Mỹ gia hạn nới lỏng cấm vận 90 ngày cho Huawei: không làm mờ áp lực
Nới lỏng cấm vận sẽ cho phép các nhà mạng, đặc biệt là nhà mạng vùng nông thôn Mỹ hiện đang sử dụng thiết bị mạng của Huawei tiếp tục phục vụ khách hàng, tránh những sự gián đoạn đột ngột, mất mạng và cắt kết nối - theo lý giải của Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross. “Bộ Thương mại sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ vấn đề xuất khẩu các công nghệ nhạy cảm để đảm bảo việc nới lỏng cấm vận không gây ra các rủi ro an ninh quốc gia” - ông Wilbur Ross nói thêm.
Gã khổng lồ viễn thông công nghệ Huawei đã bị Bộ Thương mại Mỹ đưa vào danh sách đen hạn chế thương mại hồi tháng 5/2019 ngay sau khi đàm phán Mỹ Trung đổ bể. Nhà Trắng khi đó viện dẫn hàng loạt cáo buộc gián điệp cho Bắc Kinh, vi phạm chính sách đối ngoại quốc gia Mỹ...để đưa Huawei thành mối rủi ro đe dọa an ninh quốc gia. Để tránh sự gián đoạn bất ngờ trong dịch vụ mạng viễn thông, Bộ Thương mại Mỹ vẫn quyết định nới lỏng cấm vận cho Huawei với thời hạn nới lỏng đến hết 19/11. Khi hiệu lực của nới lỏng gần kết thúc, Bộ này lại tiếp tục gia hạn nới lỏng thêm 90 ngày, viện dẫn sự gián đoạn dịch vụ của các nhà mạng vùng nông thôn một khi thi hành cấm vận.
“Quá trình gia hạn đang phản ánh bản chất hỗn loạn của các chính sách mà Mỹ thực hiện với Huawei” - trích lời ông Paul Triolo, chuyên gia phân tích từ Eurasia Group. Một bộ phận trong chính quyền Trump đặc biệt quan tâm đến ảnh hưởng của Huawei với các nhà mạng viễn thông khu vực nông thôn và hẻo lánh nước Mỹ, đó là lý do tại sao Bộ Thương mại nước này buộc phải gia hạn cấm vận.
Các nhà mạng viễn thông nhỏ của Mỹ, nhất là nhà cung cấp viễn thông khu vực nông thôn từ lâu đã sử dụng chủ yếu thiết bị hệ thống mạng từ ZTE và Huawei do giá thành cạnh tranh tương đối. Sau lệnh cấm vận với Huawei, các nhà mạng nhỏ lẻ này từng nỗ lực tiếp xúc với Nokia, Ericsson và nhiều nhà mạng lớn khác để thay thế chuyển đổi hệ thống mạng, nhưng vấn đề giá thành cao thực sự trở thành một bài toán khó.
Một động cơ chính trị khác mà ông Paul Triolo chỉ ra, đó là người dân Mỹ khu vực nông thôn và các bang kể trên thực chất thuộc phe ủng hộ Donald Trump trong cuộc tranh cử Tổng thống, do vậy ông Trump rõ ràng không muốn mất đi lực lượng mạnh mẽ này trên con đường tái đắc cử. Nhìn chung, có rất nhiều nguyên nhân khiến Nhà Trắng phải gia hạn nới lỏng cấm vận cho gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc.
Đáng chú ý là nới lỏng cấm vận tạm thời này không làm mờ đi nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng với Huawei. Hồi tháng 5, ngay sau khi đưa gã khổng lồ công nghệ này vào danh sách đen, Tổng thống Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp cấm các cơ quan trực thuộc chính phủ sử dụng các sản phẩm dịch vụ mạng từ Huawei.
Mới đây, Ủy ban Viễn thông Liên bang FCC cũng công bố dự thảo đề xuất cấm các nhà mạng viễn thông sử dụng một Quỹ dịch vụ trị giá 8,5 tỷ USD để mua các sản phẩm, thiết bị mạng từ Huawei và ZTE. FCC cũng đang xem xét một số đề xuất loại bỏ hoặc thay thế hoàn toàn các thiết bị mạng Trung Quốc được sử dụng bởi các nhà mạng viễn thông nông thôn Mỹ. Tổng chưởng lý Mỹ William Barr sau đó đã gửi thông điệp thể hiện sự ủng hộ đặc biệt với đề xuất này, trong đó nhấn mạnh mối đe dọa an ninh đặc biệt từ Huawei và ZTE.
Về phía Huawei, trong một tuyên bố hôm 18/11, gã khổng lồ viễn thông khẳng định quyết định gia hạn nới lỏng cấm vận của Mỹ nói riêng và danh sách đen nói chung thực chất không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của hãng và cũng không thay đổi sự thật Mỹ đang đối xử bất công với Huawei.
Ông Liang Hua, chủ tịch cấp cao của Huawei trong bài phát biểu cùng ngày khẳng định chính các nhà cung cấp Mỹ mới là kẻ chịu thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm do gián đoạn hoạt động xuất khẩu cho Huawei. Theo ước tính của Huawei, trong năm 2018, công ty này chi tới 14,2 tỷ USD để trả cho các nhà cung cấp hàng đầu từ Mỹ.