Ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất: BaovietBank vượt VPBank với 5,2%
Nợ xấu 5,2%
Suốt thời gian qua, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) dẫn đầu danh sách các ngân hàng (đã công bố công khai báo cáo tài chính) có tỷ lệ nợ xấu cao nhất lên đến 3,42%. Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, mức "trần" nợ xấu chỉ là 3%.
Tuy nhiên, sau khi công bố báo tài chính năm 2019, Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaovietBank) đã vượt qua VPBank để đứng ở vị trí số 1 với tỷ lệ nợ xấu cao vượt trội và vượt xa mức "trần" 3%.
Cụ thể, tại ngày 31/12/2019, nợ xấu tại BaovietBank đạt 1.292 tỷ đồng, chiếm 5,22% tổng dư nợ tín dụng. Trong khi đó, ở thời điểm đầu năm, các con số này lần lượt là 1.025 tỷ đồng, chiếm 3,98% tổng dư nợ tín dụng. Như vậy, nợ xấu tại BaovietBank tăng cả con số tuyệt đối cũng như tỷ lệ.
Nợ xấu tăng nên BaovietBank phải mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Trong năm 2019, chỉ tiêu này tăng từ 341 tỷ đồng lên 369 tỷ đồng. Điều đó khiến cho ngân hàng dù lãi nhuận tăng nhẹ nhưng vẫn là con số rất khiêm tốn.
Lợi nhuận sau thuế 2019 của BaovietBank chỉ đạt 85 tỷ đồng, tăng 5 tỷ đồng, tương đương 6,25% so với năm 2018. Lãi ròng đi lên nhờ vào thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự tăng mạnh từ 2.086 tỷ đồng lên 3.347 tỷ đồng.
Tăng trưởng tín dụng âm
Trong quý 3/2019, BaovietBank chứng kiến cả hai chỉ tiêu quan trọng: tiền gửi của khách hàng và cho vay khách hàng đều tăng trưởng âm. Tuy nhiên, tới quý 4, ngân hàng đã nỗ lực cải thiện hoạt động huy động vốn nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn đi lùi.
Cụ thể, tại thời điểm 31/12/2019, chỉ tiêu tiền gửi của khách hàng tại BaovietBank đạt 29.240 tỷ đồng, tăng 2.197 tỷ đồng, tương đương 8,12% so với số liệu hồi đầu năm. Trước đó, trong quý 3/2019, chỉ tiêu này đạt 25.811 tỷ đồng, giảm 1.232 tỷ đồng, tương ứng 4,6%.
BaovietBank là một trong các ngân hàng có thực hiện chính sách lãi suất cao. Dù trên website chính thức, mức lãi cao nhất được công bố chỉ là 7,9%/năm nhưng tại một số phòng giao dịch, chi nhánh, lãi suất dao động trên 8,2%/năm.
Cải thiện thành công tình hình huy động vốn nhưng BaovietBank vẫn chứng kiến tín dụng tăng trưởng âm. Tại thời điểm cuối năm 2019, chỉ tiêu cho vay khách hàng chỉ đạt 24.758 tỷ đồng, giảm 989 tỷ đồng, tương đương 3,84%.
Mạnh tay tăng lương
Trong năm 2019, BaovietBank mạnh tay tăng lương cho người lao động. Cuối năm, số lượng nhân sự ngân hàng dừng ở mức 1.341 người, giảm 144 người so với cuối năm 2018. Điều đó có nghĩa ngân hàng thực hiện cắt giảm nhân sự.
Với ngân sách lương và phụ cấp đạt gần 256 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 185 tỷ đồng của năm 2018, trung bình, mỗi người lao động được trả 187 triệu đồng/người/năm, tương đương 15,6 triệu đồng/người/tháng. Trong năm 2018, các con số này lần lượt là 125 triệu đồng/người/năm, tương đương 10,4 triệu đồng/người/tháng.
Do tình hình kinh doanh của ngân hàng còn kém rất nhiều so với đa số đối thủ còn lại trên thị trường nên cổ phiếu BaovietBank giao dịch trên thị trường OTC không được nhà đầu tư đón nhận. Hiện tại, giá BaovietBank được chào mua và chào bán phổ biến ở mức từ 3.200 đồng/CP tới 4.500 đồng/CP, thấp hơn rất nhiều so với mệnh giá.
Theo báo cáo tài chính năm 2019, BAOVIET Bank đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu hoạt động kinh doanh năm 2019: tổng tài sản đạt 59.822 tỷ đồng, đạt 107% so với cùng kỳ năm 2018; huy động đạt 36.861 tỷ đồng, đạt 118% so với năm 2018. Mức lợi nhuận trước thuế đạt 104 tỷ đồng.
Kết thúc năm tài chính 2019, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng này đạt hơn 116 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi năm 2018. Bên cạnh đó, hoạt động cho vay của BAOVIET Bank ghi nhận mốc 24.758 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 104 tỷ đồng, tương đương con số của năm 2018.