Lỗ lũy kế hơn 600 tỷ, nợ của Licogi cao gấp 10 lần vốn chủ sở hữu
Tổng công ty Licogi - CTCP (mã CK: LIC) đã công bố BCTC hợp nhất quý II/2019 và lũy kế 6 tháng đầu năm 2019. Theo đó, quý II/2019 doanh thu thuần đạt hơn 406 tỷ đồng, giảm 35% so với quý II/2018.
Lỗ lũy kế vượt 600 tỷ
Trong cơ cấu doanh thu của công ty, doanh thu hợp đồng xây dựng đạt hơn 199 tỷ đồng, đóng góp 49% tổng doanh thu, giảm 25% so với cùng kỳ; Doanh thu kinh doanh hàng hóa, bất động sản cũng giảm mạnh 41%, đạt gần 178 tỷ đồng.
Doanh thu giảm mạnh, giá vốn cũng giảm đến 33%, kéo theo đó lãi gộp trong kỳ “bốc hơi” 48% so với cùng kỳ năm trước và chỉ đạt 40 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, doanh thu tài chính trong kỳ cũng giảm tới 62%. Trong khi đó, Licogi phải chi trả tới 22,5 tỷ đồng chi phí tài chính trong đó chủ yếu là lãi vay, 12,2 tỷ đồng chi phí bán hàng và 39,4 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp.
Licogi lý giải, doanh thu trong quý giảm là do sự khó khăn chung của thị trường xây dựng trong nước và sự sụt giảm doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh của CTCP Cơ khí Đông Anh Licogi (công ty con của Licogi).
Trong khi đó, tổng chi phí quý II/2019 đạt gần 441 tỷ đồng giảm 30% so với con số hơn 629 tỷ đồng của cùng kỳ do hầu như không phát sinh các khoản trích lập dự phòng phải thu, dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng đầu tư tài chính được hoàn nhập, các khoản chi phí duy trì các ban điều hành để quyết dự án thủy điện phát sinh ít và chi phí giá vốn giảm tương ứng với phần doanh thu sụt giảm.
Ngoài ra, hoạt động khác của Licogi trong quý cũng âm tới 6,9 tỷ đồng. Kết quả, Licogi tiếp tục chịu lỗ gần 27 tỷ đồng trong quý II/2019 trong khi đó lợi nhuận trước thuế của cùng kỳ năm trước đạt 46 tỷ và lãi ròng gần 43 tỷ đồng.
Cộng với số lỗ của quý I/2019, lợi nhuận trước thế của Licogi âm gần 66 tỷ đồng. Lỗ ròng 67,5 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lãi ròng 6 tỷ.
Năm 2019, Licogi đặt tham vọng doanh thu hơn 2.853 tỷ đồng và gần 80 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy với kết quả đạt được trong nửa đầu năm nay, đích đến về lợi nhuận và doanh thu của Licogi khó lòng đạt được.
Việc tiếp tục thua lỗ quý nửa đầu năm 2019 đã đẩy lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty tính đến hết tháng 6 là âm 600 tỷ đồng, bào mòn 2/3 vốn góp của chủ sở hữu. Vốn chủ sở hữu của Licogi tiếp tục giảm từ 480 tỷ đầu năm xuống 384 tỷ đồng vào cuối quý II.
Trong khi đó, dự án kinh doanh trọng điểm Khu đô thị Thịnh Liệt của Licogi cũng không có nhiều chuyển biến so với thời điểm đầu năm. Báo cáo tài chính cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Licogi mới chỉ rót thêm vào dự án này khoảng 40 tỷ đồng.
Đây là dự án có diện tích hơn 351 nghìn m2 đất, được giao cho Licogi làm chủ đầu tư xây dựng từ năm 2004. Tuy nhiên, sau 14 năm, dự án này vẫn nằm 'đắp chiếu' gây bức xúc cho người dân sống trong khu vực. Tới quý III/2018, Licogi mới thực hiện xin ý kiến cổ đông bằng văn bản kế hoạch phát hành 4.000 tỷ đồng trái phiếu của công ty con Công ty TNHH MTV Nhà ở và Đô thị Licogi để đầu tư Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội).
Áp lực nợ vay, người của SCIC lên ngồi “ghế nóng”.
Kinh doanh mất vốn cũng khiến tình hình tài chính của Licogi trở nên “căng thẳng”, khi tổng nợ phải trả tại thời điểm 30/6/2019 đã gấp hơn 10 lần vốn chủ sở hữu, đạt 4.124 tỷ đồng và chiếm đến 91% tổng nguồn vốn.
Trong đó chỉ tính riêng nợ phải trả ngắn hạn đã là 3.678 tỷ đồng. Còn nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn lên tới 1.830 tỷ đồng, gấp gần 5 lần vốn chủ sở hữu và khoản nợ vay dài hạn gần 113 tỷ đồng. Riêng công ty mẹ số nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn đã lên tới 1.110 tỷ đồng.
Trong khi áp lực nợ vay là không nhỏ, tài sản ngắn hạn của Licogi chỉ còn 2.149 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với tổng nợ phải trả ngắn hạn. Bên cạnh đó, chiếm phần lớn tài sản ngắn hạn là các khoản phải thu (1.164 tỷ đồng), hàng tồn kho (788 tỷ đồng), còn số dư tiền và các khoản tương đương chỉ còn 131 tỷ đồng. Điều đó cho thấy Licogi đang gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ đến hạn.
Báo cáo tài chính của Licogi cho thấy, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vẫn chưa thể dương trở lại khi âm 41 tỷ đồng. Nhờ lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính và hoạt động đầu tư nên sóng tiền thuần trong kỳ của Licogi vẫn dương 22 tỷ đồng.
Trong một diễn biến khác, Licogi mới đây đã ra quyết định bầu ông Đinh Việt Tùng (sinh năm 1974), thành viên HĐQT giữ chức Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2016 – 2020.
Ông Tùng chính là đại diện phần vốn Nhà nước tại Licogi, cụ thể là người của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Tại đại hội đồng cổ đông Licogi năm 2019, ông Đinh Việt Tùng cùng ông Ưng Tiến Đỗ và ông Nguyễn Danh Quân là những người đầu bầu vào thành viên HĐQT Ligcogi thay thế cho các ông Dương Xuân Quang (nghỉ hưu) và ông Hoàng Quốc Quân.
Trước đó, ông Tùng từng đảm nhiệm các chức vụ quan trọng tại các công ty mà SCIC có vốn đầu tư như Chủ tịch HĐQT CTCP Vận tải Đa phương thức Vietransimex, Phó Tổng giám đốc Vinaconex, Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển Hạ tầng KCN Thái Nguyên…
Được biết, Licogi là một tổng công ty chuyên ngành xây lắp thuộc Bộ Xây dựng. Từ khi thành lập năm 1960 đến nay, Licogi đã tham gia thi công nhiều công trình lớn có ý nghĩa quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng…
Tiền thân của Licogi là Công ty Thi công Cơ giới trên cơ sở Đoàn thi công cơ giới thuộc Bộ Thủy lợi-Kiến trúc, thành lập ngày 8/8/1960. Công ty này được thành lập dựa trên sự hợp nhất của Công trường cơ giới 10 Sơn Tây, 15 Thanh Hóa, 32 Việt Trì, 64 Thác Bà, 68 Hoàng Thạch, Đội cơ giới 7 Hà Bắc….
Trải qua rất nhiều lần hợp nhất, chuyển giao phần vốn Nhà nước giữa các bộ ngành, vào ngày 18/10/2013, Bộ Xây dựng quyết định chuyển giao quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu phần vốn Nhà nước của Licogi từ Tập đoàn Sông Đà về Bộ Xây dựng.
Sau đó, Licogi tổ chức IPO tại HNX và chào bán thành công 100% số cổ phần đưa ra đấu giá. Ngày 19/12/2015, doanh nghiệp này đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất và cuối năm 2015 đăng ký hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.
Hiện tại, vốn điều lệ của Licogi là 900 tỷ đồng. Trong đó, SCIC hiện sở hữu gần 41% cổ phần tại Licogi và có kế hoạch thoái vốn trong năm nay.
Ngoài ra, Công ty TNHH Đầu tư và kinh doanh BĐS Khu Đông (315 tỷ), còn lại các cổ đông khác chiếm tỷ lệ 24,29% trong số 900 tỷ vốn chủ sở hữu của Licogi.