Nga: Đường tăng giá mạnh và khan hiếm
Cơ quan chống độc quyền liên bang Nga (FAS) ngày 17/3 cho biết sẽ tiến hành các cuộc điều tra chống độc quyền, nhằm vào các nhà sản xuất đường trong bối cảnh đường tăng giá mạnh và khan hiếm "một cách không lý giải được" tại một số khu vực khiến người dân đổ xô đi mua.
Nhiều người Nga coi đường là một sản phẩm hữu ích cần tích trữ trong thời kỳ khủng hoảng và vội đi mua sau khi các trừng phạt của phương Tây đang làm đồng ruble mất giá, khiến giá cả các mặt hàng lương thực tăng cao.
Số liệu của cơ quan thống kê Nga Rosstat cho thấy đến ngày 11/3, lạm phát ở Nga tăng lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2015. Giá đường tăng 12,8% trong tuần trước. Nhà chức trách trấn an người dân rằng không có lý do gì để đổ xô đi mua thực phẩm.
FAS cho biết: "Thiếu đường trên kệ hàng ở một số khu vực là do nhu cầu tăng, nhưng tình trạng này nghiêm trọng hơn vì các tổ chức không trung thực". Cơ quan này cho biết sẽ thanh tra các nhà máy sản xuất đường, các chuỗi bán lẻ và các nhà trung gian.
Trước đó, Nga cấm xuất khẩu đường đến ngày 31/8 và đặt hạn ngạch miễn thuế nhập khẩu 300.000 tấn đường và đường nâu, trong một nỗ lực nhằm giảm lạm phát lương thực trong nước.
Bộ Nông nghiệp cho biết các biện pháp trên, cùng với kế hoạch tăng diện tích trồng củ cải đường của Nga trong năm 2022 lên 1,1 triệu hecta, sẽ giúp tăng nguồn cung cho nhu cầu nội địa.
Thứ trường Thương mại Viktor Evtukhov cho biết: "Chúng ta không có vấn đề gì với đường, các nhà sản xuất sẽ sản xuất đủ lượng" phục vụ nhu cầu. Ông Evtukhov khẳng định "sẽ không xảy ra tình trạng khan hiếm mặt hàng này".
Theo thông tin mới nhất, hai tàu chở 88.000 tấn đường thô đang trên đường từ Brazil đến cảng Biển Đen ở Nga. Nhà bán lẻ Magnit tuyển dụng thêm nhân viên nhằm tăng cường năng lực đóng gói mặt hàng này để đẩy nhanh việc đưa hàng lên kệ.