Mỹ xem xét viện trợ tài chính cho các nước Châu Á cấm cửa Huawei

25/07/2020 17:53 GMT+7
Washington đang cân nhắc hỗ trợ tài chính cho chiến dịch “đàn áp” Huawei khỏi cơ sở hạ tầng mạng 5G toàn cầu, đặc biệt tại thị trường Châu Á, trích nguồn tin của Nikkei Asian Review từ quan chức ngoại giao chính quyền Trump.
Mỹ xem xét viện trợ tài chính cho các nước Châu Á cấm cửa Huawei - Ảnh 1.

Pháp mới đây vừa nối gót Anh cấm cửa Huawei dưới áp lực của Mỹ

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Keith Krach, thiết bị viễn thông Huawei có sức hấp dẫn đáng kể với các thị trường đang phát triển do mức giá rẻ tương đối khoảng 30% so với các nhà cung cấp viễn thông Châu Âu như Ericsson hay Nokia. “Nhưng mức giá rẻ đi kèm với rủi ro tiềm ẩn” - ông Keith Krach khẳng định.

“Huawei là xương sống của công tác gián điệp cho Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đó là lý do tại sao bất kỳ quốc gia nào sử dụng thiết bị viễn thông của Huawei hay ZTE trong hệ thống mạng di động 5G thế hệ mới đều có nguy cơ bị giám sát và đánh cắp thông tin bất cứ lúc nào”.

Theo ông Keith Krach, nguyên nhân chính của chiến dịch chống lại Huawei và các công ty công nghệ Trung Quốc mà chính quyền Trump đang theo đuổi là mối rủi ro an ninh mà thiết bị mạng có nguồn gốc Trung Quốc gây ra với các quốc gia. 

Trong khi Huawei phủ nhận mọi cáo buộc, ngày càng nhiều chính phủ trên thế giới tuyên bố cấm hãng này khỏi dự án 5G quốc gia. Anh và Pháp là hai quốc gia Châu Âu mới nhất quyết định “thanh trừng” thiết bị mạng Huawei khỏi cơ sở hạ tầng viễn thông lần lượt vào năm 2027 và 2028.

Vị Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ kêu gọi những nỗ lực giúp đỡ các quốc gia đang phát triển “thanh trừng” linh kiện Huawei khỏi mạng viễn thông 5G thế hệ mới, tương tự như những gì Anh và Pháp đang hướng tới. 

Ông Krach gợi ý những khoản viện trợ tiềm năng từ các cơ quan chính phủ Mỹ như Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ dành cho các quốc gia loại Huawei khỏi dự án 5G. 

Ông Keith Krach đồng thời gợi ý cơ hội hợp tác với Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ ba thế giới và Úc - đồng minh thân cận của Mỹ, quốc gia đã sớm cấm cửa Huawei từ năm 2018 để hoàn thiện cơ sở hạ tầng mạng an toàn. Vị quan chức Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: cơ sở hạ tầng viễn thông đáng tin cậy là “một phần quan trọng của chiến lược hợp tác Ấn Độ - Thái Bình Dương mà chúng tôi theo đuổi”.

Với một số quốc gia Châu Á chưa loại Huawei ra khỏi cơ sở hạ tầng mạng 5G như Philippines và Thái Lan, ông Krach kêu gọi thúc đẩy hợp tác “để xem liệu các chính phủ này có thể đảo ngược hoặc thay đổi quyết định đó hay không”. 

Hiện Philippines và Thái Lan đều là những đồng minh quân sự của Mỹ. Washington lo ngại việc các nước này sử dụng thiết bị mạng Huawei có thể làm tiết lộ những thông tin nhạy cảm đến tay chính phủ Trung Quốc. 

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ đồng thời nhấn mạnh những lo ngại về các ứng dụng truyền thông xã hội Trung Quốc như TikTok hay WeChat. “Những ứng dụng này thực sự nguy hiểm vì nó có nguy cơ biến con cái chúng ta thành nạn nhân của công tác gián điệp mà Bắc Kinh đang thực hiện”. 

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho hay chính phủ Mỹ đang xem xét khả năng cấm các ứng dụng Trung Quốc như TikTok.

Về lâu dài, theo ông Krach, Mỹ có thể sẽ mở rộng kế hoạch “Lộ trình 5G sạch”, một sáng kiến nhằm loại các nhà cung cấp viễn thông Trung Quốc như Huawei hay ZTE khỏi thị trường 5G nói chung và các cơ sở ngoại giao của Mỹ nói riêng.

Lâu nay, Washington đã thúc đẩy nỗ lực kêu gọi cộng đồng quốc tế hạn chế sử dụng thiết bị mạng Trung Quốc. Chính quyền Tổng thống Trump thậm chí còn đe dọa sẽ ngừng chia sẻ thông tin tình báo với các đồng minh như Anh nếu các nước này cố tình cho phép Huawei “nhúng tay” vào mạng lưới 5G quốc gia.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục