Nếu bị Anh "tống cổ" khỏi dự án 5G, Huawei sẽ khó sống ở Châu Âu
Nổi tiếng là nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới với chất lượng cao và giá rẻ, nhưng Huawei đang điêu đứng bởi hàng loạt hạn chế thương mại của Mỹ. Việc Washington tạo áp lực với các đồng minh nhiều khả năng sẽ đe dọa đến hoạt động kinh doanh của Huawei tại Châu Âu, nhất là khi có báo cáo cho thấy Anh đang tìm cách loại Huawei khỏi cơ sở hạ tầng viễn thông nước này trong năm nay.
Một thập kỷ xây dựng mối quan hệ chính trị và thương mại gắn bó giữa Vương quốc Anh và Trung Quốc đã chững lại trong nhiều tuần qua, khi những sự hoài nghi gia tăng sau vụ bùng phát đại dịch Covid-19 và cuộc tranh luận ngoại giao về luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh vừa áp đặt với Hồng Kông, thuộc địa cũ của Anh.
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã cố gắng trấn an Bắc Kinh bằng cách thúc đẩy thắt chặt quan hệ ngoại giao giữa hai nền kinh tế. Hồi tháng 1, ông Boris từng tuyên bố sẽ cho phép Huawei tham gia cung cấp 35% thiết bị cơ sở hạ tầng mạng không cốt lõi của mạng lưới 5G thế hệ mới bất chấp áp lực từ Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc Huawei sẽ được cấp phép cung cấp các thiết bị không gây mối đe dọa an ninh như ăng-ten, trạm thu phát sóng…cho Anh.
Nhưng ngay sau đó, nghị viện Anh do Đảng Bảo thủ kiểm soát đã lên tiếng phản đối, nguy cơ phá vỡ các kế hoạch cho phép Huawei tham gia mạng viễn thông 5G của chính quyền ông Boris. Cùng với đó, việc Washington đe dọa sẽ cắt mạng lưới chia sẻ tin tức tình báo nếu ông Boris khăng khăng làm ăn với Huawei cũng tạo thêm áp lực cho Thủ tướng Anh. Đến cuối tháng 5 vừa qua, một nguồn tin thân cận của Daily Telegraph cho hay Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đổi ý. Ông Boris yêu cầu các quan chức xem xét kế hoạch cắt giảm sự tham gia của gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc trong cơ sở hạ tầng mạng di động 5G của Anh xuống 0% vào năm 2023.
Mới đây nhất, hồi cuối tuần qua, truyền thông nước Anh đưa tin Trung tâm an ninh mạng quốc gia GCHQ - cơ quan tình báo hàng đầu của Anh cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ với Huawei đã gây tác động nghiêm trọng đến Huawei. Công ty Trung Quốc có nguy cơ phải sử dụng các thiết bị mạng với độ bảo mật thấp để thay thế khi nguồn cung linh kiện Mỹ bị siết chặt.
Một dự luật thay đổi chính sách nhằm cấm các nhà khai thác mạng mua thiết bị Huawei từ nay đến cuối năm dự kiến sẽ được đệ trình lên Thủ tướng Johnson và các Bộ trưởng trong Hội đồng bảo an Quốc gia trong tuần này. Theo các nguồn tin, dự luật này thực chất để mở đường cho việc loại bỏ công nghệ Huawei khỏi mạng viễn thông của Anh từ nay đến năm 2026-2027, theo tờ The Sunday Times. Các tờ The Sunday Telegraph và Sky News cũng vừa xác nhận thông tin này.
Duncan Smith, một thành viên của nhóm 59 nghị sĩ Đảng Bảo thủ chống Huawei đã thúc giục Thủ tướng Johnson hành động mạnh tay hơn. “Nên loại thiết bị viễn thông Huawei khỏi hệ thống viễn thông trước cuộc bầu cử năm 2025” - ông Duncan Smith nhận định.
Nếu London thực sự mạnh tay trong việc cấm Huawei cung cấp thiết bị viễn thông, đi ngược lại chính sách của Thủ tướng Boris Johnson hồi đầu năm nay, thì quyết định này sẽ tác động lớn đến các quốc gia Châu Âu còn lại, như Đức chẳng hạn.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng từng đe dọa cắt nguồn chia sẻ tin tức tình báo với Đức nếu nước này cho phép Huawei tham gia xây dựng mạng 5G thế hệ mới, đồng thời nhấn mạnh nhiều rủi ro an ninh quốc gia từ công ty công nghệ Trung Quốc. Một khi Anh mạnh tay với Huawei, Đức có thể cũng sẽ đưa ra quyết định tương tự dựa trên lợi ích của người dân, để bảo vệ đất nước khỏi nguy cơ gián điệp mạng. Nhất là khi Bộ Tư pháp Mỹ mới đây cáo buộc Huawei là một trong những công ty công nghệ được hậu thuẫn bởi quân đội của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trong khi đó, Huawei đã nhiều lần phủ nhận việc có bất cứ mối liên hệ nào với các cơ quan quân sự và an ninh của Trung Quốc.