Một cảng Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu hàng thủy sản Việt Nam, DN lo tăng chi phí
Theo đó, Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh thông tin do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại tỉnh Quảng Đông, nhiều thành phố thuộc tỉnh này như Thâm Quyến, Quảng Châu, Phật Sơn, Trạm Giang… đã tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch tại cảng biển.
Trung Quốc là thị trường lớn của thủy sản Việt Nam nói chung và cá tra nói riêng (Ảnh: NLĐ)
Riêng tại cảng Trạm Giang, Công ty CP tập đoàn cảng Trạm Giang, là doanh nghiệp vận hành, quản lý cảng đã quyết định tạm dừng tiếp nhận hàng đông lạnh, chủ yếu là thủy sản từ 11 quốc gia (trong đó có Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia, Lào,…) từ ngày 20/6 đến 15/7/2021.
Quyết định này được đưa ra tại cuộc họp giữa doanh nghiệp này với đại diện một số hiệp hội và khoảng 30 công ty hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu, logistics… tại cảng Trạm Giang ngày 3/6 vừa qua.
Lý do đưa ra là do năng lực lưu thông, bốc dỡ hàng hóa của cảng bị ảnh hưởng do triển khai các biện pháp tăng cường công tác phòng dịch Covid-19 cho nhân viên, công nhân làm việc tại cảng.
Theo Nafiqad, đây là quyết định của doanh nghiệp quản lý, vận hành cảng; cho tới nay chưa thấy quy định tương tự nào của cơ quan quản lý nhà nước Quảng Đông hoặc Chính phủ Trung Quốc về việc này.
Tuy nhiên, để tránh phát sinh các khó khăn vướng mắc trong quá trình xuất khẩu thủy sản vào cảng Trạm Giang, Trung Quốc, Nafiqad đề nghị các DN xuất khẩu sang Trung Quốc chủ động liên hệ với nhà nhập khẩu để nắm bắt thông tin, theo dõi tình hình và có biện pháp ứng phó phù hợp.
Đồng thời, nghiêm túc thực hiện các văn bản hướng dẫn trong thời gian vừa qua của ngành về duy trì điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng chống Covid-19 khi xuất khẩu thủy sản vào thị trường Trung Quốc.
Cảng quốc tế Trạm Giang là một trong những trung tâm trung chuyển lớn ở Trung Quốc nên quyết định này ảnh hưởng nhiều đến các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam khi đây là thị trường nằm trong tốp 4 của thủy sản.
Doanh nghiệp lo tăng chi phí
Trên tờ Doanh nghiệp và Niêm Yến, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), cho rằng thực tế không có chuyện virus Sars - Cov - 2 trên bao bì sản phẩm đông lạnh.
"Trước đây, Mỹ cũng đã chứng minh việc không có chuyện virus Sars- Cov- 2 tồn tại trên các sản phẩm đông lạnh nhập khẩu. Đây chỉ là động thái tăng sức ảnh hưởng của Trung Quốc và đồng thời là cách để nước này "tung hỏa mù" phủ nhận nguồn gốc virus là từ Vũ Hán", ông Nam cho nhận định.
Ông Nam cho biết việc này không quá ngạc nhiên bởi trước đây nhiều lần Trung Quốc đã áp dụng sắc lệnh tương tự với hàng thực phẩm đông lạnh.
Ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cho biết trước đó Cục Thú y Việt Nam cũng đã từng thử kiểm tra các lô hàng đông lạnh nhập khẩu nhưng không phát hiện virus Sars- Cov- 2.
Ông Bá Anh thông tin thêm năm ngoái các doanh nghiệp Việt Nam cũng từng chịu cảnh tương tự khi Trung Quốc cũng tạm dừng nhập khẩu thủy sản đông lạnh vì cho rằng có chứa virus Sars- Cov- 2.
"Việt Nam đã chứng minh lô thủy sản của mình xuất xứ miền Tây Nam Bộ. Trong khi, thời điểm Trung Quốc đưa ra lệnh tạm dừng nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam, khu vực Tây Nam Bộ lại không có dịch", ông Bá Anh chia sẻ với người viết.
Việc Trung Quốc siết chặt kiểm dịch có thể tăng chi phí xuất khẩu cho doanh nghiệp. Ông Nam cho biết hiện tại giá thuê container tăng 5 - 10 lần so với trước thời điểm xảy ra đại dịch. Việc Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ thủy sản đông lạnh nhập khẩu càng khiến việc đặt container trở nên khó khăn hơn bởi doanh nghiệp phải thay đổi lộ trình.
"Việc đặt container bình thường đã rất khó, nên khi có container doanh nghiệp chấp nhận mọi giá để có thể đặt được. Trong khi đó, khách hàng chỉ chịu một phần giá thuê container, phần chênh còn lại doanh nghiệp sẽ phải chịu. Do đó, chi phí có thể sẽ phải tăng lên cao", ông Nam cho biết.
Theo số liệu mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc tăng trưởng khá chậm.
Theo đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang nước này tháng 4 tăng nhẹ gần 3%. Trong khi đó, thị phần giảm từ 10,9% năm 2020 xuống còn 10,2%.
Đại diện Công ty Công ty Cổ phần Nam Việt cho biết trong những lần Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thủy sản trước đó, công ty cũng đã giảm tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường này, từ mức 40% xuống chỉ còn khoảng 20%.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định đợt dịch này cũng sẽ khiến Trung Quốc siết chặt hơn việc kiểm soát virus Sars-Cov-2 đối với hàng nhập khẩu và thương mại qua biên giới, làm ảnh hưởng đến hoạt động thương mại với Trung Quốc.
"Tuy nhiên, với kinh nghiệm ứng phó trong hơn 1 năm qua, kỳ vọng các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam sẽ vượt qua được đợt dịch này và tận dụng tốt cơ hội. Tình trạng dịch COVID-19 trầm trọng tại Ấn Độ sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu thủy sản của nước này là cơ hội cho Việt Nam giành thị phần tại các thị trường nhập khẩu", Bộ nhận định.
Thông quan ngay trong ngày với hàng nông sản xuất khẩu
Tổng cục Hải quan vừa có công điện khẩn chỉ đạo hải quan các địa phương tạo mọi điều kiện và thực hiện thông quan ngay trong ngày đối với hàng hóa xuất khẩu là nông sản đến thời điểm thu hoạch chính vụ nói riêng và nông sản nói chung qua cửa khẩu biên giới.
Các đơn vị giải quyết ngay các vướng mắc phát sinh trong quá trình làm thủ tục; phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trao đổi thông tin với cơ quan kiểm dịch để thực hiện nhanh chóng thủ tục cho DN. Bố trí cán bộ công chức giải quyết thủ tục thông quan và giám sát hàng hóa xuất khẩu là nông sản qua cửa khẩu cả ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ, ngày lễ; ưu tiên, bố trí, sắp xếp các xe đã hoàn thành thủ tục thông quan hàng hóa trước được đi qua cửa khẩu sớm.