Mạng xã hội nghìn tỉ “Made in VietNam” Lotus có thể soán ngôi Facebook, Instagram?

09/09/2019 11:20 GMT+7
Sáng 09.09, Công ty cổ phần (CTCP) VCCorp tổ chức họp báo giới thiệu mạng xã hội (MXH) “Made in VietNam” – Lotus. Theo ông Nguyễn Thế Tân, tổng giám đốc VCCorp cho biết, MXH Lotus được phát triển trên tiêu chí “Nội dung là Vua!”, các thức hoạt động dựa trên cơ sở của hơn 500 nhà sáng tạo nội dung (Creators) và các đơn vị truyền thông, báo chí.

Theo thông tin từ VCCorp, MXH Lotus hoạt động trên cơ chế phân phối nội dung của người sử dụng sáng tạo tới tay các độc giả. Để có nội dung ban đầu tốt, hiện tại, Lotus hợp tác với hơn 500 nhà sáng tạo nội dung (Creators) trong hơn 20 lĩnh vực khác nhau (giáo dục, kinh tế, nhiếp ảnh, viết truyện,…) và trên 30 cơ quan báo chí (VTV, Tuổi trẻ, Lao động, Thanh niên, Dân trí, Dân Việt…).
Ngoài ra, tại buổi họp báo, đại diện VCCorp cũng cho biết thêm, MXH Lotus có hướng đi riêng khi xây dựng các cách thức để có nguồn doanh thu cho các Creator. Cụ thể, mảng quảng cáo của Admincro của VCCorp đang tiếp cận với 10 nghìn nhãn hàng, hệ thống công nghệ…
Với hệ thống 300 chuyên viên tư vấn và bán hàng, Lotus đảm bảo cho các Creator sau khi sáng tạo nội dung sẽ có nguồn thu quảng cáo ngay lập tức. Ngoài ra, Lotus còn xây dựng các mô hình kiếm tiền khác dựa trên sự tương tác, thử thách, hoạt động với độc giả.

Ông Nguyễn Thế Tân, tổng giám đốc VCCorp chủ trì buổi họp báo giới thiệu MXH Lotus sáng 09.09.

 
Cụ thể, MXH Lotus sẽ không kết nối các user qua cơ chế “kết bạn” mà sẽ theo hướng “quan tâm/theo đuôi, làm fan nguồn thông tin”. Trong quá trình sử dụng, người dùng Lotus sẽ có thể tích lũy “token” (một dạng tiền ảo - PV) bằng cách tạo ra các nội dung.
Đối với các nội dung của Creators hoặc user khác, người sử dụng Lotus có thể cổ vũ, khích lệ bằng cách ủng hộ thông qua token thay vì like hoặc bày tỏ cảm xúc như Facebook.
Theo ông Nguyễn Thế Tân, tổng giám đốc VCCorp đánh giá, với việc hoạt động theo cách thức hoàn toàn mới sẽ gặp rất nhiều thách thức về mặt công nghệ.
“Với việc xây dựng MXH tạo ra nguồn doanh thu trực tiếp, rất có thể trong tương lai sẽ xuất hiện tình trạng hack, crack. Bên cạnh việc vận hành các hoạt động tương tác về nội dung một cách hoàn thiện, đây cũng là thách thức về mặt công nghệ, tuy nhiên, tôi tự tin đội ngũ của VCCorp đủ khả năng để kiểm soát.” Ông Tân khẳng định.
Cũng theo thông tin của ông Tân, với nền tảng đội ngũ công nghệ của VCCorp, nhiệm vụ chính của đơn vị phát triển MXH Lotus vẫn trên cơ sở lấy “Nội dung là Vua!”.
“Chúng tôi tập chung phát triển Lotus được xây dựng trên 3 trục chính là nội dung, sản phẩm, cộng đồng. Những nội dung này đến từ các cơ quan báo chí, có tính kiểm chứng, chính thống, nhà sản xuất nội dung giải trí, phim, truyện, soft video, chuyên gia, bloger… Thực ra hình thức này đã từng thấy như truyền hình K+, lấy nội dung giải bóng đá ngoại hạng Anh làm trung tâm, hay rạp chiếu phim CGV…” ông Tân nói.

Các khách mời sử dụng thử MXH Lotus tại buổi họp báo.


Theo một đại diện của VCCorp, hiện nay, đã có rất nhiều Creators uy tín và người nổi tiếng có cam kết hợp tác phát triển MXH Lotus.
“Cách làm của chúng tôi là lắng nghe nhu cầu của các Creators, người nổi tiếng để đa dạng hóa cách làm. Trong 500 Creators đã có rất nhiều người có cam kết sáng tạo độc quyền cho Lotus.
Với những người nổi tiếng, Lotus đã nhận ra nhiều nhu cầu của họ cần mà các MXH chưa mang lại được như với hoa hậu H’Hen Niê, cô luôn muốn tăng tương tác với fan, tổ chức các chương trình thiện nguyện. Hay như với ca sĩ đang rất nổi là Jack cũng đã có cam kết với hợp tác với Lotus nhằm tổ chức các nội dung giải trí thông qua kênh MXH.” Đại diện này cho biết.
Theo thông tin VCCorp, dự án MXH Lotus được thành lập, đầu tư và phát triển với sự tham gia vốn của các doanh nghiệp và cá nhân trong nước, tổng giá trị dự án lên tới 1.200 tỉ đồng.
"Dự án đã huy động được 700 tỉ từ VCCorp và một số nhà đầu tư trong nước. Chúng tôi dự kiến tiếp tục kêu gọi thêm 500 tỉ trong giai đoạn đầu để sẵn sàng nguồn lực cho việc phát triển lâu dài" - tổng giám đốc VCCorp cho hay.

Ông Nguyễn Thế Tân, tổng giám đốc VCCorp phát biểu tại họp báo.


Được biết, trong 4 tháng gần đây, các doanh nghiệp trong nước phát triển liên tiếp 3 mạng xã hội gây sự chú ý của dư luận. Cụ thể, tháng 6-2019, mạng xã hội Hahalolo (của Công ty cổ phần Mạng xã hội du lịch Hahalolo) ra mắt tại thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 7-2019, mạng xã hội Gapo (của Công ty cổ phần Công nghệ Gapo) chính thức ra mắt người dùng tại Hà Nội.
Nói về việc xây dựng MXH “made in Vietnam”, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, nếu Việt Nam không có MXH của riêng mình thì “não người Việt ở nước ngoài”.
“Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng MXH để số người dùng sản phẩm trong nước tương đương với MXH nước ngoài, não người Việt phân tán đều, để không bất kỳ nhà mạng nào nào thu thập được tất cả thông tin”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Tuy nhiên, với việc các mạng xã hội nước ngoài như Facebook, Google vẫn đang "thống trị" thì liệu các mạng xã hội “Made in VietNam” có cơ hội để phát triển?

Thanh Phong
Tags:
Cùng chuyên mục