MayBank KimEng hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 xuống 5,4%
Các nhà kinh tế từ Maybank KimEng (MBKE) gồm TS. Chua Hak Bin và Linda Liu nhận định nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức do những gián đoạn trong đợt bùng phát dịch Covid-19 mới đây.
MBKE hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 khi làn sóng dịch Covid-19 thứ tư tấn công nền kinh tế
Khi làn sóng dịch Covid-19 thứ tư làm chậm lại đà phục hồi kinh tế, các nhà phân tích MBKE ước tính tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2021 sẽ đạt khoảng 5,4%, giảm so với mức dự báo 6,5% trước đó. Dự báo này dựa trên giả định rằng tác động của làn sóng dịch mới nhất sẽ kéo dài trong khoảng một quý trước khi các hoạt động kinh tế được bình thường hóa và bắt đầu phục hồi vào cuối quý III, đầu quý IV.
MBKE ước tính tăng trưởng GDP năm 2022 sẽ ở mức 6,7% như dự báo trước đó.
Làn sóng dịch Covid-19 thứ tư bùng phát nhanh chóng đã buộc chính phủ thắt chặt các biện pháp phong tỏa kiểm dịch tại thành phố Hồ Chí Minh - địa phương đóng góp tới 22% GDP toàn nền kinh tế. Các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt cũng đang được áp dụng tại thủ đô Hà Nội, nơi đóng góp 16% GDP quốc gia, và 18 tỉnh thành khác trên cả nước kể từ giữa tháng 7.
Các chỉ số đo lường sự di chuyển của người dân cho thấy lượng di chuyển giảm mạnh 65% so với thời điểm trước làn sóng Covid-19 vừa qua. Doanh số bán lẻ do đó giảm mạnh 19,8%, tháng giảm thứ ba liên tiếp.
Sản lượng công nghiệp chậm lại
Theo các nhà kinh tế MBKE, tăng trưởng sản lượng công nghiệp của Việt Nam trong tháng 7 đã giảm tốc từ mức 4,9% được ghi nhận trong tháng 6 xuống 2,2% trong tháng 7, chủ yếu do sự sụt giảm sản lượng ngành sản xuất và khai khoáng. Các ngành điện & khí đốt, phân phối cấp thoát nước… là những ngành hiếm hoi vẫn duy trì sản lượng tăng đều do ít bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát dịch gần đây.
Ngành sản xuất ghi nhận sản lượng tăng chậm 2,9% trong tháng 7 từ mức tăng mạnh mẽ 6% trong tháng 6. Trong đó, sản lượng sản xuất máy tính, điện tử và thiết bị quang học ghi nhận tháng giảm thứ hai liên tiếp với mức giảm bình quân -4,7%. Sản lượng thiết bị điện tử tiêu dùng và linh kiện điện tử đều giảm hai con số. Hầu hết các mặt hàng phi điện tử cũng ghi nhận sản lượng lao dốc, dẫn đầu là sự sụt giảm trong lĩnh vực sửa chữa - bảo dưỡng máy móc thiết bị (-10,5%), đồ uống (-9%), thuốc lá (-8,5%).
Điểm sáng hiếm hoi trong sản lượng công nghiệp của cả nước nằm ở mức tăng trưởng của ngành luyện kim cơ bản (30,2%), than đá & dầu mỏ tinh luyện ( 22,2%) và sản phẩm gỗ (+13,3%).
Thâm hụt thương mại tăng khi xuất khẩu suy yếu
Các nhà phân tích MBKE chỉ ra rằng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã chậm lại trong tháng 7 do sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung và diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trong nước nói riêng buộc nhiều nhà máy tạm ngừng hoạt động.
Kim ngạch xuất khẩu trong tháng 7 chỉ tăng 8,4%, giảm mạnh từ mức tăng 20,4% đạt được hồi tháng 6. Dẫn đầu xu hướng suy yếu là sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu mặt hàng máy tính & điện tử (-13,9%). Kim ngạch xuất khẩu máy móc & thiết bị cũng suy yếu rõ rệt từ mức tăng 24% trong tháng 6 xuống còn 15,8% trong tháng 7. Xuất khẩu hàng dệt may, giày dép không nằm ngoài xu hướng chậm lại.
Riêng xuất khẩu smartphone gây bất ngờ với đà tăng 0,4%, phục hồi từ mức giảm 9,6% hồi tháng 6.
Tính theo thị trường, kim ngạch xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chính ngoại trừ Trung Quốc đều suy giảm trong tháng 7. Trong đó Mỹ, châu Âu và Hàn Quốc là 3 thị trường chứng kiến giá trị xuất khẩu giảm nhiều nhất. Xuất khẩu sang ASEAN và Nhật Bản không nằm ngoài xu hướng yếu đi, nhưng vẫn duy trì ở mức tăng trưởng dương lành mạnh lần lượt là 14,5% và 5,7%.
Thị trường Trung Quốc là điểm sáng duy nhất của xuất khẩu, khi kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc tăng từ mức 14,8% trong tháng 6 lên 17% trong tháng 7.
Kim ngạch nhập khẩu suy yếu nhẹ so với mức tăng trưởng 34,3% hồi tháng 6 nhưng vẫn đạt mức tăng 29,9% khá mạnh mẽ. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu ô tô tăng 73,5%, hóa chất tăng 65,5%, các mặt hàng trung gian như nhựa tăng 56%, nguyên phụ liệu dệt & da tăng 41% và linh kiện điện thoại tăng 35,2%.
Do kim ngạch xuất khẩu suy giảm, cán cân thương mại trong tháng 7 tiếp tục rơi vào vùng thâm hụt với mức thâm hụt tăng lên 1,7 tỷ USD. Như vậy, từ đầu năm đến nay, thâm hụt thương mại của nước ta đạt 2,7 tỷ USD.
Phân tích của các nhà kinh tế MBKE dựa trên các dữ liệu thương mại sơ bộ của Cục Thống kê Quốc gia và có thể sẽ được sửa đổi, bổ sung trong những tháng tiếp theo.
Lạm phát tăng do giá lương thực lên cao
Lạm phát toàn phần tăng 2,6% trong tháng 7, từ mức tăng 2,4% trong tháng 6, chủ yếu do lạm phát lương thực phục hồi trở lại mức 0,5% so với mức -0,3% hồi tháng 6. Chi phí nhà ở, vật liệt xây dựng cũng tăng 4,4%. Những mức tăng này bù đắp sự hạ nhiệt của lạm phát trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Theo Tổng cục Thống kê, sự gia tăng lạm phát lương thực một phần là do nhu cầu mua, tích trữ lương thực của người dân tăng cao khi các biện pháp phong tỏa kiểm dịch nghiêm ngặt được áp đặt trở lại trong làn sóng dịch thứ tư.
Các nhà kinh tế MBKE cắt giảm dự báo lạm phát toàn phần năm 2021 xuống mức 3,2% từ mức dự kiến 3,5% trước đó. Ngoài ra, duy trì dự báo lạm phát bình quân 3,8% cho năm 2022. Theo MBKE, áp lực giá nhìn chung sẽ thấp hơn nhiều so với mức lạm phát mục tiêu 4% của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Ngoài ra, MBKE cũng kỳ vọng NHNN sẽ giữ mức lãi suất tái cấp vốn ổn định ở khoảng 4% trong năm 2021 để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Dự báo tỷ giá USD/ VND duy trì quanh mức ổn định 22.600 VND đổi 1 USD vào cuối năm nay.
Hôm 19/7, NHNN đã đạt được thỏa thuận với Bộ Tài chính Mỹ nhằm giải quyết các mối quan ngại của phía Mỹ với chính sách tiền tệ trong nước. Theo đó, NHNN cam kết minh bạch trong chính sách tiền tệ và tỷ giá hối đoái. Các nhà phân tích MBKE cho rằng động thái này là tin tốt lành giúp loại bỏ một số rủi ro trong ngắn hạn, chẳng hạn nguy cơ Mỹ áp đặt thuế quan trừng phạt với Việt Nam.