Nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt ngưỡng 43 tỷ USD vào năm 2025

05/10/2019 06:34 GMT+7
Theo báo cáo về Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019, Việt Nam được đánh giá là đất nước có nền kinh tế kỹ thuật số cao nhất ASEAN. Nền kinh tế số khu vực Đông Nam Á theo đó cũng sẽ tăng gấp 3 lần, từ 100 tỷ USD năm 2019 lên 300 tỷ USD năm 2025.
Nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt ngưỡng 43 tỷ USD vào năm 2025 - Ảnh 1.

Nền kinh tế số Việt Nam chạm ngưỡng 12 tỷ USD năm 2019, tăng 9 tỷ USD sau 4 năm.

Theo số liệu mới nhất về Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019 (e-Conomy Southeast Asia 2019) được Google, Temasek cùng với Bain & Company công bố, nền kinh tế số tại Việt Nam sẽ đạt mức 12 tỷ USD trong năm 2019 và dự báo sẽ tăng thêm 31 tỷ USD lên mức 43 tỷ USD vào năm 2025. Các lĩnh vực lớn đóng góp cho nền kinh tế số có thể kể đến gồm thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe công nghệ.

Trong đó, thị trường gọi xe, giao hàng qua ứng dụng được dự báo sẽ tăng từ 12,7 tỷ USD trong năm 2019 lên ngưỡng 40 tỷ USD vào năm 2025. Trong những năm tới, mảng gọi xe công nghệ sẽ có dấu hiệu chững lại trong khi mảng giao đồ ăn được đánh giá là sẽ phát triển nhanh hơn. Điều này cũng có nghĩa là hai hãng gọi xe công nghệ chiếm lĩnh thị trường Đông Nam Á là Grab và Gojek có mảng giao đồ ăn sẽ phải cạnh tranh trực tiếp với các công ty chuyên giao đồ ăn như Foodpanda và Deliveroo. Với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số ASEAN, trong 4 năm qua, các hãng gọi xe như Grab và Gojek đã huy động được hơn 14 tỷ USD trong năm qua. Các công ty thương mại điện tử cũng được rót vốn 10 tỷ USD. Sáu tháng đầu năm, các công ty Internet trên khu vực cũng đã thu được 7,6 tỷ USD tiền đầu tư.

Với 600 triệu USD đầu tư vào nền kinh tế số từ năm 2018 đến nửa đầu năm 2019, Việt Nam vinh dự được trở thành thị trường đón nhận nguồn đầu tư đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN. Một trong số các thương vụ đầu tư vào MoMo, Sendo, Topica từ các nhà đầu tư quốc tế đã góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến của các khoản đầu tư.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, Việt Nam là đất nước có nền kinh tế kỹ thuật số cao nhất trong khu vực. Tổng giá trị mua bán trên Internet của Việt Nam dự kiến sẽ đạt hơn 5% GDP của cả nước vào năm 2019. Con số này cao hơn nhiều so với mức 3,7% thị phần của Đông Nam Á.

Nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt ngưỡng 43 tỷ USD vào năm 2025 - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Cũng theo báo cáo, năm 2019, Việt Nam có tới 61 triệu người sử dụng internet. Trung bình người Việt dành khoảng 3 giờ 12 phút mỗi ngày để sử dụng internet trên thiết bị di động như điện thoại thông minh (smartphone).

Đối với khu vực Đông Nam Á, nền kinh tế Internet được dự báo sẽ đạt 300 tỷ USD vào năm 2025, cao hơn 100 tỷ USD so với mục tiêu ban đầu của báo cáo năm 2016.

Trong năm 2019, báo cáo cũng ghi nhận lần đầu tiên nền kinh tế số tại khu vực ASEAN chạm mức 100 tỷ USD, tăng 72 tỷ USD so với năm ngoái. Trong đó, Indonesia và Việt Nam là hai quốc gia dẫn đầu trong khu vực về phát triển kinh tế số với tốc độ tăng trưởng vượt mức 40% một năm. Trong khi đó, nền kinh tế số tại các quốc gia khác trong khu vực gồm Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan đang tăng trưởng ở mức từ 20% đến 30% mỗi năm.


Thị trường thanh toán trực tuyến khu vực Đông Nam Á cũng được kỳ vọng sẽ vượt quá 1.000 tỷ USD vào năm 2025. Đã có 98 triệu người dùng trưởng thành đã có tài khoản ngân hàng những không sử dụng các dịch vụ khác trong tổng số 400 triệu người trưởng thành ở khu vực ASEAN. Tại Việt Nam, thanh toán điện tử đã tăng 19,6% số lượng giao dịch, 26,6% giá trị. Đặc biệt, thanh toán qua di động tăng 104% số giao dịch và 155% giá trị.

Ngành thương mại điện tử cũng có kết quả tích cực khi có bước nhảy vọt sau 4 năm, tăng gấp gần 7 lần từ 5,5 tỷ USD năm 2015 lên tới 38,2 USD trong năm 2019. Dự báo, thị trường thương mại điện tử sẽ còn tiếp tục tăng lên mức 153 tỷ USD vào năm 2025, tăng gấp 4 lần so với năm nay. Việc tăng trưởng mạnh trong ngành thương mại điện tử là do việc thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, các lễ hội mua sắm và các chương trình khuyến mại cũng như các chương trình khác trên mạng xã hội khác nhằm tăng cường sự tham gia của người dùng trực tuyến. Trong đó, Indonesia được đánh giá là quốc gia có sự tăng trưởng mạnh nhất về thương mại điện tử so với các nước trong khu vực, dự báo tăng 61 tỷ USD từ 21 tỷ USD lên 82 tỷ USD.

Thu Trà
Cùng chuyên mục