Lo điện cho miền Bắc mùa nắng nóng cực kỳ căng thẳng

01/04/2022 17:11 GMT+7
Tập đoàn điện lực Việt Nam dự báo, mùa nắng nóng năm nay, đặc biệt từ tháng 5 đến tháng 7, việc đảm bảo điện cho miền Bắc sẽ gặp không ít khó khăn.

Lãnh đạo tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) vừa đi kiểm tra tình hình vận hành điện tại các nhà máy Nhiệt điện Uông Bí, Mông Dương và Quảng Ninh, chuẩn bị cho mùa nắng nóng sắp tới. 

EVN dự báo, mùa nắng nóng năm nay, đặc biệt từ tháng 5 đến tháng 7, việc đảm bảo điện cho miền Bắc sẽ gặp không ít khó khăn. Nhấn mạnh vai trò các nhà máy nhiệt điện ở phía Bắc, lãnh đạo EVN yêu cầu nâng cao hiệu quả vận hành các tổ máy. Cả 3 nhà máy cần chú trọng theo dõi, đánh giá thiết bị và ngăn ngừa kịp thời nguy cơ sự cố, cũng như thực hiện tốt công tác môi trường.

Lo điện cho miền Bắc mùa nắng nóng cực kỳ căng thẳng - Ảnh 1.

Đoàn công tác kiểm tra hiện trường tại Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương. Ảnh: EVN

Trước đó, EVN đã cảnh báo tình trạng thiếu than cho sản xuất điện, dẫn tới thiếu điện từ tháng 4 này. 

Trong quý 1/2022, tổng khối lượng than đã được cung cấp cho các NMNĐ của EVN là 4,49 triệu tấn trên tổng số 5,85 triệu tấn theo hợp đồng đã ký (tương ứng tỷ lệ 76,76%). Như vậy, lượng than được cung cấp đã thiếu hụt 1,36 triệu tấn so với khối lượng trong hợp đồng.

Do lượng than cung cấp thiếu và tồn kho ở mức thấp nên đến cuối tháng 3/2022, nhiều tổ máy nhiệt điện than trong hệ thống đã phải dừng và giảm phát. Cụ thể: các NMNĐ Nghi Sơn 1, Vũng Áng 1, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 hiện nay chỉ đủ than vận hành 1 tổ máy ở mức 60 – 70% công suất; NMNĐ Hải Phòng chỉ đủ than vận hành cho một trong 4 tổ máy. Do đó, toàn hệ thống điện quốc gia thiếu hụt tới hơn 3.000 MW nhiệt điện than do thiếu than cho sản xuất điện.

Để khắc phục những khó khăn do tình trạng thiếu than cho sản xuất điện, vừa qua các đơn vị vận hành nguồn và lưới điện của EVN đã có nhiều biện pháp đồng bộ để duy trì vận hành an toàn, ổn định cho hệ thống điện quốc gia.

Mặc dù các đơn vị cung cấp than (Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc) đã có nhiều nỗ lực trong việc khắc phục khó khăn để khai thác than từ các mỏ trong nước và nhập khẩu than để pha trộn, nhưng thông tin từ Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc cho biết, tình hình cung cấp than còn tiếp tục có nhiều khó khăn trong thời gian tới. Như vậy, nguy cơ thiếu than dẫn đến thiếu điện từ tháng 4 trở đi là rất hiện hữu.

Trong thời gian tới đây, nhất là vào thời điểm nắng nóng cao điểm của mùa khô năm 2022, công tác sản xuất điện từ nhiên liệu than đóng một vai trò hết sức quan trọng cho đảm bảo cung cấp điện, đặc biệt là các tháng 4, 5, 6, 7 tại khu vực miền Bắc.

EVN cho biết với tinh thần tìm mọi giải pháp khắc phục các khó khăn về cung cấp điện, nhất là ở khu vực miền Bắc, EVN đã báo cáo Chính phủ và các Bộ, ngành đề xuất một số giải pháp đồng bộ; trong đó, EVN đề xuất sớm có cơ chế phát triển nhanh các nguồn năng lượng tái tạo ở khu vực miền Bắc nhằm tránh nguy cơ thiếu điện.

Theo đề xuất, đến năm 2025 đưa vào vận hành thêm khoảng 5.500MW các nguồn điện năng lượng tái tạo (gồm 4.000MW điện gió và khoảng 1.500MW điện Mặt Trời kèm theo hệ thống lưu trữ phù hợp để đáp ứng nhu cầu công suất trong các giờ cao điểm tối).

Đồng thời, EVN cũng đề xuất cơ chế khuyến khích phát triển các nguồn điện mặt trời mái nhà với mục đích tự tiêu thụ cho nhu cầu phụ tải tại chỗ (không bán lên lưới).

Riêng về điện gió ngoài khơi, EVN cũng kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành xem xét bổ sung quy hoạch và chấp thuận của trương cho phép EVN triển khai đầu tư điện gió ngoài khơi khu vực Bắc bộ để tăng cường nguồn cấp điện khu vực phía Bắc và kết hợp đảm bảo an ninh quốc gia.

Trong bối cảnh nguồn điện khu vực Bắc đang có nhiều khó khăn, việc đề xuất cơ chế phát triển nhanh các nguồn năng lượng tái tạo ở khu vực miền Bắc cũng cần được xem xét là một trong những giải pháp phù hợp. 

Trong một báo cáo tính toán cập nhật cân đối cung cầu điện năm 2022 cho thấy, hệ thống đáp ứng đủ nhu cầu điện tại khu vực miền Trung và miền Nam. Riêng đối với khu vực miền Bắc, có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh vào một số thời điểm, đặc biệt khi thời tiết nắng nóng cao điểm.

Khu vực miền Bắc, nơi nhu cầu điện chiếm gần 50% toàn quốc và dự báo tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước.

Ngoài việc khẩn trương các nhóm giải pháp về vận hành, về bổ sung nguồn cung, về tăng cường năng lực truyền tải, EVN còn tính toán nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc.

Cụ thể, nhập khẩu khoảng 680 MW điện từ Lào về bổ sung cho miền Bắc.

Đối với Trung Quốc, đàm phán linh hoạt nhập khẩu điện qua các đường dây 220 kV hiện hữu, với công suất tối đa khoảng 550 MW đến năm 2025 và tăng công suất lên 2.000 MW từ năm 2025, qua các trạm Back-To-Back do phía Trung Quốc đầu tư.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục