Một số ngân hàng "tự tin" tăng trưởng tín dụng trên 20%, vì sao?
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tăng trưởng tín dụng đến 16/6 mới chỉ đạt 2,13%, chưa bằng một nửa so với tốc độ tăng cùng kỳ năm trước (5,7%). Đây là điều không khó hiểu, thậm chí còn được coi là số liệu tốt vì ngay khi dịch xảy ra, nhiều dự báo còn có mức độ xấu hơn rất nhiều về khả năng cho vay mới.
Thực tế, tín dụng liên tiếp những tháng đầu năm xu hướng tăng hấp hơn o với cùng kỳ các năm trước: tháng 1 tăng 0,1%, tháng 2 tăng 0,07%, tháng 3 tăng 1,1%, tháng 4/2020 tăng 1,42% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ 2019 tăng 4,44%). Đến 20/5, dư nợ tín dụng tăng 1,32%.
Đáng nói, không chỉ tăng trưởng thấp, một số ngân hàng trong đó có ngân hàng lớn tín dụng còn đang tăng trưởng âm. Tuy nhiên, bên cạnh các ngân hàng gặp khó trong tăng trưởng tín dụng, trên thị trường cũng có nhiều ngân hàng vẫn giữ được nhịp tăng trưởng khả quan. Thậm chí, một số ngân hàng đề ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng lên tới trên 20% trong năm 2020 này.
Đơn cử HDBank, Tổng giám đốc ngân hàng này cho biết đến hết quý I/2020, dư nợ hợp nhất tăng 5,92% đây cũng là mức tăng khả quan. Tại TPBank cũng khả quan khi mà đến hết quý I/2020, dư nợ tín dụng tăng 19% so với cùng kỳ đạt trên 111.000 tỷ đồng.
Tại ĐHĐCĐ diễn ra sáng nay, lãnh đạo Vietcombank cũng cho biết, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này tính đến thời điểm hiện tại đã lên tới 4%, dù thấp hơn so với năm 2019 nhưng nếu so với mặt bằng chung của toàn ngành thì tăng trưởng tín dụng của Vietcombank đã cao hơn và cũng là kết quả khả quan trong bối cảnh sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu như hiện nay.
Hay như Sacombank gần 6 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng của ngân hàng tăng xấp xỉ 6%. Do hạn mức tín dụng của Sacombank được cấp đầu năm nay chỉ có 9% nên ngân hàng này đã trình xin NHNN nới room tín dụng lên 14%.
OCB cũng là một trong những ngân hàng đã sử dụng hết room tín dụng được cho phép và đã nộp đơn xin NHNN xem xét nới room.
Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho biết, NHNN đã chấp thuận cho cổ đông nước ngoài góp vốn vào ngân hàng này, tạo điều kiện để OCB nâng vốn điều lệ lên 25%. "NHNN có tăng room lên 40% thì ngân hàng vẫn đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn. Nên ngân hàng cũng hy vọng NHNN xét duyệt tỷ lệ tăng trưởng tín dụng ở mức cao", ông Tùng bày tỏ.
Tại MSB, nhà băng này đặt mục tiêu dư nợ tín dụng tăng 20% lên mức 81.500 tỷ đồng; Nam A Bank sẽ trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2020 trong kỳ họp cổ đông ngày 27/6 tới, với dư nợ tín dụng tăng 21% lên 82.000 tỷ đồng. VIB cũng dự kiến dư nợ tín dụng tăng tới 24% so với năm 2019, đạt 164.408 tỷ đồng, bao gồm cho vay khách hàng, trái phiếu doanh nghiệp và mua nợ.
Việc các ngân hàng xin nới room hoặc giữ mục tiêu tăng trưởng cao, theo một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, vẫn hoàn toàn khả thi. "Sắp tới đây có thể làn sóng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam để tận dụng Hiệp định thương mại Việt Nam – châu Âu, mặt khác chạy khỏi Trung Quốc, cũng thể hiện độ tin cậy của họ đối với môi trường đầu tư của Việt Nam. Việc tạo ra đà phục hồi vị thế lòng tin nhà đầu tư nước ngoài cho phép dự báo tăng tưởng kinh tế Việt Nam trong những năm tới khởi sắc hơn trong những năm vừa qua", vị này nhận định.
Có quan điểm tương đồng, Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho rằng, khi vốn FDI đổ mạnh vào Việt Nam một số ngành như công nghiệp, công nghiệp phụ trợ… sẽ có cơ hội phát triển mạnh theo. Theo đó, có thể tạo ra công ăn việc làm mới cho người lao động, hồi phục sức mua trong xã hội, cầu đầu tư tín dụng, tiêu dùng cũng sẽ tăng theo.
"Với những tín hiệu tích cực trên, tôi hy vọng, kinh tế hồi phục nhanh dẫn đến nhu cầu vay vốn tăng theo. Có thể bước sang quý IV/2020, tăng trưởng tín dụng sẽ bật lên", ông Tùng bày tỏ kỳ vọng. Tuy nhiên, lãnh đạo OCB cho rằng, tín dụng tăng không đều ở tất cả lĩnh vực mà ở một số ngành như sản xuất công nghiệp, phụ trợ... Còn lại tín dụng xuất nhập khẩu vẫn có thể gặp khó.
Đồng tình khả năng tín dụng những tháng cuối năm tăng tốt hơn do được hỗ trợ nhiều yếu tố: DN bắt đầu có dấu hiệu hồi phục, quy luật mùa vụ nhu cầu vốn thường tăng mạnh cuối năm, bên cạnh đó NHNN hỗ trợ giảm lãi suất điều hành, các ngân hàng tích cực giảm lãi suất cho vay...
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu tỏ ra thận trọng khi đánh giá: Tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp. Thế giới như vậy làm sao Việt Nam miễn nhiễm được khủng hoảng. Do vậy, tình trạng phục hồi của Việt Nam như thế nào tùy thuộc rất nhiều vào kinh tế thế giới trong thời gian sắp tới...
Về phía NHNN cho biết sẽ điều hành tín dụng linh hoạt, phù hợp, bám sát tình hình thực tế và phục vụ mục tiêu cuối cùng là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Việc điều chỉnh tăng trưởng tín dụng phải đi cùng với việc kiểm soát được rủi ro.