Nan đề về tiền mã hóa của chính phủ Hoa Kỳ (Phần 1)
Hoa Kỳ phải làm thế nào để tận dụng những đổi mới của tiền mã hóa mà vẫn bảo vệ được an ninh quốc gia?
Năm nay là năm mà các loại tiền kỹ thuật số trở thành xu hướng chủ đạo. Chỉ trong vòng 3 tháng năm ngoái, Trung Quốc đã thử nghiệm đồng tiền kỹ thuật số đầu tiên tại một số thành phố lớn nhất của mình. Cùng với sự kiện đó, tin tặc đã xâm nhập một đường ống dẫn dầu lớn của Hoa Kỳ và thành công yêu cầu khoản tiền chuộc hơn 4 triệu USD bằng Bitcoin.
Tiền mã hóa tăng kỷ lục với tổng vốn hóa thị trường ở mức hơn 2.000 tỷ USD. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED), Jerome Powell đã cảnh báo rằng tiền mã hóa "rất dễ bay hơi", "có thể mang theo những rủi ro tiềm ẩn... cho người dùng và hệ thống tài chính rộng lớn hơn".
Trong nhiều năm, giới chức tại Washington đã bỏ ngoài tai, coi tiền kỹ thuật số như một dự án lúc rảnh rỗi của giới công nghệ và những người theo chủ nghĩa tự do ở vùng Bờ Tây Hoa Kỳ. Thì giờ đây, tiền kỹ thuật số bỗng trở thành một trong những vấn đề chính sách quan trọng nhất hay ít được hiểu nhất trong chương trình nghị sự của chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Các loại tiền kỹ thuật số đang thúc đẩy sự đổi mới to lớn, có tiềm năng làm cho toàn bộ các lĩnh vực kinh tế hoạt động hiệu quả hơn. Nhưng chúng cũng gây ra nhiều mối đe dọa tới an ninh quốc gia và tài chính và thậm chí có thể làm giảm ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở nước ngoài.
Một lý do khiến tiền tệ kỹ thuật số có tiềm năng tạo ra thay đổi lớn là do thiết kế [phần mềm] của chúng thường phản ánh quan điểm chính sách: chính phủ nên có ít quyền kiểm soát hơn đối với tiền. Những người dùng ban đầu thường gắn việc sử dụng tiền kỹ thuật số của họ với ý nghĩa chính trị và triết học. Và ngay cả khi nhiều người mua Bitcoin chỉ để kiếm lợi nhuận, các giá trị được nhúng trong những dòng mã vẫn sinh ra sau mỗi lượt mua.
Việc giảm kiểm soát tiền của chính phủ có những lợi ích tiềm năng, chẳng hạn như giảm chi phí thanh toán. Nhưng nó cũng có thể làm suy yếu khả năng của nhà chức trách trong việc ứng phó với các cuộc khủng hoảng kinh tế, hoặc chống lại tội phạm mạng và tội phạm tài chính, trong số các dịch vụ cơ bản khác mà công dân đi theo quan điểm trên mong đợi.
Tiềm năng to lớn và tích cực cũng như sự rủi ro của tiền kỹ thuật số khiến cho tranh luận về chính sách xung quanh vấn đề này trở nên cực đoan. Những người phản đối coi tiền số chủ yếu là công cụ tài chính bất hợp phát và kêu gọi chính phủ hạn chế sự lan rộng của chúng, trong một số trường hợp còn ủng hộ lệnh cấm với những "đồng coin" trong khu vực tư nhân. Phe ủng hộ là những người coi tiền kỹ thuật số là cách mạng và nó giúp cho thị trường tư nhân tự quyết định số phận của mình.
Các tổ chức như Ngân hàng Trung ương Châu Âu ECB, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế BIS, Lực lượng đặc nhiệm tài chính FATF... đều có định nghĩa và phân biệt tiền mã hóa (cryptocurrency), tiền kỹ thuật số (digital money), tiền điện tử (e-money), tiền ảo (virtual currency). Tuy nhiên, những định nghĩa này vẫn chưa được thống nhất.
Nhưng những gì Hoa Kỳ cần là một khung chính sách công khai có cách tiếp cận cân bằng, duy trì khả năng sáng tạo và đổi mới của thị trường mà không phải hy sinh năng lực dùng để thực hiện các chức năng thiết yếu của chính phủ. Nói cách khác, các nhà hoạch định chính sách cần phải có cả sự khiêm tốn để nhận ra rằng thị trường sẽ trở nên tốt nhất - khi tách biệt sự đổi mới hữu dụng khỏi sự "thổi phồng" và quả quyết phải thực hiện các biện pháp bảo vệ thị trường quan trọng.
Để đạt được mục tiêu đó, chính quyền của ông Biden nên thiết lập rào chắn ở những khu vực mà các loại tiền tệ này có thể gây ra rủi ro lớn nhất. Đó là khả năng của chính phủ trong việc thiết lập chính sách tiền tệ, đảm bảo ổn định tài chính và chống tài chính phi pháp. Đồng thời, Hoa Kỳ nên đặt nền tảng để ra mắt đồng USD kỹ thuật số hoặc ủng hộ một giải pháp trong khu vực tư nhân đảm bảo vai trò ưu việt của đồng USD trong thanh toán quốc tế.
Cách tiếp cận theo hai hướng này sẽ vạch ra một con đường khôn ngoan giữa các biện pháp cực đoan không hiệu quả của việc cấm các loại tiền kỹ thuật số và cho phép thị trường hoạt động không bị cản trở.
Các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ nên hành động một cách nhanh chóng nhanh chóng. Vì gần đây, Bắc Kinh đã thẳng tay đàn áp hoạt động khai thác Bitcoin. Đồng thời, Trung Quốc cũng như các quốc gia khác đang đi trước với các loại tiền kỹ thuật số của riêng nước mình (CDBC). Sự không chắc chắn về những gì Hoa Kỳ sẽ làm đã tạo thêm những rủi ro về mặt quản lý đang đeo bám ngành công nghiệp này. Càng sớm thực hiện các bước hợp lý để đưa ra chính sách rõ ràng, thì sự đổi mới càng sớm phát triển mạnh.
Tiền tệ kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (CBDC) là định dạng kỹ thuật số của các loại tiền tệ pháp định (fiat) do các ngân hàng trung ương của quốc gia phát hành. Nó mang đặc điểm của cả hai loại tiền điện tử và tiền pháp định.
Rẻ hơn, nhanh hơn và rủi ro hơn
Tiền kỹ thuật số có nhiều biến thể dành cho cả khu vực công và khu vực tư nhân. Các loại tiền kỹ thuật số có chủ quyền (pháp định), chẳng hạn như đồng nhân dân tệ kỹ thuật số của Trung Quốc, được chính phủ phát hành và cung cấp cho chủ sở hữu trái quyền trực tiếp đối với ngân hàng trung ương.
Giống như trong giao dịch với các loại tiền tệ thông thường, các giao dịch với các loại tiền số pháp định được xác nhận bởi một ngân hàng trung ương. Nói cách khác, các loại tiền này chỉ là phần mở rộng kỹ thuật số của các loại tiền thông thường — ngoại trừ chúng có thể làm cho các ngân hàng trung ương giống với những ngân hàng bán lẻ hơn.
Tùy thuộc vào thiết kế, các loại tiền số pháp định thậm chí có thể cho phép người gửi tiền thông thường có tài khoản trực tiếp tại các ngân hàng trung ương. Đồng thời điều này làm tăng, chứ không phải giảm đi sự kiểm soát tiền của chính phủ.
Ngược lại, các loại tiền kỹ thuật số của khu vực tư nhân thường dựa vào công nghệ blockchain phi tập trung để xử lý các tài khoản giữa những người dùng. Những loại tiền này bao gồm tiền mã hóa như Bitcoin và Ethereum, có giá trị dao động neo vào đồng USD và một tập hợp con của tiền mã hóa được gọi là "stablecoin". Ví dụ như USD Coin, thường được gọi là USDC và Diem của Facebook, được gắn với một giá trị tiền tệ pháp định và được thiết kế để không biến động về giá trị (chẳng hạn 1 USDC luôn có giá trị bằng 1 USD).
Công nghệ blockchain hỗ trợ các loại tiền tệ này có một số biến thể, nhưng nhìn chung nó cho phép cộng đồng người dùng xác thực các giao dịch trên một quyển sổ cái thay vì dựa vào cơ quan trung ương như Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED). Ví dụ: một số người nắm giữ "coin" phải xác thực giao dịch trước khi có thể chuyển chúng từ người dùng này sang người dùng khác hoặc người nắm coin có thể phải xác nhận khóa mật mã. Người dùng mạng thực hiện quy trình tài chính tập trung trước đây của một ngân hàng trung ương trong bất kể một quy trình đòi hỏi tính chính xác nào.
Một hệ quả của việc chuyển giao dịch ra ngoài hệ thống ngân hàng là phí giao dịch có thể thấp hơn. Kể từ năm 2018, việc gửi Bitcoin từ ví kỹ thuật số này sang ví kỹ thuật số khác có giá trung bình khoảng 4 USD. Đối với các giao dịch có tốc độ tương tự, các ngân hàng lớn nhất của Mỹ tính phí người tiêu dùng cao hơn nhiều: khoảng 28 USD cho chuyển khoản ngân hàng trong nước (các lựa chọn chậm hơn, như sử dụng Hệ thống thanh toán bù trừ tự động [ACH] của Ngân hàng Dự trữ Liên bang có chi phí thấp hơn) và khoảng 40 USD cho chuyển khoản quốc tế.
Nhưng vốn dĩ các hệ thống phi tập trung không rẻ hơn những hệ thống tập trung. Một sổ cái tập trung có thể chạy hiệu quả như một sổ cái phi tập trung. Một trong những lý do khiến việc chuyển Bitcoin rẻ hơn gửi USD là Bitcoin tránh được phần lớn cơ sở hạ tầng và các khoản phí liên quan đến nền tảng cố hữu của hệ thống ngân hàng tập trung hiện tại. Một số cơ sở hạ tầng này như hệ thống chống rửa tiền, đóng vai trò sống còn.
Do đó, ở một mức độ nhất định, phí chuyển thấp hơn của Bitcoin và các loại tiền mã hóa khác, phản ánh chi phí quản lý và thực thi thấp hơn có thể không kéo dài. Nhưng các chi phí khác liên quan đến hệ thống thanh toán cố hữu bắt nguồn từ sự kém hiệu quả có thể bị loại bỏ thông qua cạnh tranh. Nếu thách thức do tiền mã hóa đặt ra buộc hệ thống thanh toán hiện tại phải cắt giảm chi phí, thì điều đó rõ ràng sẽ tốt cho toàn nước Mỹ.
Phân biệt Tài chính tập trung (CeFi - Centralized Finance) và tài chính phi tập trung (DeFi – Decentralized Finance).
Trong CeFi các thành phần như tổ chức, thị trường giao dịch hay các công cụ đều được quản lý tập trung. CeFi luôn đi kèm với cụm từ "Custodial" hay uỷ thác. Tức là các tài sản, sản phẩm, dịch vụ tài chính sẽ được ủy thác cho tổ chức nào đó. Ví dụ, chúng ta gửi tiền vào ngân hàng thì tiền đó được uỷ thác cho ngân hàng nắm giữ.
DeFi được mô tả là một nền tảng tài chính do chính người tham gia mạng lưới quyết định, không phụ thuộc vào quyết định của tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính như ngân hàng. DeFi luôn đi kèm với cụm từ "Non-Custodial" tức là không mang tính ủy thác. Tài chính phi tập trung có 3 đặc điểm chính là Permissionless (tính không cần sự cho phép); Trustless (tính phi tín nhiệm); Transparency (tính minh bạch).
Ngoài việc cung cấp mức phí thấp hơn, tiền mã hóa đang tạo ra thế hệ mới các mô hình kinh doanh phi tập trung. Ví dụ: các doanh nghiệp kinh doanh điện toán đám mây sử dụng công nghệ blockchain cho phép bất kỳ ai tham gia mạng lưới có thể thuê trực tiếp dung lượng ổ cứng dự phòng cho những người khác trong mạng, thay vì phụ thuộc vào trung gian như Dropbox hoặc Amazon Web Services. Hay các doanh nghiệp cho phép chia sẻ và kiếm tiền từ nội dung mạng xã hội mà không cần Facebook hoặc Instagram làm trung gian.
Và trong cái được gọi là "tài chính phi tập trung", công nghệ blockchain có thể tạo điều kiện cho vay mà không cần ngân hàng. Rất nhiều mô hình kinh doanh có thể được quản lý bởi một cộng đồng người dùng trong mạng lưới hơn là một công ty trung tâm. Luôn khó dự đoán thành công của việc thay thế những hệ thống cũ với các công nghệ mới, nhưng thị trường sẽ làm tốt điều này hơn nhiều so với chính phủ.
Tuy nhiên, phi tập trung không chỉ là một ví dụ về công nghệ mới đang làm đảo lộn các doanh nghiệp thủ cựu, như một số người ủng hộ tiền mã hóa lập luận. Các công ty bị đe dọa bởi công nghệ blockchain sẽ phải thích ứng. Nhưng tiền điện tử không chỉ hứa hẹn sẽ thay thế những gì đang hiện hữu trong khu vực tư nhân. Chúng còn có thể làm suy yếu một số chức năng thiết yếu của chính phủ có tầm quan trọng đối với cả 2 đảng tại Hoa Kỳ. Trong đó có rủi ro mà một khuôn khổ chính sách công hạn chế cần giải quyết.
Ai sẽ kiểm soát cung tiền?
Một trong những rủi ro lớn nhất mà tiền mã hóa gây ra là chúng có thể làm suy yếu khả năng thiết lập chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED). Mặc dù kịch bản như vậy khó xảy ra, nhưng loại tiền mã hóa như Bitcoin có thể trở thành một phương tiện trao đổi đủ phổ biến có thể gây ảnh hưởng một phần, khiến cho nguồn cung tiền vượt ra ngoài tầm kiểm soát của FED.
Ngoài ra, dù một loại tiền mã hóa thường có các công thức định trước cho sự tăng trưởng hay hạn chế về tổng lượng tiền được tung ra thị trường - Nhưng hầu hết đều cho phép giao thức của nó có thể bị thay đổi bởi một nhóm người ra quyết định, chẳng hạn như những người nắm giữ phần lớn đồng tiền. Do đó, những người nắm giữ "coin" có thể quyết định tăng hoặc giảm lượng tiền kỹ thuật số đang lưu hành thay vì các chủ ngân hàng trung ương.
Cho đến nay, đây vẫn là một mối quan tâm mang tính lý thuyết. Mặc dù được dán nhãn là "tiền tệ", Bitcoin và các đồng tiền mã hóa khác hầu hết được coi là tài sản đầu tư ở Hoa Kỳ. Hàng hóa và dịch vụ không được định giá bằng Bitcoin. Vì vậy, hầu hết những người nắm giữ đang dùng nó để thay thế cho các tài sản như vàng hoặc cổ phiếu, đôi khi như một biện pháp chống lại lạm phát.
Một lý do khiến Bitcoin chưa trở thành phương tiện trao đổi (như tiền) là Sở Thuế vụ Hoa Kỳ (IRS) tuyên bố rằng bất kỳ giao dịch nào liên quan đến tiền kỹ thuật số đều là một "sự kiện trao đổi" có thể đánh thuế. Điều này có nghĩa là người dùng cần phải trả thuế cho bất kỳ khoản lợi nhuận nào về giá trị của Bitcoin giữa thời điểm họ đã mua nó và khi họ sử dụng nó để mua một thứ gì đó. Nói cách khác, theo thuế vụ, Bitcoin được coi như chứng khoán, điều này khiến việc sử dụng nó làm tiền tệ là không thực tế.
Nhưng ngay cả khi IRS thay đổi quan điểm của mình, Bitcoin và các loại tiền mã hóa tương tự sẽ không được sử dụng rộng rãi như một phương tiện trao đổi vì một lý do cơ bản hơn: sự biến động giá của chúng so với đồng USD. Giá của Bitcoin đã thay đổi rất nhiều, từ mức thấp dưới 15.000 USD vào năm ngoái lên hơn 65.000 USD trong tháng vừa qua. Do đó, bất kỳ ai định giá hàng hóa và dịch vụ bằng Bitcoin sẽ phải chấp nhận rủi ro biến động này hoặc phải liên tục thay đổi giá để duy trì sức mua bằng USD.
Tuy nhiên, không phải tất cả các loại tiền kỹ thuật số đều gặp phải những trở ngại giống nhau khi muốn đem sử dụng rộng rãi. Không giống như Bitcoin và các loại tiền điện tử tương tự, các stablecoin, chẳng hạn như đồng Diem của Facebook, phần lớn không dễ bay hơi và không bị đánh thuế tại thời điểm sử dụng. Giống như tên gọi, chúng ổn định vì chúng được gắn với giá trị của một loại tiền pháp định — ví dụ, luôn có giá trị 1 USD. Vì lý do này, không có lợi nhuận nào bị đánh thuế khi sử dụng stablecoin trong các giao dịch, cũng như không có rủi ro về giá đối với doanh nghiệp định giá hàng hóa và dịch vụ của họ bằng stablecoin.
Trong năm ngoái, tổng giá trị của stablecoin đã tăng từ khoảng 10 tỷ lên hơn 100 tỷ USD. Và thực tế là các nền tảng lớn như Facebook đứng sau những đồng tiền này, khiến chúng thậm chí có nhiều khả năng đạt được việc sử dụng rộng rãi như một phương tiện trao đổi. Điều này không gây rủi ro cho khả năng thiết lập chính sách tiền tệ của FED, miễn là các nền tảng phát hành stablecoin gửi một lượng USD cố định vào trương mục dự phòng cho mọi stablecoin đang lưu hành (tài khoản bảo đảm).
Nhưng nếu một stablecoin được sử dụng rộng rãi và sau đó thay đổi yêu cầu dự trữ của nó từ 1 USD cho mỗi "coin" lưu hành thành 10 cent, thì nguồn cung tiền có thể tăng lên một cách có ý nghĩa. Quyết định như vậy sẽ không được đưa ra bởi FED mà bởi bất kỳ nhóm nào được phép thay đổi giao thức của stablecoin. Ví dụ: một hiệp hội quản lý tư nhân hoặc một số chủ sở hữu của đồng stablecoin này.
Điều đó không chỉ khiến chính phủ mất đi quyền quyết định chính sách tiền tệ quan trọng mà còn có khả năng cho phép các thế lực nước ngoài giành được ảnh hưởng đối với nguồn cung tiền của Hoa Kỳ, chẳng hạn bằng cách mua lại phần lớn số stablecoin đó.
Những khả năng như vậy vẫn còn xa vời. Nhưng trong một thế giới khó dự đoán công nghệ sẽ phát triển như thế nào, các nhà hoạch định chính sách nên thực hiện các biện pháp chủ động để ngăn chặn các đồng tiền kỹ thuật số của khu vực tư nhân làm xói mòn quyền kiểm soát của FED đối với chính sách tiền tệ.
Đặc biệt, họ nên đẩy mạnh việc thực thi các quy định về thuế, bao gồm cả những quy định yêu cầu thanh toán thuế thu nhập vốn đối với các giao dịch tiền mã hóa, để các đồng tiền không phải là stablecoin vẫn hấp dẫn hơn như một tài sản hơn là một phương tiện trao đổi. Nỗ lực của nghị viện nhằm đưa báo cáo thuế tiền mã hóa vào đạo luật gần đây là một bước đi tốt theo hướng này.
Các nhà hoạch định chính sách cũng nên yêu cầu rằng stablecoin luôn duy trì tỷ lệ dự trữ cố định, để chúng không cản trở khả năng thiết lập chính sách tiền tệ của FED ngay cả khi chúng được sử dụng rộng rãi.