"Nên xem xét lại việc tỷ phú Thái Lan mua 34% nhà máy nước Sông Đuống"

08/11/2019 07:49 GMT+7
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP. Hồ Chí Minh), nước sạch thuộc vấn đề an ninh quan trọng, thậm chí hơn cả lương thực. Vị đại biểu này lo ngại về việc mới đây, doanh nghiệp Thái Lan đã chi 2.000 tỷ để mua cổ phần Công ty CP Nước mặt sông Đuống.

Tại phiên chất vấn Quốc hội sáng 7/11, vấn đề an ninh nước sạch đã được một số đại biểu Quốc hội nêu tại nghị trường. Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương), việc mua bán, sáp nhập trong kinh tế thị trường là tất yếu. Tuy nhiên, nếu không cẩn trọng sẽ làm gia tăng tình trạng độc quyền thao túng thị trường. "Bộ trưởng có giải pháp gì để tham mưu cho Chính phủ có chính sách điều tiết làm lành mạnh hoạt động này", ông Nhân nêu câu hỏi.

Cùng mối quan tâm này, theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM), nước sạch là vấn đề an ninh quan trọng còn hơn cả an ninh lương thực. Song gần đây, có tình trạng thoái vốn đến 100% ở các công ty cung cấp nước sạch, gây nhiều lo lắng, nguy cơ về an ninh nguồn nước.

"Nên xem xét lại việc tỷ phú Thái Lan mua 34% nhà máy nước Sông Đuống" - Ảnh 1.

Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa nước sạch là vấn đề an ninh quan trọng còn hơn cả an ninh lương thực

"Vừa qua, dư luận phản ánh việc tỷ phú Thái Lan đã mua đến 34% cổ phần của Nhà máy nước sạch Sông Đuống. Trước tình hình cung cấp nước sạch ở Hà Nội như vừa rồi, chúng ta phải xem xét lại chủ trương này. Tôi đề nghị Bộ trưởng Công Thương cũng như Thủ tướng cho biết thêm ý kiến của mình về việc này. Tôi rất khẩn thiết đề nghị xem xét lại không nên thoái vốn hoặc Nhà nước phải nắm cổ phần chi phối tại các đơn vị này", ông Nghĩa nêu vấn đề.

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh ghi nhận những đánh giá, quan điểm của các đại biểu. "Trước việc này, xin tiếp thu trong góc độ trách nhiệm của Bộ"", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Sau khi sự cố nhiễm dầu thải nước sông Đà xảy ra, vấn đề an ninh nguồn nước được đưa ra bàn luận trên nghị trường. Và câu hỏi đặt ra là, có nên cổ phần hóa hoàn toàn các công ty nước sạch?

Tại buổi tọa đàm "An ninh nước sạch và các vấn đề pháp lý'' được tổ chức mới đây, luật sư Trương Xuân Hải - Giám đốc Công ty Luật Gia Bảo (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, việc thoái hóa vốn, cổ phần hóa là cần thiết để cải thiện hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và để bổ sung nguồn thu cho ngân sách.

Tuy nhiên, khi cổ phần hóa, thoái hóa hoàn toàn, doanh nghiệp sẽ chỉ chú trọng kinh doanh, mà cắt giảm và tiết kiệm tối đa các chi phí dẫn đến an ninh nguồn nước gặp nhiều rủi ro. "Do đó, theo tôi, khi cổ phần hóa Nhà nước cần giữ vai trò chi phối trong hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp công ích phải lấy việc phục vụ người dân là chính, chú trọng hàng đầu đến chất lượng".

Luật sư Hải cũng cho rằng, Nghị định 177 (Nghị định về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch) cũng cần phải sửa đổi một số điều cho phù hợp với tình hình thực tế. "Trong nghị định này có nêu vấn đề về công tác bảo vệ an ninh nguồn nước, theo đó giao toàn bộ trách nhiệm này cho doanh nghiệp, trong khi đó Nhà nước chỉ có trách nhiệm phối hợp. Theo tôi nên quy định ngược lại: Việc đảm bảo an ninh an toàn nguồn nước trước hết là trách nhiệm của Nhà nước, còn doanh nghiệp sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng", luật sư Hải nói.

Ngày 8/8/2019, Công ty Cổ phần đại chúng điện và nước WHA (gọi tắt là WHA) - một doanh nghiệp Thái Lan - đã cho phép Công ty WHA Utilities and Power Public Company Limited ký hợp đồng mua bán với ông Do Tat Thang - một cổ đông của Công ty Cổ phần Nước mặt sông Đuống để mua 33.986.774 cổ phần, tương đương với 34% tổng số cổ phần của Công ty Cổ phần Nước mặt sông Đuống.

Dự án Nhà máy Nước mặt Sông Đuống nằm ở Khu vực xã Phù Đổng & Trung Mầu, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Đây là nhà máy có quy mô cấp nước vùng, với tổng công suất: 900.000 m3/ngày đêm; Tổng công suất dự kiến: 1.200.000 m3/ngày đêm.

Giai đoạn 1, dự án có vốn đầu tư là 5000 tỉ đồng với các cổ đông sáng lập cụ thể như sau: Công ty nước sạch Hà Nội 10%; Công ty TNHH MTV ứng dụng công nghệ mới và du lịch (Newtaco) 5%; Công ty cổ phần Đầu tư Việt Nam - Oman (Nhà đầu tư ủy thác góp vốn) 27%; Công ty cổ phần Nước Aqua One (Nhà đầu tư ủy thác góp vốn) 58%.

Trên trang web chính thức của Công ty Công ty cổ phần Nước Aqua One (Nhà đầu tư ủy thác góp vốn) 58% cũng đã xác nhận việc danh sách cổ đông Công ty cổ phần Nước mặt Sông Đuống đã có sự xuất hiện của WHAUP (SG) 2DR PTE. LIMITED với 34% tỉ lệ sở hữu vốn điều lệ.

Theo Quyết định 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ ban hành vào ngày 17/8/2017 đã công bố danh mục thoái vốn nhà nước đến năm 2020. Theo quyết định này, trong 3 năm, từ 2017-2019, Nhà nước sẽ tiến hành thoái vốn dần dần trên 57 công ty thuộc ngành cấp thoát nước, trải dài từ Hậu Giang đến Lạng Sơn


Ong Lý
Cùng chuyên mục