Maybank KimEng: Tăng trưởng GDP Việt Nam quý IV ước đạt 4,5%

30/11/2020 15:52 GMT+7
Các nhà nghiên cứu từ MayBank KimEng mới đây vừa đưa ra công bố báo cáo kinh tế Việt Nam trong tháng 11, qua đó dự báo triển vọng phục hồi mạnh mẽ trong quý IV/2020.

Trong báo cáo kinh tế Việt Nam tháng 11, các nhà phân tích của Maybank KimEng (MBKE) gồm TS. Chua Hak Bin và Linda Liu dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam quý IV đạt 4,5% do nhiều tín hiệu sáng trong sản lượng công nghiệp.

Sản lượng công nghiệp tăng mạnh

Maybank KimEng: tăng trưởng GDP Việt Nam quý IV ước đạt 4,5% - Ảnh 1.

Sản lượng công nghiệp Việt Nam chứng kiến sự tăng vọt trong tháng 11

Theo MBKE, sản lượng công nghiệp Việt Nam chứng kiến sự tăng vọt từ mức 3,9% hồi tháng 10 lên mức 9,2% trong tháng 11, dẫn đầu bởi lĩnh vực sản xuất và điện - khí đốt. Hoạt động khai thác vẫn trên đà giảm tốc nhưng với tốc độ chậm hơn, từ mức -11,4% trong tháng 10 xuống -6,1% trong tháng 11 do sản lượng khai thác than tăng 15,5% và quặng kim loại tăng 8,8%. Những mức tăng này giúp bù đắp phần nào sự suy giảm sản lượng dầu thô, khí tự nhiên (-13,2%).

Lĩnh vực sản xuất tăng vọt từ mức 5,9% hồi tháng 10 lên 11,9% trong tháng 11 nhờ sự mở rộng rõ rệt ở cả hai mảng sản xuất điện tử và phi điện tử. Sản lượng máy tính, linh kiện điện tử và quang học tăng mạnh từ mức 12,7% hồi tháng 10 lên 18,9% trong tháng 11, tức tháng thứ ba liên tiếp đạt mức tăng hai con số. Mức tăng được thúc đẩy bởi sản lượng thiết bị thông tin liên lạc (tăng 20,5%) và linh kiện điện tử (tăng 4,2%). Trong khi đó, sản xuất điện tử tiêu dùng giảm từ mức tăng đột biến 49,5% hồi tháng trước xuống còn 29% trong tháng 11, nhưng vẫn là bước tiến mạnh mẽ.

Khu vực sản xuất phi điện tử tiếp tục phục hồi khi sản lượng than & dầu mỏ tinh chế tăng vọt 125%, dược phẩm tăng 19,9%, kim loại cơ bản tăng 39% và đồ nội thất tăng 15,8%. Một số lĩnh vực chứng kiến sự cải thiện rõ rệt như dệt may (tăng 1,3% từ mức giảm -5% hồi tháng 10), hàng may mặc (tăng 3,6% so với mức giảm -3,1% hồi tháng 10) và sản phẩm da thuộc (tăng 0,7%).

Thặng dư thương mại tiếp tục thu hẹp khi xuất khẩu giảm

Kim ngạch xuất khẩu tăng 8,8% trong tháng 11, giảm từ mức tăng 12,2% một tháng trước đó khi xuất khẩu hàng dệt may và giày dép đều giảm tốc.

Cụ thể, kim ngạch xuất hàng dệt may lao dốc từ mức -4,7% hồi tháng 10 xuống -22,5% trong tháng 11. Kim ngạch xuất khẩu giày dép cũng giảm từ -12,3% trong tháng 10 xuống còn -17,7% trong tháng 11 khi nhu cầu quốc tế giảm mạnh vì đợt bùng phát tiếp theo của đại dịch Covid-19, nhất là tại các thị trường đối tác thương mại lớn như EU.

Kim ngạch xuất khẩu smartphone tăng 4,6%, nhích nhẹ so với mức tăng 3,5% hồi tháng 10.

Mặt hàng máy tính và linh kiện điện tử cũng tăng 14,4% trong khi các lô hàng máy móc tăng 55%, vẫn ghi nhận tăng trưởng hai con số nhưng tốc độ tăng đang dần chậm lại.

KIm ngạch nhập khẩu trong khi đó tăng mạnh từ mức 9,2% hồi tháng 10 lên 13,4% trong tháng 11 do mức tăng đột biến các lô hàng trung gian như linh kiện điện thoại (+66,3%), dây và cáp cách điện (54,1%), linh kiện điện tử và máy tính (39,6%).

Do xuất khẩu giảm nhẹ còn nhập khẩu tăng, thặng dư thương mại trong tháng 10 đã giảm từ mức 2,9 tỷ USD trong tháng 10 xuống chỉ còn 600 triệu USD trong tháng 11. Như vậy, cán cân thương mại năm nay tính đến hết tháng 11 hiện ở mức thặng dư 19,9 tỷ USD.

Xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc ở mức hai con số

Kim ngạch xuất khẩu sang hai thị trường lớn là Trung Quốc và Mỹ vẫn tăng mạnh. Cụ thể, các lô hàng xuất sang Mỹ tăng 41,5% trong tháng 11 còn các lô hàng đến Trung Quốc tăng 19,6%, cải thiện rõ rệt so với mức tăng hồi tháng 10.

Kim ngạch xuất khẩu sang ASEAN có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn chứng kiến mức giảm -1,2%. Xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng trở lại lãnh thổ tích cực 4,2% sau 3 tháng rơi vào lãnh thổ tiêu cực.

Ngược đà phục hồi, xuất khẩu sang thị trường EU (-4,9%) và Nhật Bản (-21,7%) lại chìm trong sắc đỏ. 

Lạm phát toàn phần thấp nhất trong hơn 4 năm

Maybank KimEng: tăng trưởng GDP Việt Nam quý IV ước đạt 4,5% - Ảnh 3.

Lạm phát toàn phần giảm xuống mức 1,5% trong tháng 11, mức thấp nhất trong hơn 4 năm

Lạm phát toàn phần giảm mạnh từ mức 2,5% hồi tháng 10 xuống 1,5% trong tháng 11, tức mức thấp nhất kể từ tháng 2/2016 đến nay.

Phần lớn nguyên nhân là do lạm phát lương thực giảm từ mức 9,5% hồi tháng 10 xuống chỉ còn 6,6% trong tháng 11. Một nguyên nhân còn lại là do hiệu ứng lạm phát cao trong tháng 4/2019 khiến cho mức tăng lạm phát năm nay trở nên thấp tương đối. 

Ngành giao thông vận tải cũng chứng kiến tháng giảm phát thứ 9 liên tiếp (-13,5%) khi giá xăng dầu ở mức thấp. Chi tiêu cho các hoạt động văn hóa, giải trí và du lịch cũng ghi nhận mức giảm -2,2% do nhu cầu du lịch, giải trí vẫn ảm đạm.

Nhìn chung, áp lực lạm phát tiềm ẩn vẫn còn bất chấp sự phục hồi kinh tế. 

Các nhà phân tích MBKE vẫn duy trì dự báo chỉ số lạm phát CPI bình quân ở mức 3,3% trong năm 2020 và 3% cho cả năm 2021. Lạm phát toàn phần có thể giảm xuống dưới 1% vào tháng 12 sắp tới và duy trì giảm phát tạm thời đến tháng 1/2021.

Dự báo tăng trưởng GDP quý IV đạt 4,5%

Theo MBKE, dữ liệu kinh tế tháng 11 báo hiệu triển vọng sáng cho sự phục hồi kinh tế trong năm 2021. Các nhà nghiên cứu MBKE dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam quý IV ước đạt 4,5%, tăng từ mức 2,6% đạt được hồi quý III nhờ sản lượng sản xuất và xây dựng hồi phục vững chắc.

Lĩnh vực dịch vụ được dự báo sẽ phục hồi chậm hơn phần còn lại của nền kinh tế, nhưng một số dấu hiệu khởi sắc trong chi tiêu cá nhân và doanh số bán lẻ cho thấy các ngành dịch vụ ngoại trừ du lịch vẫn có thể là điểm sáng. Ví dụ, doanh số bán lẻ tăng 8,5% trong tháng 11, bứt phá từ mức 6,8% hồi tháng 10 nhờ doanh thu bán hàng tăng vọt.

MBKE cũng duy trì dự báo tăng trưởng GDP ở mức 2,9% trong năm 2020 và 6,8% trong năm 2021. Làn sóng dịch Covid-19 tiếp theo có thể là mối đe dọa lớn với nền kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng, nhưng những tín hiệu tích cực về vaccine Covid-19 đã cho thị trường một sự lạc quan tương đối. Dự kiến NHNN vẫn duy trì mức lãi suất tái cấp vốn ổn định ở khoảng 4% trong năm 2021 để hỗ trợ nền kinh tế. Dự báo tỷ giá USD/ VND duy trì quanh mức ổn định 23.000 VND đổi 1 USD vào cuối năm nay.


NTTD
Cùng chuyên mục