MBKE hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam quý III xuống 3%

31/08/2021 15:02 GMT+7
Các nhà kinh tế từ Maybank KimEng (MBKE) gồm TS. Chua Hak Bin và Linda Liu nhận định tăng trưởng kinh tế Việt Nam tiếp tục giảm tốc trong tháng 8 khi dịch Covid-19 bùng phát cản trở đà phục hồi.

MBKE hạ dự báo tăng trưởng GDP quý III xuống 3%

Trong bối cảnh làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 phủ bóng ảm đạm lên triển vọng tăng trưởng từ nay đến cuối năm, MBKE hạ dự báo tăng trưởng GDP quý III xuống 3% so tác động của các biện pháp hạn chế kiểm dịch nghiêm ngặt tại nhiều tỉnh thành. Dù vậy, MBKE vẫn duy trì dự báo tăng trưởng ở mức 5,4% cho cả năm 2021.

Mặc dù các biện pháp giãn cách xã hội đã được áp dụng tại nhiều tỉnh thành, trong đó có hai trung tâm kinh tế Hà Nội và TP Hồ Chí Minh suốt gần 2 tháng qua, nhưng số ca nhiễm Covid-19 trong nước vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Các ca nhiễm mới hàng ngày tiếp tục tăng lên mức cao kỷ lục mới trong tháng 8.

MBKE hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam quý III xuống 3% - Ảnh 1.

Tốc độ tiêm chủng của Việt Nam so với một số quốc gia trên thế giới

Theo MBKE, tỷ lệ tiêm chủng thấp là một phần nguyên nhân khiến số ca nhiễm Covid-19 do biến thể Delta dễ lây lan vẫn tiếp tục tăng lên tại Việt Nam. Tính đến ngày 26/8, có khoảng 16,9% dân số đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin và chỉ 2,3% dân số đã được tiêm chủng đủ 2 liều. Có dấu hiệu cho thấy tỷ lệ tiêm chủng đang tăng nhanh ở các khu vực điểm nóng dịch bệnh, chẳng hạn như Thành phố Hồ Chí Minh (63,3% dân số tiêm ít nhất một liều), Long An (36% dân số tiêm ít nhất một liều) và Bình Dương (30% dân số tiêm ít nhất một liều) 

Dựa trên tỷ lệ tiêm chủng hiện tại, MBKE dự báo Việt Nam sẽ đạt tỷ lệ tiêm chủng 70% dân số vào khoảng tháng 8/2020.

MBKE hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam quý III xuống 3% - Ảnh 2.

MBKE hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam quý III xuống 3% khi làn sóng dịch mới nhất cản trở đà phục hồi (Ảnh: Reuters)

Để đối phó với làn sóng dịch mới nhất, Chính phủ đã công bố gói tài khóa mới trị giá 26 nghìn tỷ đồng(1,1 tỷ USD, tương đương 0,4% GDP) để hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh. Một gói hỗ trợ khác ước tính trị giá khoảng 24 nghìn tỷ đồng (1,05 tỷ USD, tương đương 0,4% GDP) về thuế phí cũng đang được Chính phủ xem xét.

Sản xuất giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2020

Theo MBKE, nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với thách thức lớn khi sản lượng công nghiệp và xuất khẩu giảm tốc mạnh mẽ do các biện pháp hạn chế kiểm dịch trong đợt bùng phát dịch Covid-19 gần đây do biến thể Delta gây ra.

Cụ thể, sản lượng công nghiệp (IP) tiếp tục giảm tốc -7,4% trong tháng 8, giảm mạnh so với mức -0,3% đã điều chỉnh hồi tháng 7. Đây cũng là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2020 (-9,6%) đến nay. 

Ngành sản xuất ghi nhận mức giảm -9,2% trong tháng 8, thúc đẩy bởi sự sụt giảm trên diện rộng sản lượng sản phẩm điện tử và phi điện tử. Sản lượng máy tính, linh kiện điện tử và quang học trở lại vùng tiêu cực với mức giảm 7%, đảo ngược mức tăng 1,4% hồi tháng 7 do sự sụt giảm mạnh mẽ các mặt hàng điện tử tiêu dùng (-38,2%), linh kiện điện tử (-8,1%) và thiết bị truyền thông (-2,5 %). Sản lượng sản phẩm phi điện tử cung suy yếu tương tự do đà lao dốc của ngành sửa chữa, bảo dưỡng máy móc & thiết bị (-37,7%), sản phẩm da (-28,3%), thuốc lá (-23,8%), đồ uống (-22,8%) và đồ nội thất (-20,9%).

Các nhà phân tích MBKE nhận định hoạt động sản xuất trong nước sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm mạnh trong những tháng tiếp theo do các biện pháp hạn chế kiểm dịch đang được áp dụng dẫn đến một số nhà máy phải tạm ngừng hoạt động hoặc giới hạn năng suất hoạt động (khoảng 50-70% công suất thông thường). 

Kim ngạch xuất khẩu giảm lần đầu tiên kể từ tháng 2 đến nay

Các biện pháp hạn chế kiểm dịch nghiêm ngặt làm trầm trọng thêm sự gián đoạn chuỗi cung ứng, khiến kim ngạch xuất khẩu giảm tốc -5,4% trong tháng 8 qua từ mức tăng 11,9% đạt được hồi tháng 7. Đây là lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sụt giảm kể từ tháng 2 đến nay. Trong đó, các ngành sụt giảm mạnh mẽ nhất là giày dép (-38,5%), sản phẩm gỗ (-26,9%) máy tính và linh kiện điện tử (-12%) và hàng dệt may (-9,2%) khi hàng loạt nhà máy trọng điểm ở miền Nam bao gồm TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai phải tạm ngừng hoạt động hoặc giảm công suất sản xuất để đảm bảo giãn cách. Xuất khẩu máy móc & thiết bị dù vẫn ghi nhận mức tăng trưởng 12,6% nhưng giảm mạnh so với mức 26,9% đạt được hồi tháng 7, đồng thời là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ tháng 5/2020 đến nay.

Điểm sáng duy nhất thuộc về mặt hàng smartphone với kim ngạch xuất khẩu tăng 10,5% trong tháng 8, tăng nhẹ từ mức 10,3% hồi tháng 7. Tính theo giá trị tuyệt đối, kim ngạch xuất khẩu smartphone ước tính đạt 5,9 tỷ USD trong tháng 8, tháng cao thứ hai kể từ đầu năm đến nay.

Xét trên góc độ các thị trường, kim ngạch xuất khẩu cũng giảm mạnh ở hàng loạt thị trường chính như Trung Quốc (-2,6%), châu Âu (-2,2%) và Hàn Quốc (-1,1%) ). Xuất khẩu sang Mỹ tăng nhẹ 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn tụt mạnh so với mức tăng 10,9% đạt được trong tháng 7. Xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và ASEAN cũng chậm lại dù vẫn nằm trong lãnh thổ tích cực.

Trong khi đó, nhập siêu tăng nhẹ lên 1,3 tỷ USD so với mức 1,2 tỷ USD hồi tháng 7. Cán cân thương mại tổng thể ghi nhận mức thâm hụt 3,7 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2021. 

Lạm phát tiếp tục tăng do gián đoạn chuỗi cung ứng

MBKE hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam quý III xuống 3% - Ảnh 3.

Lạm phát toàn phần (đường màu đỏ) tăng lên 2,8% trong khi lạm phát lõi (đường màu đen) duy trì ở mức 1%

Lạm phát toàn phần tăng 2,8% trong tháng 8 từ mức 2,6% hồi tháng 7, chủ yếu được thúc đẩy bởi giá thực phẩm tăng 1,2%/ Theo Tổng cục Thống kê, sự gia tăng lạm phát lương thực một phần là do nhu cầu mua, tích trữ lương thực của người dân tăng cao khi các biện pháp phong tỏa kiểm dịch nghiêm ngặt được áp đặt trở lại làm gián đoạn một phần chuỗi cung ứng trong làn sóng dịch thứ tư. 

Các nhà phân tích MBKE dự báo lạm phát toàn phần ở mức 3,2% trong năm 2021 và 3,8% trong năm 2022, không đổi so với báo cáo hồi tháng 7. Theo MBKE, áp lực giá nhìn chung sẽ thấp hơn nhiều so với mức lạm phát mục tiêu 4% của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). 

Ngoài ra, MBKE cũng kỳ vọng NHNN sẽ giữ mức lãi suất tái cấp vốn ổn định ở khoảng 4% trong năm 2021 để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch. Dự báo tỷ giá USD/ VND duy trì quanh mức ổn định 22.600 VND đổi 1 USD vào cuối năm nay.


NTTD
Cùng chuyên mục