"Mỹ - Trung nên hợp tác chống đại dịch Covid-19 thay vì chĩa mũi nhọn vào nhau"

27/03/2020 09:51 GMT+7
Ngày càng nhiều tiếng nói kêu gọi sự hợp tác toàn cầu để giúp các quốc gia tăng cường sức mạnh trong trận chiến chống đại dịch Covid-19, căn bệnh đang bùng phát trên toàn cầu, đe dọa sức khỏe con người và tấn công hàng loạt nền kinh tế.

“Nhiều người đang sốc trước những nỗ lực chỉ trích lẫn nhau giữa hai chính phủ Mỹ và Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19; trong khi trong tình huống hiện tại, điều họ cần làm hơn hết là bắt tay nhau chống lại dịch bệnh thông qua các kế hoạch hành động chung”. Đại sứ Kurt Tong, cựu quan chức đối ngoại của Mỹ tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines qua 5 nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ mới đây đã nhận định như vậy trong một bài phân tích đăng trên Nikkei Asian Review khi chứng kiến chính quyền Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình chĩa mũi nhọn vào nhau trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

Cuộc chiến ngôn luận được mở màn bằng loạt phát ngôn của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngầm ý “đổ lỗi” cho “virus Trung Quốc” gây ra những thiệt hại kinh tế trên toàn cầu. “Mỹ sẽ tiến hành các biện pháp hỗ trợ mạnh tay cho nhiều ngành công nghiệp như hàng không và các ngành bị ảnh hưởng bởi virus từ Trung Quốc. Kinh tế Mỹ sẽ mạnh mẽ hơn bao giờ hết” - một trong những tweet của Trump nhấn mạnh nguồn gốc “virus từ Trung Quốc”. 

"Mỹ - Trung nên hợp tác chống đại dịch Covid-19 thay vì chĩa mũi nhọn vào nhau" - Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump nhiều lần nhấn mạnh virus corona là "virus từ Trung Quốc"

Đáp lại luận điệu này, một giả thuyết đã được đăng tải trên nhiều phương tiện truyền thông Trung Quốc cho rằng virus corona được gieo rắc vào Trung Quốc qua một phái đoàn quân sự Mỹ, buộc đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh phải lên tiếng. Hàng trăm chính trị gia bị cuốn vào cuộc chiến ngôn luận. Nhiều chính trị Bắc Kinh gay gắt chỉ trích chính quyền Trump. Phía chính khách Washington cũng không ngần ngại đáp trả bằng những lập luận nghi ngờ Trung Quốc che giấu dịch bệnh.

“Năm 2003, khi dịch SARS bùng phát, tôi là sĩ quan ngoại giao cấp cao thuộc đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh, chịu trách nhiệm điều phối phản ứng của Mỹ với dịch SARS trong nước. Chúng tôi phải đối mặt với 3 thách thức: thuyết phục chính phủ Trung Quốc chia sẻ thông tin minh bạch, trấn an công dân Mỹ vượt qua khủng hoảng, cung cấp và hỗ trợ khoa học công nghệ cho cơ quan y tế Trung Quốc” - ông Kurt Tong cho hay.

“Những nhiệm vụ này buộc chúng tôi trải qua nhiều khoảnh khắc căng thẳng và kịch tính, khi áp lực ngoại giao cấp cao trở nên nặng nề. Nhưng công cụ chính mà chúng tôi sử dụng trong đối thoại là khuyến khích thay vì chỉ trích... Lời đề nghị hỗ trợ chân thành của Mỹ cuối cùng đã được Trung Quốc chấp thuận một cách trân trọng, qua đó tăng cường khả năng kiểm soát dịch bệnh và ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra toàn cầu”.

"Mỹ - Trung nên hợp tác chống đại dịch Covid-19 thay vì chĩa mũi nhọn vào nhau" - Ảnh 2.

"Mỹ - Trung nên hợp tác chiến đấu với đại dịch thay vì chỉ trích lẫn nhau" - Đại sứ Kurt Tong

Sau khi dịch SARS bùng phát, Mỹ và Trung Quốc thậm chí siết chặt quan hệ ngoại giao bằng cách thành lập một chương trình nghiên cứu bệnh truyền nhiễm, cho phép các chuyên gia y tế của hai quốc gia chia sẻ kinh nghiệm kiểm soát dịch bệnh cũng như đào tạo chuyên gia để tăng cường sức mạnh hệ thống chăm sóc sức khỏe trong nước. Chương trình đó đã chứng minh giá trị khi dịch cúm H1N1 chết người xuất hiện năm 2009 được kiểm soát nhanh chóng.

Nhưng khi căng thẳng Mỹ - Trung nóng lên dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, ông Trump đã đình chỉ chương trình này. Theo ông Kurt Tong, đây là một trong những nguyên nhân khiến nỗ lực ngăn chặn và điều trị dịch bệnh ở cả hai quốc gia suy yếu khi dịch Covid-19 bùng phát.

Tính đến sáng 27/3, toàn cầu xác nhận 511.671 ca nhiễm Covid-19 và 23.336 ca tử vong. Trong đó, số ca nhiễm virus tại Mỹ đã tăng lên 83.206, chính thức vượt qua Trung Quốc (81.340 ca) để trở thành ổ dịch lớn nhất thế giới. Italy đứng ở vị trí thứ 3 với 80.539 ca nhiễm bệnh và tỷ lệ tử vong kỷ lục 8.165 người.

Một số chính trị gia Mỹ, dẫn đầu là các ứng viên tranh cử Tổng thống của Đảng Dân chủ đang đề cao việc hợp tác hỗ trợ lẫn nhau giữa các chính phủ trong nỗ lực kiểm soát dịch Covid-19. Thượng nghị sĩ Bernie Sanders hôm 15/3 khẳng định: “Nếu có thời điểm nào đó mà các quốc gia cần hỗ trợ lẫn nhau, thì đó chính là lúc này”. Cựu Phó Tổng thống Joe Biden thì đề cao thông điệp Mỹ nên “mang cả thế giới xích lại gần nhau” và có kế hoạch chung để đối phó với đại dịch bùng phát.

Ngày càng nhiều tiếng nói kêu gọi sự hợp tác toàn cầu để giúp các quốc gia tăng cường sức mạnh trong trận chiến chống đại dịch Covid-19, căn bệnh đang bùng phát trên toàn cầu, đe dọa sức khỏe con người và tấn công hàng loạt nền kinh tế. Ngay cả khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, các nhà phân tích vẫn kêu gọi sự hợp tác chung trong việc chia sẻ thông tin, nghiên cứu khoa học, củng cố sức mạnh hệ thống dịch tễ, đưa ra các phương pháp nghiên cứu vaccine và thuốc điều trị dịch bệnh.

Ông Kurt Tong đưa ra ý tưởng về một chương trình phố hợp toàn cầu, trong đó liên kết sức mạnh chuyên môn của Tổ chức Y tế Thế giới WHO với thế mạnh chính trị của các quốc gia G20. Các quốc gia G20 hiện chiếm tới 95% trong tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu, số liệu tính đến ngày 17/3. Do đó, một hành động toàn cầu chung tay chống dịch lúc này nên được khởi xướng và dẫn đầu bởi G20.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục