Mỹ áp lệnh trừng phạt thương mại Myanmar sau "ngày đẫm máu"
Động thái được đưa ra chỉ một ngày sau khi hàng chục thường dân Myanmar thiệt mạng trong vụ đụng độ với lực lượng an ninh. Vụ biểu tình được nhận định là ngày đẫm máu nhất kể từ khi quân đội Myanmar tiến hành cuộc đảo chính lật đổ người cầm quyền đảng NLD - bà Aung San Suu Kyi.
Phát ngôn viên Bộ Thương mại Mỹ cho hay Bộ đang áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ Myanmar. Hai tập đoàn liên kết chặt chẽ với lực lượng quân đội Myanmar là Myanmar Economic Corporation và Myanmar Economic Holding Limited cũng sẽ chịu các biện pháp trừng phạt tương tự.
Ngoài ra, Myanmar sẽ bị áp đặt hạn chế thương mại với một số mặt hàng nhạy cảm có thể sử dụng cho mục đích quân sự.
“Bộ Thương mại đang xem xét các biện pháp trừng phạt bổ sung tiềm năng sau những hành động của quân đội Myanmar. Chính phủ Mỹ đảm bảo rằng những thủ phạm gây ra cuộc đảo chính sẽ tiếp tục phải chịu trách nhiệm về hậu quả đã gây ra” - các quan chức thương mại Mỹ cho hay.
Nguồn tin của Liên Hợp Quốc cho thấy ít nhất 38 người biểu tình đã thiệt mạng trong vụ đụng độ với lực lượng an ninh Myanmar hôm 3/3. Quân đội Myanmar đã được cho phép dùng vũ lực để dập tắt các cuộc biểu tình trên toàn quốc nhằm mục đích kêu gọi trả tự do cho các nhà lãnh đạo bị bắt trong vụ chính biến đầu tháng trước.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo quân đội Myanmar kiềm chế tối đa, cảnh báo Mỹ sẽ tiếp tục các biện pháp trừng phạt cho hành vi giam giữ các nhà báo và dùng vũ lực đàn áp người biểu tình. Ông Ned Price nhấn mạnh sự leo thang bạo lực ở Myanmar nghĩa là những người cầm quyền hiện tại “hoàn toàn coi thường người dân của họ”.
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng một lần nữa kêu gọi Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng chính trị trong khu vực để giúp Myanmar khôi phục chính phủ dân sự, chấm dứt chính biến. Trung Quốc - quốc gia có ảnh hưởng lớn và quan hệ chặt chẽ với Myanmar - tháng trước đã có động thái ngăn chặn Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ra tuyên bố lên án cuộc đảo chính.
Tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban hành sắc lệnh áp đặt trừng phạt với hàng loạt thủ lĩnh quân đội Myanmar tham gia chỉ đạo chính biến. Cục Dự trữ Liên bang New York đã chặn đứng nỗ lực chuyển 1 tỷ USD ra khỏi Mỹ, chỉ vài ngày sau khi những người này lên nắm quyền.
Trong khi đó, các nhà hoạt động dân chủ tại Myanmar vẫn tuyên bố sẽ tiếp tục các cuộc biểu tình bất chấp nguy cơ đàn áp bạo lực từ lực lượng quân đội.
Sự kiện chính biến nổ ra sáng 1/2 sau khi bà Aung San Suu Kyi và hàng loạt nhân vật cấp cao của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) bị bắt giữ bởi lực lượng quân đội sau nhiều tuần cuộc bầu cử tháng 11/2020 bị cáo buộc là gian lận. Hiện Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing đã lên nắm quyền. Văn phòng Tổng thống Myanmar đồng thời tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong 1 năm.