạt hơn 1.435 tỷ đồng. Các tỉnh đã tham gia thầu gồm Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tầu, Bình Phước...
Biwase làm ăn thế nào?
CTCP Nước - Môi trường Bình Dương, có tiền thân là Trung tâm Cấp thủy Bình Dương, được thành lập từ trước năm 1975. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực khai thác, xử lý và cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt đô thị và công nghiệp. Ngoài ra, BWE cũng tham gia cung cấp dịch vụ thu gom, thoát nước và xử lý rác thải; tái chế phế liệu. Công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2016.
Những năm gần đây, tình hình kinh doanh của BWE khá tươi sáng. Dữ liệu cho thấy, giai đoạn 2017-2019, doanh thu thuần của công ty tăng trưởng đều đặn, lần lượt đạt 1.795,9 tỷ đồng; 2.197,5 tỷ đồng và 2.545,8 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 206,5 tỷ đồng; 325 tỷ đồng và 476,2 tỷ đồng.
Và 3 năm trở lại đây, công việc làm ăn của Biwase ngày càng tươi sáng. Doanh thu 2020 đạt, 3.025,3 tỷ đồng, tăng 19% so với năm trước đó, lợi nhuận sau thuế tăng 12,4% lên 535,4 tỷ đồng. Đến năm 2021, doanh thu thuần công ty đạt 3.119 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 755 tỷ đồng, tăng vọt hơn 41% so với năm 2020.
Và mới đây, Công ty cũng đã công bố tình hình kinh doanh năm 2022. Cụ thể, trong quý IV/2022, Biwase ghi nhận doanh thu 1.043 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm trước đó, lợi nhuận gộp giảm 12% xuống 337,4 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chín giảm 36,7% xuống 21,9 tỷ đồng, trong khi đó chi phí tài chính tăng tới 7,6 lần lên hơn 35 tỷ đồng, chi phí lãi vay ghi nhận gần 48 tỷ đồng. Các chi phí khác biến động không đáng kể.
Kết quả, trong quý IV/2022, Biwase báo lãi sau thuế đạt 170,3 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế cả năm, doanh thu thuần BWE đạt 3.483,7 tỷ đồng, tăng 11,7%; lợi nhuận sau thuế đạt 746,4 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2021.
Tổng tài sản tính tới 31/12/2022 đạt 9.987 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Tiền và các khoản tương đương tiền giảm 42% xuống 275,3 tỷ đồng; đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn tăng 45,3% lên 872 tỷ đồng; hàng tồn kho tăng nhẹ lên 713,8 tỷ đồng; chi phí xây dựng cơ bản dở dang ghi nhận gần 1.000 tỷ đồng; đầu tư vào công ty liên kết tăng gấp đôi lên 847,6 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, nợ phải trả tăng 6% lên 5.449 tỷ đồng; vay nợ ngắn hạn tăng 9,6% lên 1.326 tỷ đồng; nợ dài hạn tăng 13,5% lên 2.691,7 tỷ đồng. Tổng nợ vay chiếm hơn 40% nguồn vốn. Vốn chủ sở hữu tăng 15,6% lên 4.538 tỷ đồng.
Sắp tới 31/2/2023, Biwase sẽ tổ chức ĐHĐCĐ, bổ sung một số ngành nghề theo mục tiêu mở rộng phạm vi hoạt động.
Liên quan đến Biwase, mới đây HĐQT đã thông qua chủ trương đầu tư mua cổ phần 5 công ty hoạt động trong lĩnh vực nước. Tỷ lệ sở hữu dự kiến từ 50-100%. Nếu giao dịch thành công, các công ty này sẽ trở thành công ty con của BWE.
Cụ thể, các công ty sẽ được Biwase rót vốn gồm CTCP Đầu tư Hạ tầng nước DNP Long An; CTCP Công trình Đô thị Châu Thành; CTCP Công trình Đô thị Cần Giuộc; CTCP Nước và Môi trường Bằng Tâm và CTCP Đầu tư Hạ tầng nước DNP Quảng Bình.
Trong tổng số 5 doanh nghiệp nước kể trên, nổi bật nhất là CTCP Đầu tư Hạ tầng nước DNP Long An với vốn điều lệ trên 786 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực cấp nước. Công ty này thuộc hệ sinh thái của CTCP DNP Holding (HNX: DNP) - sở hữu tỷ lệ lợi ích 44.06%.
Hiện, DNP Holding sở hữu 15 nhà máy tại các tỉnh thành khác nhau trên cả nước, tổng công suất các sản phẩm nhựa là 8,500 tấn/tháng và 700,000 m3 nước sạch/ngày đêm.
Trở lại với Biwase, tính tới thời điểm 31/12/2022, "ông lớn" ngành nước sở hữu 2 công ty con và 4 công ty liên kết. Trong đó, CTCP Cấp thoát nước Cần Thơ (UPCoM: CTW) và CTCP Cấp nước Cần Thơ 2 là hai đơn vị mới nhất được BWE mua lại cổ phần hồi tháng 4/2022, qua đó ghi nhận là công ty liên kết. Nhân sự cấp cao của Biwase cũng đã tham gia vào việc điều hành tại hai công ty này.
Nếu các thương vụ trên thành công, Biwase sẽ sở hữu 7 công ty con.