Sức ép lạm phát quá lớn, Hàn Quốc là nền kinh tế phát triển đầu tiên tăng lãi suất cơ bản
Hôm 26/8, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25% lên mức 0,75%, qua đó trở thành nền kinh tế phát triển đầu tiên nâng lãi suất trong bối cảnh đại dịch.
Trước đó, trong cuộc khảo sát mà Reuters thực hiện trên 30 nhà phân tích, có 16 nhà phân tích dự báo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc sẽ có động thái nâng lãi suất như vậy.
Chỉ số Kospi trên sàn chứng khoán Hàn Quốc đã giảm 0,18% sau thông báo. Đồng won của Hàn Quốc tăng nhẹ.
Quyết định nâng lãi suất được Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đưa ra trong bối cảnh quốc gia này vẫn đang vật lộn với số ca nhiễm mới Covid-19 tăng cao trong những tuần gần đây. Trong tuần gần nhất, số ca nhiễm mới bình quân hàng ngày lên tới 1.800 ca, tăng hơn 4 lần so với mức bình quân 400 ca nhiễm mỗi ngày hồi tháng 6, theo dữ liệu từ Our World in Data. Tuần trước, số ca nhiễm mới tăng vọt đã buộc Seoul kéo dài hướng dẫn về việc áp dụng biện pháp giãn cách xã hội thêm hai tuần.
Hầu hết các ngân hàng Trung ương trên toàn cầu đã cắt giảm lãi suất xuống mức kỷ lục trong nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng do đại dịch. Kết hợp cả chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng, các chính phủ từ Mỹ đến châu Á, châu Âu đã và đang tiếp tục tung ra các gói kích cầu để xoa dịu tác động kinh tế trong bối cảnh làn sóng dịch Covid-19 tiếp theo do biến thể Delta bùng phát mạnh mẽ ở nhiều quốc gia, đặc biệt là châu Á.
Tổ chức phân tích và đánh giá kinh tế Capital Economics nhận định: “Phải thừa nhận rằng đại dịch vẫn là một rủi ro lớn với đà phục hồi kinh tế. Nhưng khi nền kinh tế (Hàn Quốc) ngày càng làm quen và có sức chống đỡ trước các đợt bùng phát mới, cùng với tỷ lệ tiêm chủng ngày một tăng, dự kiến đất nước sẽ sớm chuyển sang các biện pháp kiểm dịch nhẹ nhàng hơn”.
Capital Economics cũng chỉ ra những rủi ro tài chính gây áp lực nặng nề lên nền kinh tế Hàn Quốc, chẳng hạn như áp lực lạm phát quá lớn, giá nhà tăng vọt, và nợ hộ gia đình. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của Hàn Quốc tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 4/2012. Vào tháng 7, giá nhà đã tăng 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, nợ hộ gia đình Hàn Quốc trong quý II vừa qua cũng tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2020.
Hàn Quốc đã phải vật lộn với đợt bùng phát nhiều ổ dịch nhỏ, chủ yếu tại Seoul từ đầu tháng 7 đến nay. Hồi giữa tháng 8, có thời điểm số ca nhiễm mới Covid-19 hàng ngày vượt mốc 2.000 ca. Các quan chức y tế quốc gia cảnh báo tốc độ lây nhiễm hiện tại có thể gây áp lực lớn lên hệ thống chăm sóc sức khỏe của quốc gia. Trong khi đó, các nhà cung cấp vắc xin chưa thể gửi các lô hàng đã cam kết đến Hàn Quốc đúng hạn, và dấu hiệu về thiệt hại kinh tế đang ngày một rõ ràng.
Các cơ quan y tế cũng cho hay có tới 97% các ca nhiễm mới Covid-19 do biến thể ở Hàn Quốc được gây ra bởi biến thể delta dễ lây lan.
Cho đến giữa tháng 8, thống kê chính thức cho thấy 42% trong số 52 triệu dân Hàn Quốc đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin, tuy nhiên tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 2 liều vắc xin mới dừng lại ở 15,4%. Con số này thấp hơn cả mức bình quân toàn cầu là 15,7%, theo dữ liệu của Our World in Data. Để so sánh, theo cùng một phương pháp thống kê, tỷ lệ tiêm chủng đủ 2 liều vắc xin Covid-19 ở Nga là 19,2%, ở Nhật Bản là 34,3%, ở Thổ Nhĩ Kỳ là 35,5%, ở Mỹ là 50,8%, ở Đức là 55,2%, ở Anh là 59,3% và ở Canada là 62%.
Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc Kwon Deok-cheol đã xin lỗi công khai đến người dân toàn quốc sau khi công ty dược phẩm Mỹ Moderna cho biết không thể cung cấp đúng thời hạn số lượng vắc xin mà quốc gia này đã đặt hàng. Nguyên nhân được cho là do vấn đề tắc nghẽn chuỗi cung ứng dẫn đến tiến độ sản xuất bị chậm. Theo Moderna, hãng này chỉ có khả năng cung cấp chưa đến 50% trong số lô hàng 8,5 triệu liều vắc xin đã ký hợp đồng giao cho Hàn Quốc vào tháng 8 này.